Chấm dứt mối lo thủy lợi
Xác định vai trò trọng yếu của nông dân trong phát triển kinh tế xã hội nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, từ năm 2006 Vĩnh Phúc đã có Nghị quyết 03 về phát triển nông nghiệp, nông thôn nâng cao đời sống của nông dân.
Thực chất đây là chủ trương đầu tư tổng lực cho “tam nông” rất sớm mà Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xây dựng nhằm hướng tới một nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, có hệ thống KT-XH phát triển và sau này Bộ Chính trị đã phát động nhân rộng trên cả nước. Tất nhiên, khi đó việc đầu tư cho “tam nông” ở tỉnh Vĩnh Phúc chưa thực hiện theo từng tiêu chí một cách bài bản như Chương trình xây dựng NTM nhưng chỉ sau 4 năm triển khai Nghị quyết 03, bộ mặt nông thôn ở Vĩnh Phúc đã thực sự thay đổi, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị rút ngắn rõ rệt.
Việc một nghị quyết ra đời trong thời gian ngắn đã làm thay đổi cục diện KT-XH của cả một tỉnh quả thật khó tin nhưng chỉ với những ai chưa tận mắt chứng kiến cách làm của Vĩnh Phúc. Để Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy sớm đi vào cuộc sống, Hội đồng nhân dân tỉnh chia nhỏ những nội dung cần đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vạch ra 34 mục tiêu và xây dựng mỗi mục tiêu thành một nghị quyết để huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc. Với từng nghị quyết, mục tiêu cụ thể người nông dân Vĩnh Phúc lần lượt được hỗ trợ về năng lực sản xuất; giống, kĩ thuật mới; hạ tầng phục vụ sản xuất…
Ông Nguyễn Ngọc Nhung, Trạm trưởng trạm Thủy nông xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương giới thiệu công trình thủy lợi trên địa bàn
Cùng với chuyển dịch một phần lao động nông nghiệp sang khu công nghiệp, khu chế xuất số lượng nông dân sống nhờ vào ruộng đất ít dần. Vô hình chung đất sản xuất cũng được dồn đổi, bớt manh mún khiến nông dân canh tác dễ hơn, năng suất được cải thiện. Trong đó, việc xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi, quản lý sử dụng sao cho hiệu quả cũng là một trong những điểm nhấn được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm.
Tính đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã kiên cố hóa 100% các tuyến kênh loại I, II các tuyến kênh loại III đạt 71% và sẽ hoàn thành vào năm 2015. Hiện hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu trên địa bàn tỉnh gồm 383 trạm bơm, 441 hồ đập và hàng ngàn km kênh mương các loại. Toàn bộ các trạm bơm lớn, 1/3 các trạm bơm nhỏ, 10 hồ chứa lớn và 120 hồ chứa nhỏ đã được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới. Trước khi triển khai chương trình đầu tư cho nông thôn, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có tới 5300 ha vùng khó khăn về nguồn nước nhưng nay chỉ còn 800 ha chưa chủ động được nguồn nước.
Từ năm 2010, công tác quản lý các công trình thủy lợi của tỉnh cũng được cải tổ gom về một đầu mối là Cty TNHH MTV Thủy lợi quản lý để xác định rõ trách nhiệm giúp cho hoạt động điều tiết nước, duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi được hiệu quả hơn.
Theo ông Nguyễn Gia Quyền, Giám đốc Cty THHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn, thì ở hầu hết các tỉnh trên cả nước Cty thủy lợi chỉ quản lý điều tiết nước ở kênh cấp I, II còn từ kênh cấp III, kênh nội đồng được giao cho các HTX nông nghiệp quản lý, sử dụng. Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên giao các Cty thủy lợi quản lý “trọn gói” từ kênh cấp I đến kênh nội đồng. Trước đây, các HTX nông nghiệp làm ăn chểnh mảng để đồng ruộng thiếu nước, không kịp thời vụ thì họ đổ lỗi cho Cty không đưa nước về kênh chính hoặc ngược lại cán bộ Cty đổ lỗi cho HTX. Kể từ khi thống nhất quản lý thủy lợi, tỉnh Vĩnh Phúc đã khắc phục được triệt để tình trạng “ruộng chờ nước tưới”. Từng đoạn kênh, từng sào ruộng đều được giao cho một đơn vị cụ thể như vậy nếu xảy ra tình trạng thiếu nước ở cánh đồng nào, đoạn kênh nào thì đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm.
Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng kì thực công tác tổ chức quản lý được đến tuyến kênh nội đồng tương đối phức tạp, cần chuẩn bị kĩ lưỡng từ huy động nhân lực, tính toán nguồn lực cho đến việc giải quyết các mâu thuẫn lợi ích.
Ông Quyền nhớ lại thời điểm ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh, đưa ra ý tưởng thống nhất quản lý thủy lợi và yêu cầu Cty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn đảm nhiệm trọng trách. Khi ấy nhìn thấy còn quá nhiều khó khăn, riêng kinh phí quản lý sẽ phải tăng thêm trên 10 tỉ mỗi năm, ông chưa dám nhận lời ngay và đã bị lãnh đạo tỉnh phê bình là “không được việc, thiếu quyết đoán”.
Trở về, tiếp tục suy nghĩ tính toán mãi, ông Quyền quyết định xin làm thí điểm ở 14 xã trên địa bàn tỉnh. Sau khi lấy phiếu điều tra đánh giá chất lượng phục vụ ở các xã điểm, đa phần được nhân dân ủng hộ đánh giá tốt (chỉ có 4% số phiếu không hài lòng, đều nằm ở những vùng rất cao, chưa chủ động được nguồn nước tưới) Cty Liễn Sơn bắt đầu hợp nhất quản lý tưới tiêu cho hơn 66 ngàn ha đất sản xuất của 7 huyện, thành, thị trong tỉnh.
Để quản lý, Cty Liễn Sơn tổ chức xây dựng thành 6 xí nghiệp cấp dưới và phân địa bàn gồm: Móng Cầu, Tam Dương, Vĩnh Yên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên. Các xí nghiệp sẽ chịu trách nhiệm điều tiết nước ở khu vực kênh chính cấp I, II đồng thời quản lý nhân sự ở các trạm xã. Tuyến kênh cấp 3, nội đồng sẽ thuộc trách nhiệm quản lý của từng Trạm Thủy nông. Biên chế mỗi trạm thủy nông thông thường từ 6-7 người gồm: Trạm trưởng, trạm phó, kĩ thuật điện, công nhân bơm và hai công nhân điều nước…
Phân công nhiệm vụ rõ ràng như vậy nên Cty có thể kiểm soát mọi hoạt động của trạm và xí nghiệp. Máy móc được bảo dưỡng vận hành đúng kĩ thuật, và tuyệt đối không có chuyện khai khống máy bơm hỏng để sửa chữa vì máy hỏng thì sẽ có người của Cty kiểm tra nguyên nhân, xác định lý do hỏng. Vào mùa vụ nước lúc nào cũng phải đảm bảo xâm xấp mặt ruộng 5 cm.
Ông Quyền cho biết năm đầu tiên hợp nhất cũng là năm thời tiết khô hạn kéo dài nhưng xác định rõ nhiệm vụ được giao, Đảng bộ Cty chỉ đạo cán bộ, đảng viên các đơn vị trực thuộc nắm bắt kịp thời diễn biến bất thường của thời tiết, bám sát lịch gieo trồng, lịch tưới của các địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tưới, tiêu, không để xảy ra úng, hạn ở bất kỳ giai đoạn nào.
Kể khi thống nhất quản lý các công trình thủy lợi cho đến nay, việc phối hợp với Phòng Nông nghiệp các huyện, thị, thành đôn đốc các cơ sở HTX nông nghiệp tu bổ, nạo vét kênh mương nội đồng trứơc khi vào vụ cũng được triển khai tốt hơn. Các trạm bơm và các công trình tưới tiêu đều được triển khai bảo dưỡng, tu bổ sửa chữa trước khi vào vụ. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Cty chủ động dự trữ nước, vận hành trạm bơm điện khoa học, hợp lý, giảm tối đa việc vận hành vào giờ cao điểm nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nhờ đó công suất tưới của Cty cũng được nâng lên theo từng năm, từ 59.110 ha vào năm 2009 Cty đã nâng công suất tưới lên thành 67.143 ha vào năm 2012, tăng thêm 8000 ha. Với thành tích đó, năm 2011 Cty Liễn Sơn đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
CẦN CÓ CHIẾN LƯỢC VỀ THỦY LỢI Năm 2013, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc gặp đợt nắng kéo dài gần hết vụ xuân làm cho nhiều diện tích lúa xuân cần được bổ sung nguồn nước tưới dưỡng trong thời kỳ làm đòng, trỗ bông. Để nông dân trong tỉnh không bị thiệt hại do nắng hạn, đảm bảo sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy lợi, các Cty TNHH MTV Thủy lợi phối hợp với UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch lấy nước, trữ nước, đảm bảo phục vụ tưới tiêu đầy đủ, đúng thời điểm. Nhờ đó, diện tích gieo trồng vụ xuân 2013 đạt 40.390 ha với năng suất lúa trung bình toàn tỉnh ước đạt 60,1 tạ/ha. Theo ông Phùng Quang Hùng, để phát triển sản xuất nông nghiệp cần có chiến lược về thủy lợi. Chuẩn bị sẵn phương án, tranh thủ triệt để các nguồn vốn để xây dựng các công trình thuỷ lợi như xây các hồ, đập trữ nước phục vụ lâu dài cho sản xuất. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn