Lão nông Bùi Văn Luân, Đội 9, thôn Đông Thai, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín chăm sóc đào Tết.
Tại xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, những cánh hoa đào chúm chím nụ khoe sắc. Lão nông Bùi Văn Luân, Đội 9, thôn Đông Thai, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín đang cặm cụi "đánh" gốc đào để đem bán, dừng tay khoe: Nhà ông có 200 gốc đào thế, đều đã bán hết, thu ngót 500 triệu đồng. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng, Bí thư Đảng ủy xã Phong Vân, huyện Ba Vì Lê Văn Cường vui vẻ cho biết: Xã đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Vụ mùa vừa qua, toàn xã canh tác 400ha lúa hàng hóa chất lượng cao không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn thay đổi đáng kể tư duy phát triển sản xuất. Ông Cường cho biết, xã Phong Vân có truyền thống cấy trước Tết để "ăn Tết cho ngon" nhưng bây giờ bà con đã cấy sau Tết vì như vậy mới đúng khung thời vụ, năng suất lúa cao hơn.
Gia đình chị Trương Kim Hoa, Thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất phát triển mô hình nuôi lợn rừng với sản lượng 150 tấn/năm, đạt doanh thu 20-30 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 100 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ vậy, gia đình chị còn tận dụng chất thải từ chăn nuôi để trồng 10ha rau hữu cơ, kết hợp với dàn tưới phun tự động cho hiệu quả kinh tế cao, đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình 02 thành phố, những năm qua, thành phố đã huy động được hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, tùy theo đặc điểm tình hình, mỗi địa phương đã có những cách làm riêng để huy động thêm nguồn lực, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nhân dân. Ở thôn Trần Phú, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, bà con nể phục bà Đinh Thị Bằng khi bà bỏ ra 23 tỷ đồng để đóng góp xây dựng đình, chùa, đền của làng, xây cổng và quy hoạch lại khuôn viên trụ sở cơ quan xã. Ở thôn Miễu, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, bà Đinh Thị Tình, người dân tộc Mường đã hiến 770m2 đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho xã mở rộng diện tích đất xây dựng Trường Tiểu học Tiến Xuân B đạt chuẩn theo quy định.
Nhờ có dồn điền đổi thửa, xã Phong Vân, huyện Ba Vì đã để ra được hàng chục hec ta đất quy hoạch xây trường học, nhà văn hóa, nhà máy nước… Hiện nhà máy nước sạch đang được xây dựng trên diện tích 15.000m2, trị giá 82 tỷ đồng do thành phố đầu tư đang trong giai đoạn hoàn thành. Mỗi gia đình đã đóng góp thêm 2,2 triệu lắp đồng hồ đo nước tại nhà. Cụ Đào Thị Luân, 80 tuổi, ở thôn Tân Phong không nghĩ làng quê lại đổi thay nhanh đến thế. Cụ bảo: "Từ ngày xã làm nông thôn mới, chúng tôi sướng lắm! Đường làng ngõ xóm phong quang, tối đến điện sáng trưng. Trước đây, mỗi gia đình có gần chục thửa ruộng, nay dồn vào chỉ còn có 1 thửa. Máy móc hỗ trợ sức người, bà con ai cũng mừng. Mừng vì các con, các cháu từ nay sẽ được sung sướng, không khổ như chúng tôi".
Theo Minh Phú/Hà Nội mới
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn