Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung
Cùng tham dự còn có lãnh đạo các Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo UBND của các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo đánh giá của các bộ, ngành và lãnh đạo UBND của các địa phương, Bộ KH&ĐT đã có đóng góp quan trọng đối với các kết quả tích cực của kinh tế-xã hội đất nước trong nửa đầu năm 2019, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Một trong những điểm nhấn là trên tinh thần “đổi mới mạnh mẽ, vượt qua chính mình, không vì lợi ích cục bộ”, Bộ KH&ĐT đã chủ trì soạn thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 với tỷ lệ phiếu tán thành cao. Không chỉ vậy, trong năm nay, Bộ cũng chủ trì dự thảo các luật quan trọng sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, sẽ góp phần khơi thông các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, ngành KH&ĐT cũng hoàn thành nhiều chương trình, đề án lớn như Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Sách trắng doanh nghiệp 2019, trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án kinh tế chia sẻ-tạo nền tảng cho xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế số trong tương lai.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao Bộ KH&ĐT đã tích cực chủ trì, xây dựng Nghị quyết số 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách Nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với cách làm bài bản, khoa học, chuyên nghiệp hơn các năm trước, giúp Chính phủ kịp thời quán triệt nhận thức và hành động tới các bộ, ngành và địa phương ngay từ đầu năm.
Bên cạnh đó, chất lượng chuẩn bị báo cáo phục vụ cho các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và điều hành của Chính phủ tốt hơn các năm trước, bảo đảm ngắn gọn, bao quát, cập nhật kịp thời tình hình thế giới và trong nước cũng như kiến nghị các giải pháp cụ thể.
Để cả nước hoàn thành các nhiệm vụ theo nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ trong năm 2019 và cả giai đoạn sau, mà trước hết là theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại phiên họp Chính phủ với các bộ, ngành địa phương là "kết quả năm 2019 phải cao hơn năm 2018", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ KH&ĐT quán triệt phương châm hành động của Chính phủ, coi trọng tinh thần “bứt phá” trong chủ động tham mưu các vấn đề kinh tế-xã hội.
“Bên cạnh lập danh mục công trình, dự án và sắp xếp vốn liếng thực hiện, ngành KH&ĐT phải xác định nhiệm vụ chính, bao trùm là kiến tạo phát triển thông qua xây dựng thể chế chính sách để vận hành nền kinh tế. Trong bối cảnh các mô hình kinh tế mới ra đời trên nền tảng công nghệ thì đây là cơ hội để chúng ta rút ngắn khoảng cách phát triển nếu biết hành động đúng và đi đúng đường”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gửi lời nhắn nhủ của Thủ tướng Chính phủ tới ngành KH&ĐT.
Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Bộ KH&ĐT phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, đi tiên phong trong cải cách, đổi mới nền kinh tế” và chỉ ra cách làm là nghiên cứu thành lập tổ công tác giúp rà soát, liệt kê danh mục các vướng mắc trong thể chế cản trở phát triển, đồng thời định hướng khắc phục sửa chữa và kiến nghị các thể chế kinh tế mới phải thử nghiệm để đón bắt xu hướng mới.
Về những công việc cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ KH&ĐT tiếp tục hoàn thiện xây dựng pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, tập trung tạo ra chuyển biến căn bản trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế tập thể, chọn lọc đầu tư nước ngoài, sớm triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2021-2025. Ngành KH&ĐT tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng nghị quyết đại hội Đảng các cấp.
Ảnh: VGP/Thành Chung |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đang tích cực tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch để kịp thời hướng dẫn thực hiện cho các địa phương; tập trung bố trí bổ sung vốn cho các dự án ODA đang thiếu vốn, triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo luật định, khẩn trương xây dựng luật về đối tác công-tư, gấp rút triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL...
Trong thời gian tới, việc thu hút, quản lý FDI cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề chọn lọc FDI, kiên quyết từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, những dự án có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại; thận trọng trong việc đưa ra các cam kết, ưu đãi… Tăng cường quản lý, giám sát, hỗ trợ đầu tư, cải thiện và đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đảm bảo sự liên thông và tổ chức thực thi hiệu quả của các cơ quan chuyên môn tại địa phương.
Theo Thành Chung/Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn