Song Phương giờ như "thay da đổi thịt”, diện mạo đã khác xưa rất nhiều, những con đường lầy lội năm xưa nay đã được trải bằng những con đường nhựa phẳng lỳ. Hàng loạt những ngôi nhà cao tầng mới khang trang mọc lên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương cũng được nâng lên rõ rệt. Với sự chân chất, mộc mạc của người lính Cụ Hồ năm nào, ông Nguyễn Văn Sơn đón chúng tôi bằng cái nắm tay thật chặt. Ông chia sẻ, khi nhập ngũ, ông đã tham gia dạy bình dân học vụ ở trường làng. "Những năm ấy, tôi cũng được lãnh đạo huyện biểu dương, khen thưởng. Nhưng đất nước lúc đó đang lâm nguy nên tôi xin nhập ngũ khi mới ngoài 20 tuổi và cũng là người trực tiếp tham gia cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1971. Do bị thương nên buộc tôi phải điều trị tại bệnh xá và rời khỏi quân ngũ sau đó. Rời quân ngũ, ông Sơn tham gia vào hoạt động của địa phương với cương vị Kế toán tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phương Viên, Chủ nhiệm HTX Phương Viên, Bí thư chi bộ thôn Phương Viên; Trưởng Ban Tài chính, Trưởng ban Phát triển nông thôn, đến tháng 9-2008, ông giữ chức Chủ tịch MTTQ xã Song Phương cho đến nay. "Tôi đã từng công tác nhiều năm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từng vào sinh ra tử trên các chiến trường thời chống Mỹ, nếm mật nằm gai ở Thành cổ Quảng Trị. Nhưng phải nói rằng, chẳng có việc nào, cương vị nào tôi thấy khó như làm cán bộ Mặt trận”, ông Sơn khẳng định. Theo ông, cái khó này được thể hiện ngay trong kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp tại địa phương. Từ thực tế cuộc sống, tôi rút ra cho mình kinh nghiệm: Đối với những người làm công tác dân vận, làm Mặt trận thì tính kiên trì bền bỉ, nhẫn nại phải được rèn rũa và đặt lên hàng đầu. Phải tuyên truyền, vận động làm sao cho thật khéo để dân hiểu đúng và làm đúng. Làm sao để duy trì tốt tinh thần đoàn kết, sự trong sạch trong chính đội ngũ cán bộ lãnh đạo thì dân mới tin và làm theo. Ví dụ, trong kỳ bầu cử ĐBQH – HĐND các cấp vừa qua, khi giới thiệu người tham gia ứng cử, bà con người thì tán thành, người thì phản đối. Lúc đó, tôi phải hướng dẫn, giới thiệu, vận động để bà con có thể lựa chọn đúng đại biểu dân cử, đủ đức đủ tài vào các cơ quan Nhà nước. Ông Sơn cho biết, thêm một cái khó nữa đối với cán bộ địa phương khi đi vận động dân chúng trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh tế là trình độ dân trí của người dân còn hạn chế…vì thế, cán bộ phải nắm được những điều này, học những điều này để tìm cách khắc phục. "Muốn nói được dân thì trước hết cán bộ phải là những người gương mẫu đi đầu”, ông Sơn nhấn mạnh và cũng chính vì vậy mà ông luôn trăn trở và tìm ra hướng làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc của mình trên chính đồng đất quê hương. Dám nghĩ dám làm, bởi thế ông Chủ tịch MTTQ xã là người đầu tiên thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Năm 1995 - 1996, ông Sơn nổi tiếng khắp vùng vì đã mạnh dạn đầu tư trồng cam Canh và đạt hiệu quả kinh tế cao trên diện tích hơn 400 m2. Năm đầu tiên cây cam Canh mang lại cho ông được gần 1,2 tấn, thu về từ 30 – 40 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn trồng xen cây nhãn. Năm 2000, vườn nhãn của ông đã bói vụ quả đầu tiên với năng suất vượt trội. Hiện ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng nhãn lên hơn 6 sào (48.000 m2). Đến đầu năm 2011, ông Sơn thu được hơn 60 triệu đồng từ tiền bán nhãn. Với mô hình phát triển kinh tế cùng tư duy dám nghĩ dám làm, ông Sơn luôn là một trong những vị cán bộ Mặt trận đi đầu trong "trận tuyến” phát triển kinh tế, là một trong những điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế của địa phương. N. Phượng – Đ. Hiệp |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn