Hôm qua (1.2), Ban Chấp hành Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có cuộc họp để thống nhất về thời gian tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2012-2013 cho bà con nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). VFA cũng hy vọng, sau thời điểm nghỉ tết, giá lúa gạo tại khu vực này sẽ được cải thiện so với hiện nay...
Từ 20.2 bắt đầu tạm trữ
Theo thông báo của VFA, lượng hợp đồng mới các doanh nghiệp (DN) ký kết được trong tháng 1.2013 tăng vượt trội, đạt 1,24 triệu tấn gạo các loại. Cộng với 637.000 tấn còn tồn chuyển từ năm 2012 qua, tính đến ngày 31.1.2013, các DN đã ký hợp đồng xuất khẩu được 1,877 triệu tấn gạo, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2012.
Giá lúa sau Tết, nhờ chương trình tạm trữ và có nhiều hợp đồng, dự kiến sẽ tăng lên. |
"Trong đó, số lượng hợp đồng phải giao trong tháng 2.2013 là 1,473 triệu tấn nên sau khi nghỉ tết vào, các DN phải đẩy nhanh tiến độ giao hàng. Do đó có vào vụ thu hoạch rộ vụ đông xuân cũng sẽ đảm bảo giá lúa không rớt, thậm chí tăng nhẹ" - ông Nguyễn Văn Tiến - Tổng Giám đốc Công ty XNK An Giang (Angimex) đánh giá.
Thêm vào đó tại cuộc họp, Ban Chấp hành VFA cũng đã xác nhận tinh thần quyết liệt thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân 2012 - 2013 với thời gian dự kiến từ ngày 20.2 đến 31.3.2013. Thời gian tạm trữ 3 tháng với lãi suất DN được hỗ trợ khi thu mua tạm trữ là 0%. "Giá tối thiểu DN thu mua tạm trữ tại kho là 5.000 đồng/kg.
Chúng tôi xin lưu ý với bà con là chỉ tạm trữ lúa thường, không tạm trữ lúa thơm do giá lúa thơm đã cao hơn giá định hướng của Bộ Tài chính. Từ giờ đến lúc đó, để giữ vững giá lúa không giảm, VFA vẫn chỉ đạo DN ráo riết mua vào để kinh doanh xuất khẩu cũng như đảm bảo các điểm bán phục vụ cho dân ăn tết đến tận ngày 29 Tết âm lịch. Sau Tết sẽ hoạt động mua bán lại bình thường, thậm chí đẩy nhanh tiến độ giao hàng từ mùng 3, 4 Tết" - ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA khẳng định.
Thiết lập giá sàn gạo 5% tấm
Theo VFA, mặc dù hợp đồng trong tháng 1.2013 ký được nhiều nhưng giá ký rất thấp, dưới 400 USD/tấn, thậm chí có hợp đồng chỉ ký được có 380 USD/tấn. Tháng 1.2013, Việt Nam xuất khẩu được hơn 400 ngàn tấn gạo, với giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 494 USD/tấn, thấp hơn gần 100 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012.
"Giá gạo của chúng ta bây giờ là thấp nhất thế giới với mức thấp hơn gạo của Ấn Độ và Pakistan đến 30 - 40 USD/tấn tùy loại. Thời gian qua, chúng ta giảm giá là để cạnh tranh với gạo của 2 nước này nhằm ký được nhiều hợp đồng. Tuy nhiên sắp tới khi vào vụ thu hoạch rộ đông xuân, cùng với giá phụ phẩm đang giảm nghiêm trọng như hiện nay, chúng ta phải tăng giá lên thì mới bảo đảm giá lúa không giảm cho bà con" - ông Phong nhận định.
Theo đánh giá của các DN, trong tháng 1 vừa qua có nhiều lúc giá lúa trong nước giảm, ngoài một phần lý do là lúa IR 50404 chất lượng kém của Campuchia thời điểm đó tràn qua Việt Nam nhiều, thì nguyên nhân chính vẫn là do giá phụ phẩm giảm mạnh.
Nhận định thị trường xuất khẩu trong 2 tháng còn lại của quý 1/2013, VFA cho biết chỉ có Trung Quốc vẫn có nhu cầu nhập khẩu tiếp tục do giá gạo Việt Nam đang quá hấp dẫn, thấp hơn giá gạo của họ tới 100 USD/tấn. Tuy nhiên, Myanmar cũng sắp bước vào vụ thu hoạch, lại có giá bán thấp hơn nên sẽ là đối thủ cạnh tranh mạnh với Việt Nam ở thị trường Trung Quốc. Các thị trường còn lại như Philippine, Malaysia chưa có nhu cầu. Châu Phi đến tháng 4 mới nhập, còn Indonesia thì đến tháng 8, 9. |
"Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành chăn nuôi, thủy sản đang bị giảm sút mạnh nên dự báo giá cám sau Tết Nguyên đán sẽ còn xuống nữa. Đặc biệt vào thời điểm thu hoạch rộ vụ đông xuân từ 20.2 đến 15.3, giá cám theo tôi sẽ xuống mức 4.000 đồng/kg. Chính vì thế, nếu chúng ta không đẩy giá xuất khẩu lên thì sẽ không thể kìm chân giá lúa rớt theo giá cám, khi đó sẽ khó hoàn thành mục tiêu đảm bảo nông dân có lãi 30%" - ông Phong cảnh báo.
Theo đó, VFA đã xác lập giá sàn xuất khẩu gạo trong thời gian tới là 410 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 365 USD/tấn đối với gạo 35% tấm.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn