Giới thiệu nông sản sạch đến người dân thành ph
TP. Hồ Chí Minh là thành phố đô thị đông dân nhất nước. Ngoài cung cấp thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của hơn 10 triệu người dân, thành phố còn là đầu mối chế biến, kinh doanh cung cấp thực phẩm cho các tỉnh và xuất khẩu.
Tuy nhiên, sản lượng nông sản sản xuất tại thành phố chỉ đảm bảo được khoảng 20% - 30% nhu cầu tiêu thụ của thành phố, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu. Vì vậy, thành phố luôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương cung ứng, tạo nguồn thực phẩm cho thành phố đạt về số lượng và chất lượng,kiểm tra chặt chẽ (nhất là dịp cuối năm) để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh ), thành phố đã tổ chức ký kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Long An, Lâm Đồng… phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các chuỗi cung ứng nông sản giữa các tỉnh và TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 – 2019.
Ngoài mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn, thành phố còn kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ…
Đến nay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã cấp 134 giấy chứng nhận cho trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế vào chuỗi sản xuất an toàn. Trong đó có 53 cơ sở thuộc địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu với tổng sản lượng hàng hóa 78.198,1 tấn/năm (nhóm các sản phẩm thực phẩm thiết yếu như trứng gà, gần 22 triệu quả/năm, thịt gà 16,4 tấn/năm, thịt vịt 59,4 tấn/năm, thịt heo 44 nghìn tấn/năm, rau quả 17 nghìn tấn/năm, thủy sản 1.600 tấn/năm và nước mắm 4,4 triệu lít/năm).
Các doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia chuỗi sử dụng logo chuỗi thực phẩm an toàn trên các sản phẩm đã được công nhận và kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm an toàn. Những sản phẩm này đã được thiết lập hệ thống quản lý giám sát sản phẩm xuyên suốt từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng.
Đến thời điểm này, đã có 21 tỉnh thành triển khai kiểm soát chặt chẽ việc cung cấp rau, thịt an toàn cho TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020. Thành phố cũng phối hợp quản lý với 22 tỉnh/thành (tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, kiểm soát dư lượng chất độc hại tồn dư trong nông sản…) để đảm bảo an toàn thực phẩm trên nông sản của các tỉnh đưa vào thành phố.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, đề án Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm (với hai nhóm sản phẩm là thịt gia súc gia cầm và rau quả), đến nay đã có 60 cơ sở chăn nuôi (hơn 1.000 trang trại) có sản lượng cung ứng tối đa 10.000 con/ngày. 18 cơ sở giết mổ gia súc, 2 chợ đầu mối (Nông sản thực phẩm Hóc Môn, Bình Điền), 4 chợ truyền thống (Hòa Bình, Bến Thành, An Đông, Thái Bình) và 338 điểm bán lẻ thuộc các hệ thống phân phối hiện đại, trên địa bàn thành phố.
Nhóm rau quả, thông qua chương trình phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố bằng mã QR code tại Hợp tác xã Phú Lộc, huyện Củ Chi và Hợp tác xã Phước An, huyện Bình Chánh đã cung ứng hơn 10 tấn sản phẩm rau, quả các loại có dán tem truy xuất nguồn gốc được tiêu thụ tại siêu thị Big C (10 điểm), Co.op Mart (33 điểm), siêu thị Lotte, siêu thị AEON và chợ phiên nông sản an toàn.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh còn có nhiều doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm hữu cơ đã được các tổ chức nước ngoài chứng nhận như Công ty TNHH Organic Market, chuyên kinh doanh rau hữu cơ Đà Lạt do Công ty Organik Dalat sản xuất. Hệ thống 3 cửa hàng rau Organica sản xuất tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Chi nhánh CTCP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú, kinh doanh gạo trắng hữu cơ hoa sữa và gạo đen hữu cơ hoa sữa do công ty sản xuất tại tỉnh Cà Mau. Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh - Saigon Co.op có 4 nhóm thực phẩm hữu cơ, thương hiệu Coop Organic tại 7 siêu thị Saigon Co.op.
Các sản phẩm hữu cơ được Saigon Co.op sản xuất tại trang trại với quy mô hơn 300ha ở Cà Mau. Các doanh nghiệp này đang tăng phát triển hệ thống bán lẻ của mình tại TP. Hồ Chí Minh, góp phần tạo ra một kênh thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho người dân thành phố.
Thanh Thanh
thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn