Người dân tham gia các hoạt động chào mừng Ngày Quốc khánh tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: ANH MINH
Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn đại biểu đã thành kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại những nén hương thơm, những đóa hoa tươi thắm để tỏ lòng tri ân đến công lao của Người. Đoàn đại biểu cũng đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. * Kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tối 1-9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tạp chí Cộng sản phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND thành phố Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt “Sao Độc lập”. Đến dự, có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phan Đình Trạc, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở trung ương, Hà Nội và các đồng chí lão thành cách mạng. Chương trình “Sao Độc lập” được tổ chức nhằm khẳng định những giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, nêu cao lòng yêu nước và tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc. Chương trình bao gồm ba phần: Khát vọng hòa bình, Hòa bình dựng xây và Đất nước đổi mới, ngợi ca sự nghiệp giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ và xây dựng đất nước cũng như công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Tại chương trình, các khán giả, trong đó có nhiều bạn trẻ được giao lưu với một số nhân chứng lịch sử, giúp họ thêm hiểu và tự hào về những giá trị lịch sử lớn lao của Cách mạng Tháng Tám và sự cống hiến, hy sinh quên mình của cha anh cùng trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và phát huy các thành quả cách mạng của các thế hệ ngày nay. * Tối 1-9, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức tiệc chiêu đãi, nhân dịp kỷ niệm 73 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tới dự, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; các tổng lãnh sự, phu nhân, phu quân, đại diện các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế tại TP Hồ Chí Minh… Tại buổi lễ, lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh gửi lời cảm ơn các bạn bè quốc tế đã chia sẻ, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của thành phố trong thời gian qua; bày tỏ mong muốn, các cơ quan lãnh sự, các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế và các tổ chức phi chính phủ tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ trong công cuộc xây dựng và phát triển, giúp thành phố ngày càng phồn vinh và tươi đẹp. Thay mặt Lãnh sự đoàn tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại TP Hồ Chí Minh A.Pô-pốp chúc mừng nhân dân Việt Nam nhân dịp Quốc khánh 2-9. Ông A.Pô-pốp cảm ơn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về sự hỗ trợ, hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đại diện Lãnh sự nước ngoài tại thành phố hoàn thành nhiệm vụ; khẳng định, tiếp tục nỗ lực củng cố những mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa các nước với Việt Nam. * Mừng lễ Quốc khánh 2-9, phố phường Hà Nội rực rỡ cờ hoa, băng-rôn, khẩu ngữ. Nhiều hoạt động văn hóa giải trí được tổ chức trên địa bàn thành phố, thu hút đông đảo người dân Thủ đô, khách du lịch tới tham gia. Không gian phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm hoạt động suốt ba ngày của kỳ nghỉ lễ. Ngay ngày đầu tiên đã có hàng nghìn lượt người tới đây tham quan, vui chơi và cổ vũ giải đua xe đạp mở rộng Cúp Vinasing. Vào ngày 2-9, nơi đây cũng diễn ra giải đua xe đạp Cúp Tôn Hoa Sen xuyên Việt với đích đến là TP Hồ Chí Minh. Tại không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), sân khấu ngoài trời khu vực Mỹ Đình…, vào buổi tối đều diễn ra các chương trình biểu diễn ca múa nhạc tổng hợp do các nhà hát, đoàn nghệ thuật thực hiện. Nhân dịp này, các điểm du lịch trên địa bàn đều mở cửa đón khách và tổ chức các chương trình, sự kiện đặc biệt để phục vụ người dân. * Trong ngày 1 và ngày 2-9, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên phối hợp CLB Cựu chiến binh Hoa Sen tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa đặc sắc phục vụ du khách trong dịp 2-9 như: múa rối nước, viết thư pháp, vẽ chân dung; trải nghiệm đồ xôi, giã bánh dày; các trò chơi dân gian: bịt mắt đánh trống, kéo co, đi cà kheo, ô ăn quan... Lần đầu Bảo tàng tổ chức giới thiệu, trải nghiệm làm bùi nhùi đánh lửa, cách tìm lửa và giữ lửa của người Việt cổ đại. * Tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương vừa kết thúc Hội diễn sân khấu không chuyên tỉnh Hải Dương năm 2018, mừng 73 năm Ngày Truyền thống ngành văn hóa thông tin và kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2-9. Tham dự hội diễn có 12 đoàn thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với gần 300 diễn viên, nhạc công, 12 tiết mục gồm hoạt cảnh chèo và kịch nói được lựa chọn từ hàng trăm tiết mục của các xã, phường, thị trấn tham gia hội diễn cơ sở hoặc là đội tuyển cấp huyện. Kết quả, giải A tập thể thuộc về các đơn vị: huyện Cẩm Giàng, huyện Kinh Môn và TP Hải Dương; 10 giải A được trao tặng các diễn viên xuất sắc. * Ngày 1-9, Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức Lễ trao Huy hiệu Đảng tặng các đảng viên từ 50 đến 70 tuổi Đảng trở lên, nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Trong đợt này, Bạc Liêu có 87 đảng viên được trao tặng Huy hiệu Đảng; trong đó có năm đảng viên 70 năm tuổi Đảng, ba đảng viên 65 năm tuổi Đảng, bốn đảng viên 60 năm tuổi Đảng, 30 đảng viên 55 năm tuổi Đảng và 45 đảng viên 50 năm tuổi Đảng. * Tại phường Long Thủy, UBND thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) vừa tổ chức công bố thành lập Bảo tàng chiến dịch Đường 14 - Phước Long trên cơ sở nâng cấp Nhà truyền thống thị xã Phước Long. Chức năng của Bảo tàng chiến dịch Đường 14 - Phước Long là thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đang lưu giữ; nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật; tổ chức trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa của địa phương đến với công chúng… Bảo tàng chiến dịch Đường 14 - Phước Long, tiền thân là Nhà Truyền thống thị xã Phước Long được xây dựng năm 2014 trên diện tích hơn 4.400 m2, với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Hiện nay, Bảo tàng có hơn 500 hình ảnh, hiện vật, lịch sử liên quan chiến dịch Đường 14 - Phước Long về vùng đất, con người, văn hóa, truyền thống lịch sử của Phước Long. * Tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức khánh thành trưng bày nội thất Bảo tàng tỉnh phần II: Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 1930 đến nay. Theo đồng chí Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cùng với việc trưng bày các hiện vật hiện có, phần II với chủ đề “Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 1930 tới nay” đã hợp thành một chỉnh thể thống nhất, phản ánh chân thực, khoa học, sinh động về tiến trình lịch sử của tỉnh xuyên suốt từ thời kỳ tiền sơ khai đến nay, đưa Bảo tàng tỉnh trở thành một thiết chế văn hóa có giá trị lịch sử và nhân văn, điểm đến văn hóa hấp dẫn giúp các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ được tham quan, trải nghiệm, hiểu sâu sắc hơn và không ngừng nâng cao lòng tự hào về quê hương Vĩnh Phúc. * Huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia địa điểm Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại khu vực Đồi Giang, xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ. Tại địa điểm này, ngày 1-9-1954 đã diễn ra Lễ trình Quốc thư đầu tiên của nước ta được Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng hai nước và cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Việt Bắc. Đây cũng là nhà nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta, đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Trung Quốc. Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức đã công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đưa “Nghệ thuật khèn Mông” của người Mông, huyện Mộc Châu; Lễ hội Pang A của người La Ha, tỉnh Sơn La vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
PV và TTXVN |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn