Song do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nền KTTT ở Quảng Ninh vẫn chưa phát huy hết thế mạnh so với tiềm năng của tỉnh.
Những giải pháp đổi mới căn bản từ gốc sẽ góp phần xây dựng, tăng tính hiệu quả của mô hình KTTT trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Mô hình trồng dưa lê tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Khê, Đông Triều. |
Biến chuyển chưa nhiều
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 291 HTX, trong đó chủ yếu là HTX dịch vụ nông nghiệp với 141 HTX, 15 HTX thuỷ sản, 19 HTX tiểu thủ công nghiệp, 35 HTX thương mại dịch vụ, 29 HTX giao thông vận tải và nhiều loại hình HTX khác. Trong số các loại hình HTX này thì khối HTX dịch vụ nông nghiệp vẫn hoạt động mạnh nhất. Về cơ bản, các HTX nông nghiệp thời gian qua đã tích cực vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, phát triển kinh tế trang trại, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi. Số các HTX phi nông nghiệp thì nguồn vốn của loại hình này đã được hình thành từ tài sản của cá nhân hợp tác với nhau tạo thành thế mạnh để hoạt động vì vậy bộ máy quản lý gọn nhẹ, Chủ nhiệm HTX chủ động giải quyết, xử lý thông tin trong quá trình sản xuất kinh doanh nên hoạt động kinh doanh hiệu quả… Quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, củng cố quan hệ kinh tế nông thôn.
Thế nhưng, dù đã đổi mới, nhưng biến chuyển chưa nhiều, kinh tế HTX ở Quảng Ninh vẫn nhỏ bé so với các thành phần kinh tế khác, đa số các HTX có quy mô nhỏ, số vốn ít, năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Trong nông nghiệp, HTX mới tập trung làm dịch vụ một số khâu cho sản xuất nhưng chưa làm được chức năng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nhiều HTX mới thành lập chỉ là danh nghĩa còn thực tế hoạt động là kinh tế tư nhân nên ít có tác dụng thúc đẩy KTTT phát triển. Thực chất, nhiều HTX vẫn làm ăn theo kiểu cũ, thiếu năng động sáng tạo, không phát huy được sức mạnh tập thể. Các HTX lớn ở huyện Đông Triều, TX Quảng Yên tuy hoạt động tương đối khá nhưng vẫn phải thu phí bằng thóc trên đầu sào, thường từ 1-2kg thóc/ sào mới đủ để trả lương nuôi bộ máy cán bộ quản lý HTX. Nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp chỉ còn là hình thức không đáp ứng dịch vụ cho bà con nông dân, vai trò HTX mờ nhạt. Còn các HTX phi nông nghiệp sản xuất kinh doanh tăng trưởng và có lãi nhiều hơn nhưng tổng thể phần lớn vẫn còn nhỏ bé, công nghệ sản xuất lạc hậu, chất lượng dịch vụ hàng hoá chưa cao, vốn sản xuất kinh doanh ít, nộp ngân sách thấp.
Nhìn chung các hoạt động dịch vụ còn ít khâu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các hộ xã viên và cộng đồng dân cư. Tình trạng thiếu vốn lưu động để hoạt động dịch vụ của các HTX do các khoản nợ phải thu của xã viên nhiều năm qua chưa được xử lý. Công nợ tồn đọng quá nhiều chưa xử lý được, các xã viên không có cổ phần góp vốn, HTX không có tài sản để thế chấp vay vốn tín dụng nên rất khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, về mặt cán bộ quản lý nhà nước từ tỉnh tới huyện trong lĩnh vực kinh tế tập thể còn thiếu và yếu; tâm lý cán bộ xã viên không muốn làm cán bộ HTX mà muốn làm cán bộ UBND xã hoặc cán bộ đoàn thể; trình độ năng lực quản lý kinh tế của Ban quản trị nhiều HTX còn yếu, cán bộ quản lý HTX chưa được đào tạo hết và đào tạo lại. Nhiều HTX cán bộ vừa đi tập huấn, đào tạo về lại chuyển sang làm cán bộ quản lý nhà nước cấp xã, phường, đoàn thể. Thêm nữa, nhận thức về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả phát triển HTX ở không ít cấp uỷ Đảng, địa phương chưa có chuyển biến nhiều… Những hạn chế trên chính là "thủ phạm" gây ra tình trạng "ì ạch", chậm phát triển, đổi mới của nhiều HTX trên địa bàn trong một thời gian dài.
Cần đổi mới từ gốc
Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Nghi, Chủ tịch Liên minh HTX-DNNQD tỉnh. Và điều này cũng được khẳng định rất rõ trong chủ trương của Nhà nước về đổi mới mô hình HTX; các chương trình hành động của Liên minh HTX-DNNQD Quảng Ninh.
Vì vậy, có thể khẳng định, để phát huy hơn nữa sức mạnh, vai trò của KTTT trước hết cần tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, tạo môi trường thuận lợi cho KTTT phát triển. Đồng thời, chú trọng củng cố, kiện toàn, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; rà soát lại các HTX hiện có để thực hiện đánh giá, phân loại từ đó củng cố lại các HTX theo hướng giải thể với các HTX chưa chuyển đổi hoặc không có khả năng chuyển đổi, HTX cũ đã chuyển đổi nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả; gắn kết đổi mới, phát triển HTX với các chương trình khuyến công, khuyến nông và các thành phần kinh tế khác... Cùng với đó, tăng cường mối liên kết giữa HTX - người dân - doanh nghiệp để mở rộng thị trường, thúc đẩy hàng hoá; đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất; xây dựng các thương hiệu sản phẩm để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường; nghiên cứu dịch vụ tư vấn, hỗ trợ HTX; vận động các HTX thành lập mới nên xây dựng theo mô hình mới, mô hình điểm về HTX. Khuyến khích thành lập mới Quỹ tín dụng nhân dân ở những nơi có nhu cầu và có điều kiện theo quy định của pháp luật, tập trung vốn cho thành viên vay để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục thực hiện và cụ thể hoá nghị định của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX…
Bên cạnh đó, cần xác định rõ vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế tập thể. Đặc biệt, cần tăng cường năng lực quản lý nhà nước với nền KTTT từ tỉnh đến các địa phương như: Kiện toàn bộ máy quản lý; xây dựng chương trình đào tạo và có đầu tư ngân sách cho đội ngũ quản lý nhà nước, cán bộ HTX; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với KTTT; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các cá nhân, tổ chức KTTT hoạt động có hiệu quả nhằm nhân rộng các điển hình… Những giải pháp đổi mới căn bản từ gốc sẽ góp phần xây dựng, thúc đẩy tính hiệu quả của mô hình KTTT, củng cố quan hệ kinh tế nông thôn, để thành phần kinh tế này góp phần quan trọng xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2015.
Theo Báo Quảng Ninh - Trung Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn