Mô hình nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh tại Bạc Liêu.
Nhiều năm qua, ngành thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn có sản lượng và giá trị lớn nhất cả nước. Theo Bộ NN&PTNT, cơ cấu sản xuất thủy sản của vùng có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác. Trong đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, thành một nghề sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo...
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại khu vực ĐBSCL đang chuyển đổi mạnh mẽ. Trong đó, không chỉ diện tích nuôi trồng phát triển nhanh, sản lượng tăng cao mà thị trường xuất khẩu mới cũng được hình thành với sản lượng tiêu thụ khá lớn. Tuy nhiên, để hoạt động nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu… cần sự quy hoạch hợp lý của các địa phương trong vùng.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau khi có thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xây dựng “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”, UBND tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị với Thủ tướng “biến nguy cơ thành thời cơ”, cho Bạc Liêu xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thích ứng với biến đổi khí hậu, theo phương châm “Nước mặn thì nuôi tôm, nước ngọt thì trồng lúa”.
Hiện Bạc Liêu có gần 10 doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao. Các doanh nghiệp trên cũng đã chuyển giao kỹ thuật tiến bộ 100 mô hình cho các hộ nông dân áp dụng.
Qua thực tế cho thấy, mô hình này đang được lan tỏa trong cộng đồng nuôi tôm trên địa bàn, người dân rất háo hức, phấn khởi áp dụng sản xuất. Đến nay, Bạc Liêu đã cấp gần 1.000ha đất cho các doanh nghiệp nuôi tôm công nghệ cao hoạt động. Trong đó, trọng tâm là “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” rộng hơn 400ha, ở ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu.
Trong khi đó, mô hình nuôi tôm sinh thái xuất hiện ở Cà Mau cách đây vài năm đã nhận được nhiều hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Ông Phạm Thanh Trung (HTX Đồng Phát Đạt, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), chia sẻ: “Gia đình tôi có 10ha đất nuôi tôm dưới tán rừng, trong đó có 4ha diện tích mặt nước dành cho nuôi tôm sinh thái. Với hình thức nuôi tôm sinh thái, không sử dụng thức ăn, tôm phát triển tự nhiên dưới tán rừng nên chất lượng tôm đạt tiêu chuẩn cao. Sau khi trừ chi phí, tôi thu khoảng 200 triệu đồng/năm”.
Hiện, Cà Mau có khoảng 70.000ha rừng ngập mặn tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Tân, Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển, trong đó có 30.000ha nuôi tôm dưới tán rừng. Tỉnh có hơn 14.000ha được công nhận nuôi tôm sinh thái. Đây là chiến lược phát triển để nâng cao vị thế tôm đất Mũi. Các hộ đăng ký nuôi tôm trên đã được chứng nhận vùng nuôi sinh thái. Bên cạnh đó, một số hộ nông dân sẽ được lâm trường cấp cho một diện tích mặt nước và rừng từ 4 đến 5ha để nuôi tôm sinh thái.
Ông Võ Minh Tuấn (ngụ huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cho biết: “Nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn là phương pháp nuôi tôm bền vững, hiệu quả, ít tốn công chăm sóc… vì tôm sống trong môi trường tự nhiên. Tôm nuôi sinh thái không sợ hạn mặn, không sợ “ngọt hóa” bất chợt như nuôi tôm công nghiệp dễ chết. Tôm sinh thái chỉ cần một nguồn nước thủy triều tự nhiên, không nhiễm bẩn là sống khỏe”.
Tại Cần Thơ, diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển. Năm 2017, diện tích thả nuôi của thành phố là 11.715ha, vượt 11,57% kế hoạch; diện tích thu hoạch 11.318ha, với sản lượng 214.706 tấn, vượt 9,6% kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi cá tra 733 ha, với sản lượng 174.180 tấn, vượt 8,19% kế hoạch.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Quy hoạch phát triển thủy sản phải gắn với việc tổ chức lại phương thức sản xuất, chú trọng các hình thức liên kết, hợp tác giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến tiêu thụ; đảm bảo hài hòa lợi ích của các tác nhân trong chuỗi giá trị. Đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong nuôi trồng thủy sản, trong đó lấy hiệu quả làm mục tiêu, tăng trưởng làm động lực và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm... Đặc biệt, thời gian tới, phát triển thủy sản của Cần Thơ là động lực để thúc đẩy thủy sản vùng ĐBSCL phát triển bền vững”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn