Nông dân đang được hỗ trợ qua doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định khi trả lời câu hỏi của độc giả về việc các DN thì nhận được sự hỗ trợ trong việc thu mua lúa của nông dân, trong khi người nông dân lại không nhận được gì.
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện tăng mua và tạo ra nhu cầu trên thị trường, góp phần duy trì giá, thậm chí tăng giá thu mua lúa cho nông dân. Thực tế, dù mới triển khai, nhưng giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã nhích lên.
Để giúp bà con nông dân tăng thu nhập, thu nhập ổn định, Chính phủ đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác.
Đối với những người trồng lúa, Chính phủ đang tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình thủy lợi, đảm bảo sản xuất ổn định, tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao cho nông dân những giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn, có giá bán tốt hơn, đầu tư cho khâu sau thu hoạch như kho tàng và các máy móc, giúp cho bà con nông dân sản xuất hiệu quả hơn, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, tổn thất sau thu hoạch của nông nghiệp nước ta, trong đó có lúa và rau màu, vẫn đang ở mức cao. Theo nghiên cứu, 12% sản lượng lúa bị tổn thất qua nhiều khâu. “Do đó, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách dành riêng để hỗ trợ bà con giảm tốn thất sau thu hoạch” – ông Cao Đức Phát nói.
Thực hiện chủ trương này của Chính phủ, từ 2004-2008 đã có hơn 30 tỉnh thành hỗ trợ tín dụng cho bà con nông dân để mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp với mức hỗ trợ từ 70-80% giá trị máy, hỗ trợ lãi suất từ 50 đến 100%. Năm 2009-2010, trong gói kích cầu, Nhà nước cũng dành hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nông dân.
Từ năm 2010 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 63 về chính sách giảm tốn thất sau thu hoạch, hỗ trợ nông dân mua các máy móc, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho tàng để tạm trữ lúa.
Về chính sách bao tiêu sản phẩm, theo cơ chế hiện nay, Nhà nước không trực tiếp bao tiêu các loại nông sản mà thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho nông dân, Nhà nước thực hiện nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân để bà con có đầu ra ổn định hơn. Gần đây nhất, Bộ đang phối hợp với các địa phương thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cũng là một trong những cách tạo đầu ra ổn định cho nông dân.
Mặt khác, ngành nông nghiệp đang tiếp tục triển khai việc tăng cường thông tin về thị trường để nông dân hiểu rõ hơn, từ đó sản xuất phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, có thu nhập ổn định hơn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định: Lúa gạo là ngành có lợi thế của Việt Nam, nhiều nơi nếu không trồng lúa gạo khó có thể trồng loại cây gì khác. Hiện nay, sản xuất lúa gạo đang đem lại thu nhập tương đối khá cho nông dân ở nhiều vùng, đặc biệt là ở vùng đồng bằng. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện ở từng nơi, nông dân cần tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn cây trồng phù hợp hơn, có thể đem lại thu nhập cao hơn.
Nhưng lựa chọn loại cây trồng nào cũng phải bám sát yêu cầu thị trường, xuất phát từ đặc điểm của địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, mỗi địa phương nên tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi lợi thế, có khả năng cạnh tranh tốt, trong đó rau, hoa cũng là một hướng Bộ đang thúc đẩy để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, từng địa phương cụ thể cần phải lựa chọn và cân nhắc cụ thể để quyết định có làm hay không./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn