Nếu như nhiều địa phương khác gặp không ít lúng túng khi không biết phải bắt đầu từ đâu, thì ở Quảng Nam, các cấp chính quyền khi triển khai chương trình XDNTM đã rất khéo léo khi dựa vào những phong trào đã có trước đó, đặc biệt là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" mà ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện thời gian qua. Thông qua việc trao tặng các danh hiệu như: Gia đình văn hóa, thôn - khu phố văn hóa, Ban chỉ đạo chương trình lại có cơ hội nhấn mạnh tầm quan trọng, lợi ích của XDNTM. Nhiều cán bộ đánh giá, đây thực sự là cách làm hiệu quả, vừa thực hiện được một số tiêu chí của chương trình, vừa tuyên truyền sâu rộng hơn cho NTM.
Nói là dựa trên tiền đề cũ, nhưng Quảng Nam vẫn thực hiện theo đúng lộ trình mà cả nước đang làm, đó là chọn một vài xã điểm để "làm tới nơi tới chốn", trong đó, xã Cẩm Thanh (TP. Hội An) và xã Tam Phước (huyện Phú Ninh) được xem là những địa phương hội tụ đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để đi trước.
Không chậm trễ, sau khi đã có kinh nghiệm từ Tam Phước (xã điểm XDNTM của Trung ương), Cẩm Thanh đã thành lập Ban chỉ đạo và Ban quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM xã và Ban phát triển các thôn; tiến hành tổ chức hội nghị quán triệt về chủ trương, nội dung XDNTM; tiến hành XDNTM kết hợp với hợp đồng đơn vị tư vấn lập quy hoạch; Hội đồng nhân dân xã tổ chức lấy ý kiến đóng góp nhân dân và tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân để bàn chuyên đề về XDNTM.
Công tác tuyên truyền được quan tâm triển khai nhằm phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để mọi người hiểu rõ hơn mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về XDNTM với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: xây dựng các chương trình phát thanh cơ sở chuyên đề trên hệ thống truyền thanh của xã; phát động phong trào thi đua với nội dung "Chung sức xây dựng nông thôn mới"; tổ chức hội trại "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới",... Ban hành các cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức và cá nhân phát triển sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Phối hợp với một số cơ quan, doanh nghiệp thí điểm triển khai một số mô hình trồng trọt mới: Cánh đồng màu Đồng Giá, trồng nấm rơm tại thôn 5, bình quân thu nhập đạt 14 triệu đồng/người/năm (2011).
Sau 2 năm thực hiện, Cẩm Thanh đạt 11/19 tiêu chí. Với Ban chỉ đạo chương trình NTM Quảng Nam, kết quả mới chỉ là một phần, điều quan trọng hơn, họ đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, làm cơ sở để triển khai sâu rộng chương trình trong thời gian tới. Chính sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã giúp người dân nhanh chóng hiểu rõ, hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của việc XDNTM, từ đó bà con nhiệt tình hưởng ứng và đã đạt được những kết quả nhất định. Một số nơi tạo được diện mạo NTM, trở thành những điển hình trong phong trào này.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh), vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân chưa hiểu đúng mục tiêu, ý nghĩa của chương trình; còn trông chờ, ỷ lại vào nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước; còn cho rằng XDNTM là để được nhà nước đầu tư, do đó, chưa khơi dậy, phát huy nguồn lực từ nhân dân cho công cuộc XDNTM. Bên cạnh đó, một số tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa theo quy định hiện nay như: diện tích quy hoạch, trang thiết bị, cán bộ... ở nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế-xã hội còn hạn chế. Để đạt được các tiêu chí này phải từng bước, có lộ trình, chính sách đầu tư hỗ trợ cụ thể.
Ông Đinh Hài cho biết thêm, năm 2013, Sở sẽ tiếp tục tập trung tăng cường, đổi mới nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, để công tác này được thực hiện vừa rộng, vừa sâu, làm cho mọi người dân không chỉ hiểu mà phải hiểu đầy đủ về nội dung, mục đích của Chương trình XDNTM nói chung, xây dựng văn hóa nông thôn nói riêng, từ đó, phát huy tối đa nguồn lực đóng góp của nhân dân cho công cuộc XDNTM. Tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở, định kỳ tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung văn hóa (tiêu chí 6 và 16) để có sự hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời ở cơ sở.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 147/213 xã (không tính phường-thị trấn) triển khai quy hoạch thiết chế văn hóa xã, thôn theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chiếm 69%; 58/213 xã có nhà văn hóa, chiếm 27,23%; 1.350/1.517 nhà văn hóa thôn (không tính khu phố), chiếm 89%; 259.547/291.992 hộ gia đình nông thôn đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, chiếm 89%; 721/1517 thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa (không tính khu phố đạt danh hiệu), chiếm 47,52%; 21/213 xã đạt danh hiệu Xã văn hóa, chiếm 9,1%. |
Ngọc Lan
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn