Theo đó, Phúc Thọ sẽ phấn đấu có thêm 7 xã hoàn thành NTM để hết năm 2015 có 17/22 đạt và trở thành huyện NTM.
Mục tiêu tiếp là đến trước năm 2018, tất cả các xã của địa phương này đạt 19 tiêu chí.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, cho biết, song song với đó, huyện tiếp tục củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở 10 xã đã đạt NTM trong hai năm 2013 và 2014.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ, đến nay, Huyện ủy đã ban hành 4 nghị quyết, 2 kế hoạch và 3 chương trình tập trung vào phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân.
Địa phương cũng coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Việc này được thực hiện thường xuyên, liên tục ở cả diện rộng lẫn chiều sâu thông qua các hội nghị tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng NTM.
Đặc biệt, huyện đã tổ chức thành công các hội thi, sinh hoạt cộng đồng tại 100% cụm dân cư với các chủ đề “Chào mừng sinh nhật Bác”, “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, “NTM: Văn hóa mới, con người mới”. Qua đó đã giúp nhân dân nhận thức đầy đủ hơn, thấy rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, huy động và phát huy tối đa các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các DN và nguồn lực trong nhân dân để thực hiện chương trình cũng vô cùng quan trọng. Tổng kinh phí Phúc Thọ huy động và giải ngân cho NTM lũy kế đến hết năm 2014 đạt hơn 539 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương và TP hơn 186 tỷ đồng, ngân sách huyện là 137 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn huy động người dân, DN đóng góp đạt hơn 157 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, huyện tiếp tục huy động được trên 24,6 tỷ đồng, bổ sung vào nguồn vốn xây dựng NTM của địa phương.
Nâng cao đời sống người dân
Sau 4 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy về phát triển SXNN, kinh tế của Phúc Thọ có nhiều tín hiệu đáng mừng.
“Nhận thức của người dân về xây dựng NTM có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Tình cảm của người dân trong cộng đồng dân cư đoàn kết, gắn kết chặt chẽ hơn, phấn khởi và tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao so với khi triển khai chương trình”, ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ chia sẻ.
Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã có bước phát triển mạnh, chú trọng ứng dụng KHKT nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm. Giá trị SXNN ước đạt 250 triệu đồng/ha. Trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 115 triệu đồng/ha. Toàn huyện đã thực hiện DĐĐT được 3.708 ha, giao ruộng cho 30.710 hộ, giảm từ 5,8 thửa/hộ xuống còn bình quân 1,59 thửa/hộ.
Sau DĐĐT, một số vùng SX chuyên canh được hình thành và phát triển như rau an toàn 197 ha, giá trị từ 600 - 800 triệu đồng/ha/năm, lúa hàng hóa chất lượng cao 715 ha SX bằng mạ khay, máy cấy năng suất cao đạt 65,7 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa cấy thủ công 7 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng hoa ly cho thu nhập từ 5-5,4 tỷ đồng/ha/vụ, cho thu lãi từ 800 triệu - 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng vấn đề cơ giới hóa SXNN. Toàn huyện có 503 máy làm đất, 30 máy gặt đập liên hợp và 32 máy cấy phục vụ SX. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng lên. Năm 2010 đạt 10,5 triệu đồng/người, đến năm 2014 đạt trên 25,2 triệu đồng/người.
Năm 2014 có 6 xã đạt chuẩn NTM, 9 xã đạt và cơ bản đạt từ 13 - 17 tiêu chí, 3 xã cơ bản đạt từ 10 - 13 tiêu chí. 100% số xã được sử dụng điện an toàn thường xuyên. Đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 95%, đường trục thôn, liên ngõ xóm đều đạt trên 90%.
So với năm 2010, Phúc Thọ đã giảm được hơn 3.600 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 2,41%. Tính đến hết tháng 4/2015, 100% số hộ dân trên địa bàn Phúc Thọ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 30,2% số hộ đã được tiếp cận với nguồn nước sạch từ các trạm xử lý tập trung.
Theo: nongnghiep.vn