Vụ đông xuân 2018 - 2019, Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong triển khai mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ sử dụng giống mới năng suất chất lượng cao” tại HTX Triệu Thuận, xã Triệu Thuận, đã mang lại kết quả khả quan.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ cho năng suất khá cao
Mô hình được triển khai trên 20 ha với 101 hộ tham gia, sử dụng giống lúa chất lượng cao Bắc Thơm 7. Theo đó, mô hình chỉ sử dụng các sản phẩm hữu cơ, sinh học, tuyệt đối không sử dụng chất hoá học tổng hợp khi sản xuất.
Trước khi triển khai mô hình, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; được hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón hữu cơ và các vật tư nông nghiệp khác.
Chị Đoàn Thị Mến, cho biết, chị có 4 sào đất trồng lúa. Trước đây, sản xuất theo tập quán cũ, luôn dùng phân hóa học bón cho lúa. Vụ đông xuân này, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, nhận thấy lúa sinh trưởng tốt, năng suất dự kiến 3 tạ/sào, cao hơn so trước đây khoảng 0,5 tạ/sào.
Giá bán bình quân 7.500 đồng/kg, trừ chi phí mỗi sào lãi gần 1,2 triệu đồng. Theo chị Mến, làm lúa hữu cơ, có tốn công bón lót bằng phân chuồng, làm cỏ bằng tay, song, lại đảm bảo được sức khỏe cho người, do hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
“Lần đầu sản xuất lúa không sử dụng bất kì loại phân bón hóa học nào, chúng tôi rất lo mất mùa, nhưng đến nay, hiệu quả đã được khẳng định. So cách làm trước đây, mô hình này rất có lợi, giảm được lượng giống lúa 5 - 6 kg/sào xuống còn 3,5 kg/sào, không sử dụng thuốc BVTV hoặc chỉ được phép sử dụng thuốc sinh học, thay hóa học, không gây độc hại cho người, tạo sản phẩm hữu cơ an toàn cho người, môi trường.
Từ những kiến thức vừa qua, những vụ tới, dù không được hỗ trợ nữa, tôi vẫn làm theo quy trình này”, chị Mến khẳng định.
Theo thạc sĩ Trần Thị Thúy, cán bộ Khuyến nông huyện Triệu Phong, trước đây, nông dân chỉ tập trung tăng năng suất, nên sử dụng rất nhiều phân bón, thuốc BVTV hoá học, làm đất đai bị thoái hóa, ảnh hưởng xấu đến môi trường đất, nước, không khí, chất lượng nông sản và sức khoẻ con người.
Trong khi đó, nhu cầu xã hội rất cần sản phẩm an toàn, vì vậy, sản xuất lúa hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng phân hóa học, chỉ bón lót bằng phân chuồng ủ hoai, kết hợp chế phẩm vi sinh Tricodemar để phân hủy gốc rạ; không được phép sử dụng thuốc BVTV hóa học, chỉ sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học.
Quá trình chăm sóc sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân khoáng, phân bón qua lá giúp đất đai không bị thoái hóa, mà còn được cải tạo tốt hơn, tăng độ phì nhiêu; lúa đẻ nhánh khỏe, thân cứng, rễ ăn sâu, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, ít sâu bệnh hại.
Sản phẩm lúa gạo an toàn, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, sản xuất hữu cơ cây lúa sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, cứng cáp, không bị đổ ngã khi gặp mưa dông, ít nhiễm sâu bệnh.
Chị Thúy cho biết, trong mô hình có 2 hộ tự ý bón thêm phân NPK thì lúa bị nhiễm bạc lá vi khuẩn do thừa đạm, còn các ruộng khác lúa hầu như không bị bệnh gì.
Mặc khác, ruộng xung quanh cấy giống lúa HC95 bị nhiễm rầy cuối vụ, nhưng tại ruộng mô hình, chưa thấy xuất hiện rầy. Lúa trổ đều, tập trung, khỏe bông, đầy hạt, màu sắc đẹp, có mùi thơm, năng suất cao hơn so giống HC95.
Cụ thể, năng suất ở ruộng mô hình đạt trên 58 tạ/ha, cao hơn so ruộng đối chứng 4 tạ/ha. Giá bán 7.500 đồng/kg, trừ chi phí, lúa hữu cơ mang lại lợi nhuận hơn 23,8 triệu đồng/ha, cao hơn so ruộng đối chứng gần 4 triệu đồng/ha.
Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Triệu Phong, Nguyễn Thị Lộc cho biết, đây là vụ thứ hai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, được triển khai tại xã Triệu Thuận, đem lại kết quả đáng ghi nhận.
Cây lúa khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, cứng cáp, ít nhiễm sâu bệnh, mật độ đảm bảo, nên đặc biệt hạn chế mức nhiễm rầy...Hiệu quả kinh tế cao hơn so ruộng đại trà 4 - 5 triệu đồng/ha.
Việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh và khoáng Quế Lâm, kết hợp phân chuồng và vôi, khiến đất được cải tạo tốt hơn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, tôm cá bắt đầu phát triển trở lại trên ruộng lúa.
Sức khỏe nông dân được cải thiện do không dùng phân bón hóa học; sử dụng phân ủ hữu cơ, còn tận dụng được nguồn phân chuồng, phân xanh hạn chế rác thải hữu cơ, ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi.
“Hầu hết các hộ tham gia mô hình lúa hữu cơ đều cam kết sẽ tiếp tục thực hiện trong những vụ tới. Đồng thời, sẽ tuyên truyền, mở các lớp tập huấn để nhân rộng mô hình ra toàn huyện. Đồng thời phát triển thương hiệu, kết nối doanh nghiệp tìm đầu ra, nâng giá trị cho sản phẩm”, bà Lộc cho hay.
Nghệ An: Được mùa ớt chỉ thiên, nông dân thu hàng trăm triệu
Hiện, ớt cay chỉ thiên xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu đang vào cuối vụ, với diện tích trên 10 ha. Bà con phấn khởi, vì đạt cả sản lượng và giá trị.
Bà con xã An Hòa (Quỳnh Lưu) thu hoạch ớt cay chỉ thiên. Ảnh: Hồng Diện
Năm nay, ớt đậu quả nhiều, năng suất 7 tạ -1 tấn/sào, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Đầu vụ, ớt có giá 35.000 đồng/kg, hiện, 20 - 25.000 đồng/kg, cao hơn10.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái.
Với tổng sản lượng cả vụ ước đạt 150 tấn, nông dân xã An Hòa có doanh thu từ ớt hàng trăm triệu đồng.
Theo bà con, để ớt đạt hiệu quả tốt, phải thường xuyên luân phiên ruộng trồng, không nên canh tác liên tục cây giống trên một diện tích, nhằm hạn chế sâu bệnh; chất đất mới sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển nhanh, năng suất cao hơn.
Ông Hoàng Văn Bình - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, cho biết: Ớt cay trồng từ tháng 9 - 12 ÂL, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 5 tháng. HTX động viên bà con luân chuyển đất, năm nay trồng ruộng này, sang năm ruộng khác.
Đây là năm thứ 6 An Hòa canh tác ớt chỉ thiên – cây ớt đã khẳng định giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so các cây trồng khác, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân.
Cần Thơ: Giá dừa khô đạt mức cao nhất trong nhiều tháng qua
Do nhu cầu tiêu thụ tăng và nguồn cung có phần hạn chế, giá dừa khô nguyên liệu ở Bến Tre hiện tăng thêm 5 -10.000 đồng/chục so với 2 tuần trước, và đang ở mức cao nhất trong nhiều tháng qua.
Dừa khô được lột vỏ tại cơ sở chế biến huyện Mỏ Cày Bắc.
Dừa khô nguyên liệu được nông dân bán tại vườn cho thương lái 40 -45.000 đồng/chục (12 trái); còn giá thu mua tại doanh nghiệp, cơ sở chế biến dừa xuất khẩu 50 -55.000 đồng/chục).
Riêng dừa hữu cơ được thu mua 60 -70.000 đồng/chục. Giá dừa khô tăng do đẩy mạnh thu mua để chế biến, xuất khẩu, nhất là gần đây, xuất khẩu dừa khởi sắc so với trước.
Hiện, nhiều vườn dừa trong tỉnh cho trái ít, do ảnh hưởng nắng hạn, thời tiết bất lợi, góp phần đẩy giá lên. Nhiều tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh dừa trong tỉnh dự đoán, giá dừa khô nguyên liệu có khả năng còn tăng.
Đô Lương: Hàng trăm ha ngô, lạc bị chết cháy do nắng nóng
Đợt nắng nóng vừa qua đã làm hơn 400 ha cây trồng, chủ yếu là ngô, lạc ở huyện Đô Lương (Nghệ An) vàng cháy. Nông dân ngậm ngùi nuối tiếc vì chỉ còn 15 - 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch.
Cánh đồng ngô ở xã Đại Sơn vàng úa trong nắng gắt. Ảnh: Ngọc Phương
Tại xóm 10, xã Đại Sơn, những cánh đồng trồng ngô, lạc của bà con vàng khô vì cháy trong nắng gắt. Ông Trần Văn Hà, nhìn ra đồng xót xa, cho biết: “Gia đình tôi làm 4 sào lạc, 6 sào ngô, tưởng vụ này thu nhập khá vì trồng nhiều, ai ngờ nắng nóng đã làm cây chết cháy hết, coi như mất trắng”.
Cùng cảnh như ông Hà, hàng trăm nông dân khác cũng xót ruột vì ngô bị nắng táp, chết cháy.
Đi dọc các cánh đồng trong nắng chiều như thiêu đốt, toàn bộ diện tích ngô của bà con nhuộm một màu vàng ruộm, kể cả những bông ngô sau khi lột vỏ, cũng bị nắng táp hạt khô quắt queo.
Hiện, xã Đại Sơn có 293,5 ha cây trồng bị chết do nắng nóng, trong đó: lạc 152 ha, ngô 135 ha, lúa 6 ha, dưa hấu 0,5 ha... Riêng 152 ha lạc chỉ còn độ 20 ngày nữa là thu hoạch, nhưng do thân cây bị chết nắng héo rũ, trong khi củ còn quá non. Những xóm thiệt hại nhiều là: 7, 8, 9, 10, 11.
Anh Đặng Văn Yên - Chủ tịch Hội Nông dân, cho biết, hiếm có năm nào nắng gay gắt như thời điểm này, thường thì vụ này cây trồng thu hoạch cho năng suất rất cao, vậy mà đành mất trắng vì nắng nóng.
Không riêng Đại Sơn, một số xã khác như: Trù Sơn, Giang Sơn Tây, cây trồng cũng bị thiệt hại do nắng nóng... Tại xã Trù Sơn có 115 ha cây trồng bị chết nắng; trong đó ngô: 47ha, lạc 48ha, đậu và rau màu 20ha. Xã Giang Sơn Tây có 40 ha ngô bị chết.
Tính đến ngày 22/4, nắng nóng đã làm hơn 400 ha cây trồng của nông dân Đô Lương bị thiệt hại, không thể khắc phục.