Nuôi tôm theo quy trình VietGAP, ngoài việc xử lý tốt các yếu tố như dịch bệnh, môi trường, còn có tác dụng tích cực trong việc giúp sản phẩm tôm Việt Nam vượt qua các rào cản thương mại quốc tế, nhất là khi nước ta thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).
Năm 2025, xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD
Theo TS. Nguyễn Huy Điền, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm, đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Trong bối cảnh phát triển nuôi tôm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu về sản lượng, chất lượng, ATTP, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội…, Chính phủ có chủ trương phát triển nuôi tôm lên một tầm cao mới thông qua Quyết định 79/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm giai đoạn 2017 - 2020 đạt 5,5 tỷ USD và giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10 tỷ USD.
TS. Điền phân tích: Trước những thay đổi về khí hậu, môi trường cũng như phát triển nuôi tôm mạnh mẽ, rộng khắp chưa theo quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho nuôi tôm hiện nay thì nuôi tôm theo quy phạm GAP là việc áp dụng tiến bộ khoa học rất cần thiết. Đây là phương pháp tổng hợp nuôi trồng thủy sản bền vững được thực hiện bằng các quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt. Các biện pháp kỹ thuật phù hợp được áp dụng để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, đồng thời cũng khống chế được môi trường ổn định và tăng cường sức khỏe vật nuôi để chúng không thể gây ra dịch bệnh tràn lan.
Ngoài ra, người nuôi tôm cần phải đánh giá được tất cả các mối nguy và kiểm soát được tất cả các nguy cơ (kim loại nặng, kháng sinh, thuốc trừ sâu, độc tố nấm, vi sinh vật gây bệnh…) có thể gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh... Nuôi thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với xã hội để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững bằng việc kiểm soát đầu vào, từ cải tạo ao nuôi, con giống chất lượng - an toàn dịch bệnh, quản lý môi trường ao nuôi đến lúc thu hoạch theo Quy phạm thực hành nuôi tốt (VietGAP) để có được năng suất, hiệu quả cao và đặc biệt là sản phẩm nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu đang ngày càng phổ biến và là xu thế tất yếu hiện nay.
Đảm bảo an toàn chất lượng: Yếu tố hàng đầu
Ông Điền cho biết, Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao công nghệ VACVINA đã phối hợp với Hội Làm vườn ba tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh triển khai Dự án Xây dựng mô hình nuôi tôm chân trắng thâm canh theo VietGAP, thuộc Chương trình Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2017-2019.
Mô hình được xây dựng trên cơ sở quy trình công nghệ đã được Tổng cục Thủy sản tổng kết dựa trên cơ sở khoa học của VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hộ tham gia được tiếp cận kiến thức cơ bản về quy phạm VietGAP trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh; lợi ích khi áp dụng VietGAP; cập nhật, lưu giữ hồ sơ, sổ nhật ký, đánh giá tác động môi trường, một số vấn đề quan tâm khi nuôi tôm theo VietGAP và các mối nguy an toàn vệ sinh thực phẩm; kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng VietGAP.
Kết quả thực hiện mô hình rất khả quan: Với mật độ thả 80 con/m2, tỷ lệ sống đạt 80,7%; trọng lượng bình quân 57con/kg. Năng suất 12,27 tấn/ha. Cả 7 hộ tham gia mô hình đều được cấp chứng chỉ VietGAP (100%).
Quy trình nuôi tôm theo hướng VietGAP, thân thiện với môi trường, mấu chốt chủ yếu và rất cơ bản là sử dụng hợp lý thức ăn, chế phẩm sinh học, đảm bảo an toàn môi trường và dịch bệnh. Đặc biệt, không sử dụng kháng sinh, hóa chất để phòng trị bệnh bệnh tôm, chỉ sử dụng khi thật cần thiết. Toàn bộ quá trình nuôi sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường, tăng khả năng dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho tôm.
Triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP bước đầu thấy nhận thức của người dân có sự chuyển biến rõ nét trong trách nhiệm của người sản xuất đối với các sản phẩm tôm nuôi đảm bảo an toàn chất lượng, vệ sinh thực phẩm. Bà con kỳ vọng tăng được giá tôm nuôi nếu có chứng nhận VietGAP.
Theo P.V/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn