Cty TNHH MTV Công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả do ông Quả làm Chủ tịch, chuyên SX lắp ráp lò sấy lúa gạo cải tiến không trở mẻ công suất từ 2-80 tấn.
Thời gian gần đây ông Quả phát minh ra công nghệ sấy gạo sữa và đã đăng ký bảo hộ độc quyền. Hiện ông Quả mở rộng sang hoạt động SX và kinh doanh gạo sữa với thương hiệu là Gạo sữa Dương Xuân Quả.
Vụ ĐX 2019-2020 ông trồng 8ha ruộng của gia đình và hợp đồng với nông dân bên ngoài sản xuất 40ha. Tương lai sẽ mở rộng diện tích trồng thêm khi thị trường tiêu thụ gạo sữa phát triển.
Về quy trình trồng trọt, ông hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV. Về chất dinh dưỡng, ông áp dụng chủ yếu là vôi lân Địa Long. Sản phẩm này chứa nhiều nguyên tố trung lượng và vi lượng, có các vi sinh vật cố định đạm và phân giải lân. Vôi lân Địa Long được bón với mức 690 kg/ha.
Ngoài ra ông còn phun trên lá hai lần lúc 10 ngày sau cấy và 45 ngày sau cấy gồm nước vôi lân Địa Long pha với trứng gà và sữa Vinamilk. Theo ông Quả, kỹ thuật phun khá đơn giản, chỉ cần 4 lít vôi lân Địa Long pha với 2 quả trứng gà và 2 bịch sữa bò Vinamilk vào bình 24 lít phun cho 1 công lúa.
Mô hình trồng lúa an toàn của ông Quả được cấy toàn bộ bằng tay, có sử dụng thuốc trừ ốc đầu vụ, không sử dụng thuốc trừ cỏ, mà chỉ dùng nước ém cỏ cho chết. Chỉ 1 lần phun thuốc BVTV duy nhất để diệt sâu đục thân và bệnh đạo ôn lúc 60 ngày tuổi sau cấy.
Theo ông Quả, mô hình SX lần đầu tiên theo hướng trồng lúa an toàn khá mới mẻ đối với ông, nhưng mục đích cuối cùng để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường xung quanh nhằm để cho hạt gạo an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Thời điểm này chưa thu hoạch nhưng nhìn trà lúa đỏ đuôi, nhiều bà con nông dân ở các tỉnh thành ĐBSCL đến tham quan đồng ruộng có thể ước tính năng suất khoảng 1 tấn/công tương đương so với những ruộng chung quanh canh tác theo biện pháp truyền thống có sử dụng phân thuốc hóa học.
Theo đánh giá của nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi mô hình của ông Quả, SX lúa an toàn, trước mắt giảm giá thành từ 25-30% so với canh tác lúa truyền thống và được ông đứng ra bao tiêu với giá thu mua 6.500 đồng/kg. Với mức giá này, người canh tác sau khi trừ hết chi phí mỗi công lãi từ 3-3,2 triệu đồng.
Đến tham quan mô hình trồng lúa an toàn của ông Quả, anh Dương Văn Lý, nông dân ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang cho biết: Gia đình cũng canh tác lúa trên 40ha, vụ này trồng giống OM 4900 nhưng canh tác truyền thống, sẽ còn khoảng 1 tháng nữa đến ngày thu hoạch.
Theo anh Lý, qua tham quan mô hình SX lúa an toàn, thấy chi phí giảm, ít sâu bệnh, lúa cứng cây, bông to và dài, ít hạt lép, năng lúa suất tương đương so với sử dụng ruộng sử phân, thuốc hóa học. Sang vụ HT tới anh quyết định chuyển toàn bộ diện tích trồng theo hướng an toàn, sử dụng vôi lân Địa Long và ký hợp đồng bán sản phẩm cho Cty của ông Quả.
Ông Quả cũng đưa ra nhiều định hướng thiết thực để nông dân hợp tác như mở rộng thêm diện tích gieo trồng trong những vụ tới, để đáp ứng việc SX chế biến gạo sữa. Sản phẩm gạo sữa Dương Xuân Quả đã được cấp bằng sáng chế độc quyền.
Đây là loại gạo đặc biệt từ giống OM 4900 có màu trắng trong, dài hạt. Khi được sấy đến ẩm độ thấp sẽ cho màu đục sữa (còn được xem là quy trình tách nước khỏi hạt gạo), trên thị trường hiện nay thương lái gọi là gạo sữa. Hạt gạo có mùi hương nhẹ. Đặc biệt tỏa mùi rất thơm khi nấu. Cơm dẻo, thơm, hạt cơm săn chắc, hương vị đậm đà hơn so với các loại gạo đặc sản khác và đặc biệt là vẫn dẻo cơm khi để nguội đến 24 giờ sau khi nấu.
Ông Dương Xuân Quả cho biết thêm, sắp tới sẽ đẩy nhanh tiến độ SX gạo sữa theo mô hình cánh đồng lớn, có liên kết và bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân để mọi nhà đều được dùng gạo ngon với giá cả hợp lý.
PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, SX lúa theo hướng hữu cơ là xu hướng tất yếu, mục đích cuối cùng là mang lại hiệu quả SX cao, bền vững, giảm chi phí, sàn phẩm an toàn cho tiêu dùng và thuận lợi cho việc xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay người nông dân làm ra sản phẩm hữu cơ bán giá không chênh lệch so với hàng hóa SX truyền thống. Vì thế chưa khích lệ người SX nông sản theo hướng hữu cơ...
"Để SX nông sản theo hướng hữu cơ phát triển bền vững, trước mắt người SX phải làm chân chính tức là không sử dụng phân, thuốc hóa học trong quy trình canh tác, đồng thời sản phẩm đó phải được cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ khi ra thị trường mới bán giá cao và tạo niềm tin cho người tiêu dùng", PGS.TS Dương Văn Chín.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn