Những cây cầu mới xây dựng ở vùng nông thôn tỉnh Cà Mau giúp bà con đi lại thuận tiện. Ảnh: THÁI BẰNG
Không còn ỷ lại, trông chờ Nhà nước
Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong 5 năm qua, đường GTNT đã tăng thêm 217.000km, trong đó đường huyện tăng 10.500km, đường xã và về thôn xóm tăng 101.000km, đồng thời cũng có 220.000/492.892km đường GTNT được cứng hóa… Cũng trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn cho GTNT là 186.184 tỷ đồng, trong đó vốn từ nhân dân đạt 27.000 tỷ đồng. Điều đáng ghi nhận là đã xuất hiện nhiều mô hình hay, thể hiện sự đồng tâm hiệp lực của Đảng, Nhà nước, xã hội, người dân trong việc huy động nguồn vốn phát triển GTNT, giúp nhiều địa phương hoàn thành các tiêu chí về GTNT với tỷ lệ rất cao như: TP Cần Thơ đạt chuẩn 92%, Bình Dương đạt 90%, Vĩnh Phúc 86%...
Điển hình của mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là phong trào làm GTNT tại tỉnh Tuyên Quang với việc tỉnh hỗ trợ toàn bộ xi măng, ống cống và vận chuyển đến tận công trình, còn người dân hiến đất, vật liệu xây dựng và tổ chức triển khai thi công. Với cách làm này, Tuyên Quang đã phát triển được 2.500km đường GTNT. Tương tự như vậy, Phú Yên cũng hỗ trợ toàn bộ xi măng, ngoài ra còn hỗ trợ từ 2 - 3 triệu đồng cho 1km đường GTNT. Nhờ vậy, chỉ trong hơn 2 năm, Phú Yên cũng có thêm 1.400km đường GTNT. Một cách làm cũng rất hay tại các tỉnh phía Nam là thành lập các hội từ thiện quyên góp xây dựng GTNT, đi vận động kinh phí làm cầu đường từ các hội đồng hương, các cá nhân thành đạt, mạnh thường quân tại địa phương... Ví dụ, tại Đồng Tháp, chỉ trong hai năm đã huy động được 88 tỷ đồng, xây dựng 200 cây cầu nông thôn.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, bài học được rút ra sau 5 năm phát triển GTNT là phải phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trong nhân dân, đặc biệt những vùng còn nhiều khó khăn để nhân dân hiểu sâu sắc hơn về chủ trương của tỉnh và lợi ích cho chính mình, từ đó tham gia đóng góp tích cực vào chương trình, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Cần bước đột phá
Mặc dù được đánh giá là khá thành công trong 5 năm qua, tuy nhiên, theo phản ánh từ các địa phương, việc phát triển GTNT vẫn còn gặp không ít khó khăn. Hiện lực lượng quản lý GTNT rất yếu kém, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, mới có cán bộ quản lý giao thông cấp huyện, cấp xã không có. Mỗi huyện có 1-3 cán bộ nhưng phải theo dõi 200km đến trên dưới 1.000km đường, vì thế, cần có cơ chế chính sách để bố trí bộ phận chuyên trách theo dõi, quản lý bảo dưỡng đường ở cấp xã. Đại diện các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La… cũng chia sẻ, ở những địa phương khó khăn, cần đẩy mạnh phát triển GTNT nhưng lại có nguồn thu thấp nên mức hỗ trợ cũng như huy động xã hội đều hạn chế.
Vậy làm thế nào để có bước đột phá về GTNT trong thời gian tới? Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, trước tiên là phải rà soát các chiến lược, quy hoạch để điều chỉnh, định hướng phát triển GTNT bền vững, không bị lạc hậu. Nếu làm không tốt có thể dẫn đến tình trạng nay làm mai lại phá rất lãng phí. Bên cạnh đó, cần thiết phải ban hành chính sách để có kinh phí thỏa đáng cho công tác bảo trì. Hiện nay, công tác này được quan tâm chưa đúng mức nên có những trường hợp xảy ra sập cầu, nhiều đường sá, cầu cống hư hỏng không được bảo dưỡng. Một giải pháp nữa là cần thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong thực hiện, nhất là với kinh phí huy động và thi công phải tăng cường sự giám sát của nhân dân thông qua Ban giám sát cộng đồng có sự tham gia của HĐND, đại diện cộng đồng dân cư hưởng lợi từ công trình do dân bầu…
Đồng ý với những giải pháp mà Bộ GTVT đưa ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, cần tiếp tục huy động các nguồn lực của trung ương, địa phương và xã hội. Đồng thời, các bộ cần tính toán các nguồn vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài để số vốn cao gấp đôi giai đoạn trước. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề án xi măng làm đường, chú ý đặc thù của từng vùng để có mức ưu tiên hợp lý, các vùng nghèo phải đầu tư vốn ngân sách chủ yếu, nghiêm cấm huy động đóng góp của người nghèo.
Bộ GTVT cũng cho biết hiện đang xây dựng các đề án phát triển cầu đường nông thôn tại 50 tỉnh có đồng bào dân tộc, vùng khó khăn bằng nhiều hình thức như: ODA, từ thiện, huy động từ quỹ xã hội... Trong 5 năm tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương hoàn thành các chỉ tiêu về nhựa hóa, xi măng hóa đường liên thôn, liên xã, trục nội đồng với kinh phí ước tính hơn 153.000 tỷ đồng; xây dựng đường ô tô đến trung tâm các xã, bến xe khách cho 168 huyện còn lại; hoàn thành xây dựng 4.145 cầu dân sinh tại 50 tỉnh, thành phố.
Theo: sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn