Không có bao bì hoặc bao bì chưa hấp dẫn là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm TCMN của Việt Nam có giá trị thấp
Bao bì vẫn được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TCMN hiểu đơn giản là “chiếc vỏ” chứa đựng và bảo vệ sản phẩm. Tuy nhiên theo chuyên gia thiết kế trong lĩnh vực TCMN- Vũ Hy Thiều, bao bì còn mang nhiều chức năng khác như định lượng, trưng bày, tiện dụng, tạo sự khác biệt. Đặc biệt, bao bì còn có chức năng làm tăng giá trị sản phẩm.
Nói về chức năng đặc biệt này, bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh - cho hay, bao bì có vai trò rất quan trọng, sản phẩm có bao bì đẹp, thể hiện được thông điệp, giá trị có thể tăng gấp 3, 4 lần.
Khác với sản phẩm công nghiệp, bao bì cho sản phẩm TCMN rất đa dạng về kích thước, mẫu mã. Việc thiết kế bao bì liên quan trực tiếp đến sản phẩm, từ phôi, thành phẩm đến thông điệp. Khi thiết kế cần đưa logo, nhãn hiệu của doanh nghiệp lên bao bì nhằm quảng bá thương hiệu, đồng thời chống làm giả, làm nhái.
Cập nhật các xu hướng mới trong thiết kế bao bì, ông Nguyễn Đức Sứng- Phó trưởng Ban Đào tạo- Hiệp hội làng nghề Việt Nam -nhấn mạnh, thiết kế bao bì sản phẩm chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa nguyên liệu, cấu trúc, màu sắc và hình thức trình bày cùng nhiều yếu tố khác nhằm thu hút nhiều nhất bằng thị giác của khách hàng. Trên thị trường hiện đang phổ biến 5 xu hướng thiết kế bao bì, gồm: Xu hướng thiết kế đơn giản; mô hình và hình học đơn giản; thiết kế cổ điển; thiết kế sống động và hấp dẫn lâu dài; thiết kế bền vững và dấu chân carbon.
“Thiết kế bao bì cần có khuynh hướng tập trung phát triển mối quan hệ với khách hàng tiêu dùng cuối cùng, tạo ra sản phẩm mang yếu tố cá nhân hơn, hấp dẫn, thu hút sự lựa chọn của khách hàng hơn”-ông Nguyễn Đức Sứng nói. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN trong nước chưa chú ý đúng mức tới bao bì sản phẩm. Phần lớn bao bì sản phẩm của các cơ sở hiện nay vẫn rất đơn giản, mẫu mã theo lối mòn và không thể hiện hết chức năng cần có. Đây cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm TCMN của Việt Nam tuy đẹp nhưng chưa hấp dẫn mạnh mẽ người tiêu dùng và giá trị còn thấp.
Hơn nữa tại thị trường trong nước, số doanh nghiệp có khả năng thiết kế, sản xuất bao bì cho sản phẩm TCMN rất hiếm hoi, có chăng cũng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Từ câu chuyện thực tế của Quang Vinh, bà Hà Thị Vinh chia sẻ, công ty ký hợp đồng bán sản phẩm bao gồm cả bao bì với một khách hàng lớn của Mỹ. Hai bên đã bàn bạc thống nhất về mẫu mã, chất liệu bao bì. Tuy nhiên, khắp khu vực phía Bắc không tìm được doanh nghiệp sản xuất. Tiến về khu vực phía Nam, công ty tìm được 1 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất nhưng không phải là doanh nghiệp Việt Nam mà là doanh nghiệp Hàn Quốc.
Trước hiện trạng đó, đại diện Công ty TNHH Quang Vinh kiến nghị, nhà nước có giải pháp hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp sản xuất bao bì nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm, trong đó có sản phẩm TCMN. Nghiên cứu và ban hành các dữ liệu, tiêu chuẩn phù hợp cho sản xuất bao bì sản phẩm TCMN.
Bao bì được thiết kế đẹp sẽ tạo được sự nổi bật so với các sản phẩm cùng loại, giúp tiếp cận khách hàng tốt hơn và tăng giá trị cho sản phẩm. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn