Vượt qua khó khăn
Từng là xã chịu thiệt hại nặng sau trận lũ tháng 10 vừa qua, nhiều đoạn đường, kênh mương, nhà cửa bị lũ tàn phá, cuốn trôi, hư hỏng… Ấy vậy mà sau hơn một tháng, với nỗ lực không mệt mỏi, hàng chục ngôi nhà, cầu cống, đường giao thông, trường học được tu sửa, làm mới kiên cố giúp chjo Gia Phù khởi sắc hẳn lên.
Lễ công bố xã đầu tiên của huyện Phù Yên đạt chẩn ông thôn mới
Nhiều năm qua, với khẩu hiệu hành động "Biến khó khăn thành sức mạnh", hàng trăm hộ dân trong xã đã tham gia hiến đất, góp tiền, ủng hộ ngày công tạo nên không khí sôi nổi trong phong trào xây dựng NTM. Là người đầu tiên trong bản tự nguyện hiến 540 m2 đất làm nhà văn hóa, ông Bạc Cầm Tiên, ở bản Lìn (Gia Phù) chia sẻ: Từ lâu bản không có nhà văn hóa. Năm 2014, khi có chính sách hỗ trợ làm nhà văn hóa của Nhà nước mà cả bản không tìm đâu ra mặt bằng để xây dựng. Nhận thấy 1.000 m2 đất ruộng của nhà mình rất hợp để xây dựng nhà văn hóa, tôi đã bàn với vợ và quyết định hiến một nửa diện tích đất ruộng làm nhà văn hóa bản. “Cũng tiếc lắm, nhưng tôi bảo các con mình còn sức khỏe, mình còn làm ra được tiền của, không lo đói nghèo đâu, góp đất bản sẽ có chỗ cho bà con sinh hoạt, các cháu nhỏ có chỗ vui chơi, bản sẽ càng phát triển hơn”.
Còn ông Đinh Văn Tuấn, ở bản Lá, tình nguyện hiến 553 m2 đất vườn làm đường giao thông nông thôn. Giờ thấy con đường vào bản vừa to vừa rộng bà con dân bản ai cũng phấn khởi vì đi lại thuận tiện, ngô, sắn, thóc lúa làm ra có người đến mua tận nhà.
Nói về phong trào xây dựng NTM ở Gia Phù, ông Đinh Xuân Yệt, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Khó khăn chồng chất khó khăn, cứ nghĩ sau những thiệt hại do lũ lịch sử tháng 10 vừa qua để lại sẽ không gượng dậy được. Thế mà với sức đóng góp của nhân dân ở các bản, chỉ sau một thời gian đã làm vực dậy phong trào, giúp Gia Phù thành xã NTM đầu tiên của huyện.
Niềm vui mới
Đường về xã Gia Phù bây giờ không còn chật hẹp, lầy lội vào mùa mưa như trước, thay vào đó là những con đường được mở rộng, trải bê tông bằng phẳng, thuận lợi cho việc đi lại của hàng ngàn hộ dân. Hai bên đường là những ngôi nhà sàn khang trang, kiên cố của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Dao… xen lẫn các hàng quán kinh doanh dịch vụ tấp nập người ra vào.
Trong phát triển kinh tế được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm tăng lên
Trong phát triển kinh tế, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng lợi thế ở địa phương, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, trồng cây ăn quả trên đất dốc như: Xoài, nhãn, thâm canh lúa nước, rau xanh... nâng cao thu nhập cho người dân
Ông Yệt chia sẻ, để tìm tiếng nói chung, xã đã tổ chức họp dân, bàn kế hoạch chi tiết, lắng nghe, giải thích những thắc mắc của người dân, với tôn chỉ mọi việc đều do dân, vì dân, vì lợi ích của cộng đồng nên mọi tâm tư, nguyện vọng của nhân dân được giải đáp, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị từ huyện đến xã, sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện chủ trương, chính sách về xây dựng NTM, đến nay, xã Gia Phù đã đạt 19 tiêu chí và là xã đầu tiên của huyện Phù Yên đạt chuẩn NTM. Nhân dân đóng góp gần 5 tỷ đồng, vận động 164 hộ dân hiến hơn 14.000 m2 đất thực hiện bê tông hóa 94 tuyến đường đến bản và nội bản, với tổng chiều dài gần 16 km. Ngoài ra, xã đã đầu tư xây mới 5 công trình thủy lợi, 4 công trình trường lớp học, 15 công trình nhà văn hóa, 1 trạm y tế… Vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; giữ vững an ninh trật tự.
Phần lớn các đoạn đường vào ngõ bản đã được bê tông hóa thuận lợi cho người dân đi lại
Tác giả bài viết: Quốc Định
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn