Bằng nguồn vốn của chương trình NTM, những tuyến đường bê tông đã góp phần tạo nên vẻ đẹp cho nông thôn tỉnh Bắc Kạn
Do đó, đến cuối tháng 8/2016, vẫn chưa có xã nào của tỉnh này đạt 19 tiêu chí.
Suốt từ 2010 đến năm 2016, các chương trình xây dựng NTM của Bắc Kạn chủ yếu triển khai bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Sự đóng góp của người dân thường là ngày công lao động. Huy động tiền mặt để đầu tư hạ tầng ở cấp thôn, bản từ xây nhà văn hóa đến làm đường bê tông, trạm bơm, nước sạch… còn khá hạn chế.
Các thôn, bản của Bắc Kạn có mật độ dân cư thưa thớt, nhiều thôn chỉ có hơn chục nóc nhà, mỗi nhà lại chiếm giữ nửa quả đồi hoặc bao trùm cả thung lũng núi. Vì vậy, chỉ việc kết nối đường bê tông từ nhà nọ sang nhà kia đã khó.
Do đó, những năm qua, Bắc Kạn chưa huy động được sức dân, mà chỉ dùng tiền ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng 368 công trình giao thông, với trên 170km đường nông thôn, cải tạo trên 110km đường điện, xây mới 56 trạm biến áp, gần 200 công trình thủy lợi, hoàn thiện hơn 100km kênh mương và hàng chục trường học, trạm y tế, chợ,…
Đã huy động hơn 3.000 ngày công lao động công ích góp phần hoàn thiện hạ tầng, nâng cao đời sống kinh tế, hưởng thụ văn hóa, đổi thay nếp sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có xã nào của Bắc Kạn đạt đủ 19 tiêu chí.
Biết điểm yếu là sức đóng góp của dân hạn chế, Bắc Kạn đã chọn những xã có mật độ dân cư đông, kinh tế trong dân tốt, để đẩy mạnh việc hoàn thiện mô hình xã điểm trong xây dựng NTM, tiêu biểu là các xã Quân Bình, Cẩm Giàng (huyện Bạch Thông).
Ngoài ra những xã đang có hạ tầng tốt, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển cây trái hàng hóa cũng được chọn lựa trong xây dựng mô hình kinh tế điểm chương trình NTM.
Vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Bắc Kạn đã bám sát từng tiêu chí, qua đó sàng lọc những ưu điểm từng tiêu chí ở những xã đã hoàn thiện, phổ biến cho những xã chưa đạt chuẩn đến tham quan, học tập.
Ở một số xã vùng thấp, chính quyền xã đã sáng tạo bằng cách quyên góp tiền thuê xe ô tô, tổ chức đưa các chức danh chủ chốt ở thôn, bản đi tìm hiểu, học tập thực tiễn xây dựng NTM ở các tỉnh đồng bằng, từ đó góp phần thay đổi tư duy, có kinh nghiệm và đi trước.
Nhờ những chuyến đi thực tế, nhiều người đã biết vận dụng để làm truyền thông ở thôn bản mình, tạo ra phong trào hiến đất xây dựng đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi khác.
Trong các tiêu chí khó trong xây dựng NTM của Bắc Kạn, khó nhất vẫn là đường giao thông, môi trường, thu nhập. Tuy nhiên, qua công tác truyền thông, đã có 2 xã là Phương Linh và Quang Thuận của huyện Bạch Thông đạt tiêu chí đường giao thông, trở thành mô hình điểm.
Với cách tính của lãnh đạo xã Quang Thuận, thì việc hoàn thiện giao thông nông thôn, đã góp phần thúc đẩy kinh tế trang trại, vườn đồi xã này phát triển mạnh mẽ, bởi có đường đi thuận lợi, sản phẩm đầu ra ổn định, tư thương đến tận vườn quýt của các hộ dân thu mua, giúp bà con bán được giá cao hơn.
Đồng thời khích lệ nhiều người ở các tỉnh khác đã đến Quang Thuận thuê đất trồng quýt, đưa nơi núi rừng hẻo lánh này dần trở thành vùng kinh tế trù phú.
Do có nhiều khó khăn trong việc huy động nội lực xây dựng NTM, đến tháng 8/2016, tỉnh Bắc Kạn mới có 2 xã là Quân Bình và Cẩm Giàng đạt trên 16 tiêu chí. Có 29 xã đạt trên 14 tiêu chí và 73 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí. Đặc biệt còn 6 xã vẫn đạt dưới 5 tiêu chí. Mục tiêu của Bắc Kạn là có 4 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2016, và đến năm 2020 có 22/122 xã đạt chuẩn. |
Theo Âu Vượng/nongnghiep
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn