Du khách tham quan vườn cây ăn trái huyện Phong Điền, Cần Thơ.
Một màu xanh ngút ngàn tầm mắt, những vườn cây ăn trái trĩu cành, nụ cười thân thiện của người dân là ấn tượng đầu tiên khi đến với huyện nông thôn mới Phong Điền.
Để nông thôn mới đi vào thực chất, thời gian qua huyện đã phát huy được thế mạnh của mình, minh chứng đầu tiên là việc thu hút trên 1 triệu lượt khách du lịch với doanh thu trên 216 tỷ đồng trong năm 2017. Theo đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển nhanh và đang được mở rộng.
Phong Điền hiện sở hữu 57 điểm du lịch, trong đó có 14 điểm di tích lịch sử, tâm linh, cùng với đó là các điểm du lịch homestay, vườn trái cây, hoa cảnh...
Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Sau khi đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đang tiếp tục triển khai đề án nâng chất các tiêu chí nông thôn mới để duy trì và nâng các xã thành xã “nông thôn mới nâng cao”.
Để đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch sinh thái gắn với nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái, Phó trưởng Phòng NN và PTNT huyện Phong Điền Nguyễn Út Em cho biết, huyện chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2025 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững với mục tiêu dựa trên lợi thế, tiềm năng của huyện về cây ăn trái, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tập trung quy hoạch, xây dựng 3 mô hình sản xuất chuyên canh cây ăn trái theo hướng VietGap có quy mô từ 30-50ha, kết hợp phát triển du lịch gắn với hợp tác xã. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất gắn với tiêu thụ đáp ứng yêu cầu thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn.
Hiện toàn huyện có 7.200 ha vườn cây ăn trái, với những loại cây ăn trái chất lượng cao, nhiều tiềm năng thị trường như: Dâu Hạ Châu cho thu nhập bình quân 220 triệu đồng/ha/năm. Vú sữa cho thu nhập 350 triệu đồng/ha/năm. Sầu riêng cho thu nhập 500 triệu đồng/ha/năm. Nhãn cho thu nhập bình quân 360 triệu đồng/ha/năm.
Đáng chú ý, Phong Điền đã thực hiện chuyển đổi gần 2.800 ha vườn cây ăn trái, 1.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trái có giá trị cao. Xây dựng nhiều vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh quy mô lớn như: vùng vú sữa Gia Xuân, vùng sầu riêng Tân Thới, vùng dâu Nhơn Ái, vùng nhãn Nhơn Nghĩa... tạo tiền đề để huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá lớn và phát triển du lịch sinh thái vườn.
Cùng với đó là việc thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Bà Nguyễn Kim Thanh - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Phong Điền chia sẻ: Công tác chăm lo phát triển con người có những chuyển biến tích cực. Trong đó hệ thống trường học , bệnh viện, thông tin truyền thông có sự phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng.
Ngoài ra, công tác cải cách hành chính của Phong Điền được chú trọng với mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” nhằm phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm được quan tâm chỉ đạo, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, tạo sự đồng thuận cao trong nội bộ và nhân dân.
Nói như bà Nguyễn Kim Thanh thì những nỗ lực của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, MTTQ và nhân dân Phong Điền thời gian qua đang tạo động lực nhằm hiện thực hoá mục tiêu Phong Điền trở thành đô thị sinh thái trong tương lai không xa.
Theo: Hạnh Nhân/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn