Tại hội thảo Tiếp cận thị trường trong nước và xuất khẩu (XK) đối với nông sản Việt Nam vừa qua, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, chia sẻ: "Hiện nay đang xảy ra tình trạng người Việt cứ đi tìm sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch. Ngược lại chúng ta có những nơi có sản phẩm an toàn nhưng không đến được tay người tiêu dùng. Điều này cho thấy giữa sản xuất và tiêu thụ còn khoảng cách khá xa".
Thị trường ngày càng khắt khe
Theo Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu XK nông, lâm thủy sản bình quân giai đoạn 2011- 2017 đạt 8,6%/năm. Kim ngạch XK năm 2017 đạt 33,4 tỷ USD, tăng gấp 68 lần năm 1986, gấp 8 lần năm 2000 và gần gấp đôi năm 2010.
Đặc biệt, hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp đã XK được sang gần 200 thị trường, trong đó có nhiều thị trường phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Về thị trường, ông Phạm Tuấn Long, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Nông lâm thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá sẽ còn nhiều cơ hội cho Việt Nam. Theo lộ trình cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng nông sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, thương mại toàn cầu năm 2018 vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng. Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018.
Đặc biệt, nhận thức của người dân cũng như Chính phủ các nước về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như Ủy ban châu Âu (EC) siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Với Mỹ, thị trường lớn nhất thế giới này đặt ra quy định yêu cầu về phân tích nguy cơ dịch hại, thực hiện kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật và yêu cầu xử lý kiểm dịch thực vật (chiếu xạ) đối với trái cây tươi Việt Nam. Mỹ còn cử chuyên gia sang giám sát xử lý từng lô hàng XK, nhất là giám sát quá trình chiếu xạ…
Thị trường Trung Quốc – lâu nay vốn được xem là "dễ tính", gần đây cũng đưa ra biện pháp quản lý giám sát ghi nhãn thực phẩm nhập khẩu đóng gói sẵn. Hay tại Đài Loan, đa số trái cây tươi Việt Nam bị cấm nhập vì không đạt yêu cầu về chất lượng.
Những yêu cầu khắt khe trên đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với nông sản Việt Nam. Theo ông Long, nhiều mặt hàng nông sản hiện còn sản xuất manh mún, tự phát dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho XK, chất lượng không đồng đều, rất khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc.
Vấn đề an toàn thực phẩm tuy được cải thiện so với trước đây nhưng chưa thật sự bền vững. Đâu đó vẫn xuất hiện tình trạng sản phẩm XK bị trả về do không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của hàng Việt Nam.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới chất lượng nông sản |
Thiếu "chứng chỉ" khó đi xa
Không chỉ thị trường XK, mà đối với thị trường trong nước, những tiêu chuẩn, quy chuẩn với hàng nông sản cũng đang được đặt ra. Bà Đinh Thị Mỹ Loan đánh giá thị trường nông sản hiện nay còn gặp phải trường hợp "được mùa, mất giá", thường xuyên phải tiến hành giải cứu. Mà đã giải cứu có nghĩa là chúng ta đã thất bại do nhiều mặt hàng nông sản chưa thể vào được siêu thị.
Thống kê của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy hiện nay, 85% nông, thủy sản được bán lẻ thông qua kênh truyền thống (các hộ kinh doanh ở chợ, các shop nhỏ lẻ, những người bán lẻ ven đường); chỉ 15% sản phẩm bán qua kênh hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi).
Đây là con số thấp hơn so với tỷ lệ hàng hóa phi thực phẩm. Một trong những nguyên nhân là do sản phẩm chưa đạt các quy định về an toàn thực phẩm mà siêu thị đặt ra.
Chưa kể, hiện có quá nhiều cơ quan quản lý chung, quá nhiều quy chuẩn nên việc truy xuất nguồn gốc nông sản gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo.
Theo bà Loan, các nhà bán lẻ đều có những yêu cầu riêng, những tiêu chí rõ ràng về chất lượng hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng. Tuy nhiên, người nông dân lại không có quy trình sản xuất an toàn, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng. Không nắm được công nghệ sản xuất an toàn, thiếu liên kết thông tin với nhà bán lẻ và người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, ông Hoàng Sơn Công, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho rằng Việt Nam không thiếu hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng có thực trạng người nông dân áp dụng xong một vụ rồi thôi.
"Vì sao lại như vậy, như tiêu chuẩn VietGAP có địa phương áp dụng hàng ngàn ha nhưng năm sau bỏ. Câu trả lời là hàng làm ra không bán được nên nông dân không mặn mà. Người nông dân không phải không biết quy trình, áp dụng tiêu chuẩn như thế nào, nhưng họ cần DN phân phối đảm bảo đầu ra, ứng tiền trước rồi mới làm", ông Công nói.
Về phần DN, điều này là áp lực lớn. Nhiều DN bỏ ra số tiền không hề nhỏ nhưng cuối cùng nông dân thấy được giá lại bán sản phẩm cho thương lái.
Bà Nguyễn Kim Ngân, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững, cũng chia sẻ thời gian qua, đơn vị này tạo được nhiều mô hình hợp tác giữa nông dân và DN bán lẻ nhưng nhiều mối liên kết bị "đứt" giữa đường. Khi giá cao hơn trong hợp đồng, nông dân "bán đêm, bán ngày" cho người khác; giá thấp hơn, nông dân yêu cầu DN mua bằng được.
Vì vậy, lâu nay, Việt Nam vẫn được xem là "giỏ" lương thực của thế giới, nhưng theo các chuyên gia, chiếc "giỏ" này còn đơn điệu và thiếu màu sắc.
Nông sản Việt rất phong phú nhưng thiếu sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đa số sản phẩm thô, nguyên liệu thô, đặc biệt thiếu hệ thống tiêu chuẩn chất lượng. Muốn giải quyết được các vấn đề này, cần tăng cường kết nối, sản xuất theo chuỗi giá trị.
Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Việt Nam cần có một chiến lược xây dựng thương hiệu gắn liền với chất lượng. Trong đó, tập trung cải thiện về đóng gói, mẫu mã, bao bì. Đồng thời, cần có một quy trình sản xuất chuẩn có thể truy xuất thông tin. Hiện nay, cả nước có trên 3.300 DN nông nghiệp, 33.000 hộ trang trại, hàng nghìn HTX lớn, hàng triệu hộ sản xuất cá thể. Chúng ta có một tiềm năng rất lớn nếu biết liên kết, tạo dựng vùng sản xuất. Bà Ngô Thị Minh Hương - Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) Với nông sản, Việt Nam đã làm tốt công tác đàm phán để cắt giảm thuế nhập khẩu trên thị trường nước ngoài (thông qua các FTA song phương và đa phương). Tuy nhiên, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng vẫn chưa thâm nhập nhập được như sữa, thịt, lợn, rau quả. Ông Phạm Tuấn Long - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Nông lâm thủy sản Cục Xuất Nhập khẩu Làm thế nào để nông sản phát triển theo hướng an toàn, minh bạch. Câu trả lời là áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn vào sản xuất, điều này sẽ giải quyết được vấn đề đầu ra bền vững. Đồng thời, nông sản có chất lượng sẽ nâng cao được niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt. |