Hưởng ứng Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ phát động, ngày 17/9/2011, UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020 và chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến năm 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020. Mục tiêu của phong trào thi đua nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vận động Nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011-2020 với phương châm “Phát huy nội lực là chính, nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới”. Việc thực hiện phong trào thi đua góp phần xây dựng nông thôn mới của tỉnh phát triển đồng bộ, toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân trên địa bàn nông thôn nói riêng và người dân trên địa bàn toàn tỉnh nói chung.
Để đưa phong trào thi đua vào cuộc sống, ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã chỉ đạo khảo sát thực trạng các tiêu chí của các xã, phát động phong trào thi đua, chỉ đạo lập đề án, lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở 100% xã trong tỉnh; xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương; chỉ đạo rút kinh nghiệm và triển khai sâu rộng phong trào thi đua ở tất cả các xã. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa phong trào bằng những chương trình, kế hoạch phù hợp với thực tế như Mặt trận Tổ quốc với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với Cuộc vận động "5 không, 3 sạch"...
Sau 10 năm triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhận thức của người dân đã được nâng lên, người người, nhà nhà chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, cùng nhau hiến đất, ngày công và đã tạo thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các bản trong xã, các xã trong huyện và các huyện trong tỉnh. Có thể nói, phong trào đã đi vào chiều sâu, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong quá trình thực hiện.
Từ phong trào, Nhân dân đã tự nguyện hiến 914.368m2 đất, gần 7 nghìn ngày công lao động; đã vận động được các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí và xây dựng nhiều công trình lớp học, nhà văn hóa bản… Cũng từ phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế-xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của người dân khu vực nông thôn. Đến nay, 100% xã có đường giao thông rải nhựa, bê tông, cứng hóa đến trung tâm xã, xe ô tô đi lại thuận lợi 4 mùa; 88,5% thôn, bản có đường xe máy, ô tô đi lại thuận lợi; 100% xã, 93% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, cao hơn trung bình cả nước; 87% hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch, 85% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Người dân đã tích cực thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh, đã góp phần làm cho kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần giá trị; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như lúa chất lượng cao với 2.000 ha; vùng chè với trên 6.000 ha (tăng trên 3.500 ha so với năm 2004), phát triển vùng chè gắn với đẩy mạnh công nghiệp chế biến nâng cao chất lượng, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; đã hình thành được thương hiệu chè Than Uyên, chè Tam Đường, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài như Nga, Nhật bản, Pakistan; phát triển vùng cây cao su trên 13.000 ha; đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiên tiến điển hình như phát triển chè tại xã Bản Bo (huyện Tam Đường), xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên); cây ăn quả ôn đới tại xã Giang Ma (huyện Tam Đường); trồng chuối tại huyện Phong Thổ; nuôi cá lồng trên hồ thủy điện tại huyện Than Uyên…
Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh; chất lượng giáo dục ngày càng tăng, phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì, giữ vững ở tất cả các xã; công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tiếp tục tăng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; từ năm 2011-2019 thu nhập bình quân đầu người tăng 28,1 triệu đồng/người (năm 2011 thu nhập bình quân đầu người là 8,2 triệu đồng/người/năm, năm 2019 thu nhập bình quân đầu người là 36,3 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm trung bình hàng năm từ 3-4%. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp; đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng hoàn thiện cả về chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng; an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn tiếp tục được giữ vững và ổn định; công tác đối ngoại được thực hiện hiệu quả.
Đặc biệt, số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng lên. Năm 2015, toàn tỉnh có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2019, toàn tỉnh có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 20 xã so với năm 2015) và thành phố Lai Châu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Với những kết quả đạt được trong thực hiện Phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”, tỉnh Lai Châu đã được Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc bình xét là đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua; được Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Trung ương lựa chọn là đơn vị có thành tích xuất sắc trong Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; giai đoạn 1 (từ năm 2011- 2015) được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và giai đoạn 2 (từ năm 2016-2020) được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh, chỉ đạo việc thực hiện Phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; tiếp tục khơi dậy, nuôi dưỡng, phát triển nguồn lực trong Nhân dân, lấy tinh thần thi đua làm chủ đạo trong quá trình thực hiện; công khai, dân chủ, trao quyền tự chủ cho người dân để người dân thực sự là chủ thể chính của Chương trình xây dựng nông thôn mới; khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng; tập trung cao cho phát triển sản xuất và gắn với phát triển toàn diện trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; chú trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ nòng cốt ở các cấp nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; định kỳ tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm và biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt để nhân rộng.
Nguồn: laichau.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn