Nông nghiệp, NTM Long An 5 năm qua ghi được những dấu ấn rất tốt đẹp trong sự phát triển chung của tỉnh; ông có thể khái quát lại đôi nét những thành tựu này?
Trong giai đoạn 5 năm (2010 - 2015) vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, HĐND và UBND; ngành NN&PTNT đã nỗ lực thực hiện hoàn thành cơ bản các mục tiêu. Các chỉ tiêu tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM đều đạt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng bình quân 3,5%/năm, sản lượng lúa 2,75 triệu tấn/năm, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 30%. Tình hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi đã có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế từng vùng sinh thái; lúa vẫn là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, tình hình chuyển đổi cải canh cải tiến trên đất lúa diễn ra mạnh mẽ, có trên 10.800 ha đất lúa chuyển sang trồng thanh long, chanh, bắp, mè... đã đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần thành công tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng cao, giá trị cao, có trên 60% diện tích sử dụng giống xác nhận, 30% sản lượng lúa chất lượng cao, giống lúa IR 50404 được khống chế ở mức 10 - 15%.
Nhìn lại chặng đường xây dựng NTM, điều tâm đắc nhất của ông là gì?
Khi bước vào thực hiện NTM, Long An gặp nhiều khó khăn: Số tiêu chí NTM đạt thấp (bình quân 6 tiêu chí/xã; một số xã chỉ đạt 3 tiêu chí). Hầu hết các xã đều chưa đạt tiêu chí thu nhập và các tiêu chí cơ sở hạ tầng: giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư… nguồn ngân sách rất khó khăn, hạn hẹp; nhận thức của cán bộ, nhân dân về NTM còn hạn chế.
Tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng NTM để thúc đẩy phát triển kinh tế - Ảnh: Lê Hoàng
Tuy nhiên, với sự tập trung lãnh đạo, điều hành của các cấp, các ngành, công tác tuyên truyền vận động được đẩy mạnh, nhân dân đồng tình hưởng ứng, qua 5 năm thực hiện tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật: Toàn tỉnh có 43/166 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 25,9%, vượt 5,9% so chỉ tiêu đề ra (36 xã). Số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 14,3 tiêu chí/xã; thu nhập của người dân nông thôn 32,2 triệu đồng/người, tăng hơn 2 lần so năm 2010 (15,6 triệu đồng/người).
Vừa qua, tại Lễ tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Long An vinh dự được Ban chỉ đạo Trung ương chọn là tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Điều nổi bật nhất, tâm đắc nhất về kết quả đạt được của Chương trình này là Long An đã huy động được toàn dân tham gia vào thực hiện xây dựng NTM; cơ sở hạ tầng nông thôn 5 năm qua phát triển rất nhanh; đưa diện mạo, sức sống của nông thôn lại thay đổi mạnh mẽ như hiện nay.
Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm, sáng kiến và những quyết sách để hoàn thành mục tiêu này trong giai đoạn 2016 - 2020?
Đạt được kết quả này là có sự đóng góp rất lớn của người dân và cộng đồng dân cư và để minh bạch cho người dân trong việc tham gia đóng góp, cũng như giám sát việc sử dụng các nguồn vốn trong xây dựng NTM, nhất là nguồn vốn do người dân đóng góp.
Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cho 16 nhóm dự án (công trình), trong đó 8 nhóm dự án được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% tổng mức đầu tư, đó là: Quy hoạch xây dựng NTM cấp xã; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức NTM; xây dựng trụ sở xã; đường đến trung tâm xã, liên xã, trục xã và cầu giao thông trên các trục đường này; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao xã và xây dựng nghĩa trang nhân dân.
8 nhóm dự án còn lại ngân sách nhà nước hỗ trợ 30 - 80% tổng mức mức đầu tư, phần chi phí còn lại 20 - 70% được huy động từ sự đóng góp tự nguyện của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Đây được xem là cách làm sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tế xây dựng NTM của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Tái cơ cấu nông nghiệp luôn song hành với xây dựng NTM. Là tỉnh nông nghiệp, kiến nghị của ông để tạo điều kiện cho địa phương, thưa ông?
Chúng tôi cũng có kiến nghị đến Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các mặt hàng nông sản của cả nước nói chung, của tỉnh nói riêng. Tăng cường công tác dự báo thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại để thực hiện Hội chợ triển lãm Ngành ở khu vực ĐBSCL. Riêng năm 2016, hỗ trợ Long An thực hiện Hội chợ Tam Nông Long An lần 2/2016.
Bên cạnh đó, cũng đề nghị với Bộ NN&PNT Phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính có biện pháp kìm chế giá thức ăn chăn nuôi tăng cao để tránh làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người dân. Có chính sách bình ổn giá thị trường, đảm bảo giá sản phẩm có lợi cho người chăn nuôi để duy trì và phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Làm việc với các doanh nghiệp tiêu thụ sữa để sớm có hợp đồng tiêu thụ sữa cho các hộ nuôi mới...
Trân trọng cám ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn