Đó thực sự là đòn bẩy hữu hiệu, kích thích, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở xứ Nghệ.
Nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML), huyện Nam Đàn ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với từng vùng đất, từ đó hình thành nên các vùng chuyên canh tập trung, vừa đảm bảo năng suất vừa ổn định chất lượng.
Triển khai đồng bộ và thu được nhiều thành quả phải kể đến xã Nam Xuân, địa phương có truyền thống SX rau màu hàng hóa từ hàng chục năm nay. Ngoài cây hoa thiên lý cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha, bà con trong vùng còn háo hức triển khai trồng hẹ.
Đây là loại cây mới trồng 2 năm trở lại đây nhưng đã nhanh chóng tạo dựng được chỗ đứng nhờ vào những tính năng vượt trội: chi phí vừa phải, không tốn công chăm sóc, ít bị sâu bệnh tấn công và trên hết là giá bán cao, ổn định. Theo đánh giá của phần lớn bà con nông dân, hiệu quả kinh tế khi trồng hẹ cao hơn hẳn so với trồng lúa hay những cây rau màu khác.
Cách đây 2 năm, gia đình ông Nguyễn Xuân Duệ (trú tại xóm 6, xã Nam Xuân, Nam Đàn) chỉ trồng có 200 m2 hẹ, nhưng nay đã mở rộng gấp 4 lần.
“Những năm trước, gia đình tôi làm quần quật cũng chỉ đủ ăn; năm nào gặp hạn hán, thiên tai thì mất hết. Kể từ khi đưa cây hẹ vào SX thì thấy lợi ích hơn hẳn, không tốn quá nhiều công sức mà thu nhập lại cao”, ông Duệ cho biết.
Được biết, mỗi ha hẹ cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Vì thế, UBND xã Nam Xuân đã xác định đây sẽ là cây trồng chủ đạo trong xây dựng kinh tế nông thôn của địa phương thời gian tới.
Huyện Hưng Nguyên có 1.000 ha diện tích đất bãi ven sông Lam, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng lạc, ngô, kê, vừng… và các loại rau ngắn ngày. Nhờ áp dụng tiến bộ KHKT, đặc biệt là biết tận dụng lợi thế ngay trên chính vùng đất thường xuyên bị bủa vây bởi lũ lụt, hạn hán, địa phương sớm thoát khỏi tình trạng độc canh cây lúa để hình thành nên những cánh đồng chuyên canh cho thu nhập cao; biến vùng bãi bồi sông Lam thành “mỏ vàng”, tạo cơ hội cho người nông dân làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Nhằm khuyến khích bà con, huyện Hưng Nguyên đã quyết định trích ngân sách gần 1 tỷ đồng xây dựng 40 mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả. Ví dụ như mô hình trồng ớt ở Hưng Nhân, trồng cà rốt ở Hưng Khánh, trồng bí xanh ở Hưng Long...
Dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với hướng đi đúng đắn, phù hợp, huyện Tương Dương đang được kì vọng tạo nên cú hích trong xây dựng NTM. |
Ông Phan Văn Trường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hưng Nguyên, phấn khởi cho biết: “Chúng tôi khuyến khích các xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và vận động các hộ thực hiện dồn điền đổi thửa. Song song với đó, huyện đang tích cực kết nối với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng NN - PTNT cùng vào cuộc, hỗ trợ người nông dân để họ tự tin SX. Đây sẽ là tiền đề vững chắc để xây dựng NTM”.
Ở các xã miền núi cao, tư tưởng làm kinh tế để tăng thu nhập đang trở thành phong trào được nhiều hộ dân hưởng ứng nhiệt tình, nổi bật trong số đó phải kể đến huyện Tương Dương.
Nhờ thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ những chương trình thiết thực như 134, 135… và trên hết là ý thức thoát nghèo, bà con dần từ bỏ thói quen du canh du cư, đốt nương làm rẫy (giảm từ 80% xuống 30%) trước kia để chú tâm vào SX.
Mô hình nuôi dê ở Tương Dương
Ngay từ ban đầu, chính quyền xã Thạch Giám (huyện Tương Dương) xác định lấy tiêu chí thu nhập làm trọng tâm trong xây dựng NTM. Địa phương không đầu tư tràn lan mà có kế sách cụ thể, trong đó ưu tiên áp dụng những mô hình kinh tế cho thu nhập cao.
Sau một thời gian ngắn triển khai, hàng loạt mô hình mới ra đời và kết quả thu được hết sức đáng mừng (nuôi lợn thịt, nuôi dê hàng hóa, nuôi lợn đen, nuôi dúi, trồng rau, trồng chuối tiêu hồng…)
Chỉ sau 3 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, nếu như năm 2010 chỉ đạt mức 4 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2013 đã là 13,7 triệu đồng/người/năm. Đời sống nhân dân ngày một no ấm, sức sống NTM nhờ đó mà lan tỏa đến từng ngóc ngách làng bản.
Việt Khánh
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn