Theo Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM Ninh Thuận, thực trạng nông thôn ở Ninh Thuận trong những năm qua phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, môi trường ngày càng ô nhiễm, đường giao thông nông thôn yếu kém, hệ thống điện chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Đời sống vất chất, tinh thần tại các vùng dân cư nông thôn còn thấp.
Đặc biệt sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp còn mang tính thiếu chất bền vững, mặc dù trong 2 năm triển khai dạy nghề cho lao động nông, toàn tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức được 285 lớp dạy nghề với 8.513 học viên tham gia. Tuy nhiên, số lao động tự tạo việc làm hoặc được các cơ sở sản xuất kinh doanh tuyển dụng chỉ được 1.880 người và gần 2.400 người vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế sản xuất.
Ông Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn kiêm Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Thực trạng nông thôn tỉnh Ninh Thuận so với Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM đạt rất thấp. Toàn tỉnh có 47 xã, trong đó có 9 xã chỉ đạt từ 1-3 tiêu chí, tập trung tại huyện miền núi Bác Ái, 23 xã đạt 4-5 tiêu chí, còn lại 15 xã đạt từ 6-8 tiêu chí. Cũng theo ông Hiếu, các tiêu chí mà các địa phương đạt được chủ yếu tập trung ở điện, bưu điện, hệ thống chính trị và an ninh trật tự.
Những công trình nước sạch mới ở Ninh Thuận
Ông Châu Thăng Long, Phó giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chánh văn phòng BCĐ xây dựng NTM Ninh Thuận, cho biết: Đến nay, chúng tôi đã kiện toàn xong bộ máy Ban chỉ đạo xây dựng NTM ở cấp tỉnh, huyện và 47 xã trong tỉnh. Trong 2 năm qua, do nguồn vốn từ Chương trình xây dựng NTM, mỗi năm tỉnh Ninh Thuận chỉ được phân bổ trên dưới 8 tỷ đồng, chưa đủ bố trí vốn cho các xã làm công tác quy hoạch thì nói gì đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn.
Mặc dù nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng sau 2 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay tại Ninh Thuận cơ bản các xã đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, một số xã đang trình phê duyệt đồ án quy hoạch, nội dung đồ án quy hoạch.
Xác định tuyên truyền để toàn dân chung tay xây dựng NTM có vai trò quan trọng, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Ninh Thuận đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tổ chức lễ phát động tại các xã, phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể tuyên truyền vận động toàn dân tích cực tham gia xây dựng NTM, đồng thời Ban chỉ đạo đã soạn thảo Sổ tay "Hỏi - đáp xây dựng NTM" để cung cấp cho cơ sở.
Nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân là tiêu chí quan trọng trong công cuộc xây dựng NTM, do vậy từ nguồn vốn phân bổ trực tiếp từ Chương trình MTQG về xây dựng NTM, Ban chỉ đạo đã hỗ trợ các địa phương thực hiện các mô hình sản xuất ở 9 xã như: mô hình sản xuất lúa nguyên chủng, sản xuất bắp lai, hành tím, cá diêu hồng và hỗ trợ 65 con bò sinh sản.Các mô hình này, theo ông Hiếu đều đạt mục tiêu và hiệu quả. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM Ninh Thuận còn yêu cầu các địa phương, các ngành lồng ghép các chương trình khác triển khai trên địa bàn như Chương trình MTQG giảm nghèo, Chương trình 135, Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở huyện nghèo Bác Ái (theo Nghị quyết 30a). | Theo kế hoạch, đến năm 2015 toàn tỉnh Ninh Thuận có 11 xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 có thêm 13 xã. Dù khó khăn nhưng chính quyền và người dân Ninh Thuận quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ theo Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. |
Một số chương trình lồng ghép trong năm đã triển khai như Chương trình MTQG giảm nghèo hỗ trợ thực hiện các mô hình chăn nuôi dê, cừu, gà và trồng trọt cho 4 xã với tổng kinh phí 513 triệu đồng, quỹ hỗ trợ từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với tổng kinh phí 4 tỷ đồng cho nông dân Ninh Thuận vay với lãi suất ưu đãi cho các nhóm hộ vay để sản xuất… Chính cách làm này đã huy động được nguồn vốn lớn để hỗ trợ nông dân sản xuất phát triển kinh tế gia đình.
NGỌC KHANH
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn