Với điều kiện tự nhiên đặc thù, là vùng đất có nhiều cây dược liệu quý, nên tỉnh Quảng Trị xác định phát huy giá trị của cây dược liệu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân là rất hợp lý.
Thạc sĩ dược học Nguyễn Thị Minh Hạnh công tác tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị đã sản xuất một số loại tinh dầu phục vụ sức khỏe của gia đình và cung cấp cho những ai có nhu cầu như tinh dầu tràm, dầu sả, gừng, tỏi... để vệ sinh phòng chống dịch Covid-19. Theo chị, bảo vệ sức khỏe là nhu cầu của không chỉ riêng ai, các mặt hàng dược liệu có nguồn gốc thiên nhiên được người tiêu dùng lưa chọn vì an toàn.
Không chỉ riêng chị Minh Hạnh, chị Lê Thị Huyền Thoại công tác tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đã mở cơ sở sản xuất tinh dầu dược liệu với thương hiệu “Tinh dầu Huyền Thoại” để phát huy được giá trị của nguồn dược liệu dồi dào tại địa phương. Ban đầu chị chiết xuất tinh dầu gừng, tràm, bạc hà, đến nay tinh dầu do chị Huyền Thoại chiết xuất đã lên trên 10 sản phẩm. Gừng, tràm, sả, bưởi, cam, quế, bạc hà, lá trầu… từ những sản vật dân dã của thôn quê được chị đã chắt lọc, tinh chế, tạo ra các sản phẩm tinh dầu có tác dụng phòng, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe.
Hiện chị có 3 cơ sở sản xuất đặt tại thị trấn Diên Sanh của huyện Hải Lăng; xã Triệu Lăng của huyện Triệu Phong và Phường 5 của TP. Đông Hà, giải quyết việc làm cho gần 20 lao động với thu nhập ổn định. Bộ sản phẩm tinh dầu do chị Huyền Thoại sản xuất đã được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn chất lượng, chị cũng đã đăng ký thương hiệu, mã vạch, nhãn mác cho các sản phẩm của mình.
Một đơn vị khác ở Quảng Trị cũng đang phát huy tốt giá trị của cây dược liệu, đó là Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Thông tin Khoa học và Công nghệ Quảng Trị. Ông Đào Ngọc Hoàng, Giám đốc trung tâm cho biết, ngoài trồng những loài hoa chất lượng cao ở Sa Mù, việc tập trung phát triển cây dược liệu chính là mặt hàng được trung tâm chú trọng nhất. Sau khi đề án trồng thử nghiệm cây lá vằng làm nguyên liệu để chế biến các loại trà dược liệu của tỉnh Quảng Trị thành công, trung tâm đã nhanh chóng ký hợp đồng liên kết thu mua nguyên liệu với người trồng cây lá vằng để có nguồn nguyên liệu ổn định cho công tác tinh chế, sản xuất sản phẩm.
Chị Phan Thị Duyên trú tại xã Cam Chính, Cam Lộ, Quảng Trị cho biết, nhờ liên kết thu mua cây lá vằng và các cây dược liệu khác với trung tâm mà gia đình chị đã có thêm một nguồn thu nhập khá. Ngoài ra chị và nhiều gia đình trong xã cũng đầu tư trồng các loại cây dược liệu thay vì thu hái ngoài tự nhiên. Số dược liệu sau khi thu hoạch được tập trung tâm mua và trả tiền tại chỗ nên bà con hết sức vui mừng.
Ông Đào Ngọc Hoàng cho biết, kể từ sản phẩm đầu tiên được cho ra đời vào giữa năm 2017, đến nay trung tâm đã sản xuất hơn 12 sản phẩm dược liệu được bày bán trong và ngoài tỉnh.
Đánh giá về mô hình phát huy giá trị cây dược liệu, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, thời gian qua tỉnh đã hỗ trợ bà con nông dân phát triển nhiều vùng chuyên canh cây dược liệu nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ tốt cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị, trong đó cây dược liệu có vị trí rất quan trọng.
Qua việc không ngừng phát huy giá trị cây dược liệu cùng với tăng diện tích, các cơ sở sản xuất, trung tâm chế biến dược liệu, các loại chè, trà… góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu, tạo thêm nguồn thu nhập lớn, giúp người nông dân sống được với cây dược liệu. Tỉnh Quảng Trị xem đây là mô hình tốt, một hướng đi rất đúng đắn cần tiếp tục nhân rộng.
Theo: Lâm Quang Bửu/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn