Dè dặt vào vụ
Ông Thái Văn Hoà, một bậc thầy nuôi tôm công nghiệp ở xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) với hơn 10 năm thắng lợi. Thế mà năm 2012, gia đình ông lỗ gần 1 tỷ đồng. Sang vụ tôm 2013, ông thả 10 ao, đã chết mất 2; bần thần chưa hiểu vì sao. Ở xã Tân Duyệt, ông Ngô Út Mười cũng đã có 10 năm nuôi tôm công nghiệp thắng lớn, nhưng ba năm nay thua lỗ. Vụ 2013, gia đình ông vệ sinh ao chu đáo, mua giống tại Bình Thuận chọn lựa kỹ, chi phí hơn 500 triệu đồng, mới thả nuôi hơn 1 tháng tôm đã chết sạch. Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, Võ Chí Linh cho biết, huyện có 2.200 ha nuôi tôm công nghiệp, mới thả khoảng 1/2 diện tích và đã chết 100 ha.
Ở tỉnh Kiên Giang, vụ tôm 2013, kế hoạch nuôi 1.600 ha công nghiệp, đến nay mới thả 400 ha. Công ty TNHH Thủy sản Minh Phú đã quy hoạch 500 ao nuôi (gần 300 ha), lo dịch bệnh nên mới thả 6 ao thăm dò. Ông Nguyễn Danh Hiện, Giám đốc Công ty cho biết, nếu không bị dịch bệnh sẽ thả tiếp 100 ao và khi thắng mới thả toàn bộ diện tích.
Người nuôi tôm ở ĐBSCL dè dặt thả vụ mới - Ảnh: Phan Thanh Cường
Huyện Kiên Lương (Kiên Giang) kế hoạch thả 850 ha tôm công nghiệp, nay mới được 300 ha. Nhiều người có ít diện tích cũng dè dặt thả nuôi. Ông Nguyễn Văn Đức (xã Hòa Điền) có 1,5 ha nuôi tôm công nghiệp, kể rằng các năm trước giờ này đã thả được hơn tháng nhưng năm nay nếu thời tiết thuận lợi thì mấy hôm nữa mới đi chọn giống. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, Trần Chí Viễn cho biết, tỉnh này đã thả nuôi hơn 63.000 ha, chủ yếu trên ruộng lúa hoặc quảng canh cải tiến, diện tích nuôi công nghiệp chưa nhiều.
Nguyên nhân dịch bệnh
Ngày 26/2, Tổng cục Thuỷ sản đã công bố kết quả nghiên cứu bước đầu về nguyên nhân dịch bệnh hoại tử gan tụy tôm, xác định nguyên nhân khiến tôm chết sớm, xuất hiện hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm nuôi là: Tôm giống chất lượng xấu (nhiễm Vibrio, có dấu hiệu bất thường gan tụy, thậm chí hoại tử gan tụy cấp), thả nuôi trong điều kiện môi trường bất lợi (hiện diện thuốc bảo vệ thực vật, ôxy hoà tan thấp, độ mặn cao, ô nhiễm hữu cơ…), hiện diện vi khuẩn Vibrio và phage dẫn đến chết sớm và hội chứng hoại tử gan tụy tôm nuôi. Vi sinh vật là tác nhân gây hội chứng hoại tử gan tụy tôm nuôi; còn ký sinh trùng, virus không là tác nhân.
Tôm giống nhiễm vi khuẩn Vibrio nên chết sớm trong ao, xuất hiện dịch bệnh hoại tử gan tụy ngay giai đoạn đầu của quá trình nuôi. Nhiều chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất giống, nuôi tôm, chất lượng không đảm bảo như đăng ký, cùng sự hiện diện trong một số loại chế phẩm sinh học một số vi khuẩn thuộc giống Vibrio với mật độ cao là đặc biệt nguy hiểm. Chế phẩm sinh học không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn lan truyền, phát tán vi khuẩn có hại trong môi trường nuôi tôm.
Các yếu tố môi trường, tảo độc và thuốc bảo vệ thực vật không trực tiếp gây hoại tử gan tụy cấp ở tôm, nhưng đóng vai trò rất quan trọng ảnh hưởng đến sự bùng phát và mức độ trầm trọng của dịch bệnh.
Khuyến cáo
Từ kết quả nghiên cứu bước đầu, các nhà khoa học khuyến cáo giải pháp phòng ngừa bệnh cho tôm nuôi nước lợ.
Với người nuôi tôm: Tẩy dọn ao nuôi triệt để; cần có ao lắng, ao xử lý nước riêng biệt; tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong xử lý ao nuôi, diệt giáp xác. Tôm thẻ chân trắng mùa vụ nuôi ngắn, thích ứng tốt với điều kiện ruộng muối, nên được khuyến khích nuôi ở vùng nuôi thâm canh và bán thâm canh. Thả nuôi đúng mùa vụ, không thả nuôi mật độ cao. Chọn giống sạch bệnh, được kiểm dịch, không mang tác nhân gây bệnh đốm trắng, đầu vàng, MBV, nhiễm khuẩn Vibrio.
Sử dụng chế phẩm sinh học có chất lượng. Khuyến khích mô hình nuôi tôm có thả cá rô phi đơn tính để làm sạch môi trường.
Với các cơ quan quản lý thủy sản: Tổng kiểm tra chất lượng các chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất tôm giống, nuôi tôm đang lưu hành. Nghiêm cấm sản xuất kinh doanh chế phẩm không đảm bảo chất lượng. Thông tin rộng rãi chất lượng các chế phẩm đến cộng đồng sản xuất giống và nuôi tôm.
Kiểm soát chặt, nghiêm túc chất lượng tôm giống, ngoài các tác nhân gây bệnh như: đốm trắng, đầu vàng, MBV…, cần thiết đưa Vibrio là đối tượng kiểm soát chất lượng tôm giống. Không cho lưu thông tôm giống có mầm bệnh. Rà soát điều kiện sản xuất ở các trại tôm giống, từ chất lượng tôm bố mẹ, nguồn nước, sử dụng chế phẩm, chất tẩy trùng đến quy trình quản lý trại giống. Quy trình sản xuất phải đảm bảo tôm giống chất lượng tốt, không nhiễm virus và vi khuẩn Vibrio.
>> Tại Cà Mau, một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước, đến thời điểm này đã có hơn 220 trong tổng số 5.100 ha thả nuôi đầu vụ bị thiệt hại; trong đó phần lớn là tôm thẻ chân trắng. Tôm chết, khoảng 60% do bệnh gan tụy, còn lại do bệnh đốm trắng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn