Thái Bình: Một số kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh Tân
Thứ ba - 14/10/2014 05:21
Tháng 7 năm 2013, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Bình trao bằng chứng nhận là xã đầu tiên của tỉnh đạt 19/19 tiêu chí, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Những kinh nghiệm và cách làm chủ động, sáng tạo của xã Thanh Tân đã được nhiều đơn vị tới tham quan, học tập, ngoài ra lãnh đạo địa phương còn được nhiều tỉnh, thành phố, nhiều trường đào tạo cán bộ mời đến để trao đổi kinh nghiệm. Vinh dự cho xã Thanh Tân được đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước về thăm.
Đến thăm xã Thanh Tân hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và thán phục trước những đổi thay sau hơn 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ một xã thuần nông, nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp với diện tích toàn xã 512,1ha, trong đó đất nông nghiệp 350,7ha, sản xuất nông nghiệp chiếm gần 70%, thu nhập bình quân đầu người năm 2009 mới chỉ đạt 8,6 triệu đồng, hộ nghèo còn tới 13%... thì đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 28,165 triệu đồng/năm. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, các chính sách xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ hộ gia đình có công trình vệ sinh khép kín, nhà tiêu tự hoại chiếm 82%. Tỷ lệ hộ dùng nước sạch là 100%, trong đó số hộ dùng nước máy chiếm trên 90%. Dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 80%. Số hộ dùng điện sinh hoạt đạt 100%. Xã đã hoàn thành việc xoá nhà dột nát cho hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,6%. Hệ thống trường học, hệ thống nhà văn hoá xã, thôn, trạm y tế đều được xây dựng khang trang đạt chuẩn quốc gia theo quy định… Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Tân đã rút ra những bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, phải nhận thức đúng, đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nội dung xây dựng nông thôn mới của Đảng và nhà nước, từ đó xác định rõ lộ trình và công việc tổ chức thực hiện.
Hai là, công tác tuyên truyền phải xác định rõ mục tiêu cần đạt được, nội dung cần tuyên truyền, từ đó có biện pháp, phương pháp tiến hành phù hợp. Mục tiêu tuyên truyền cần đạt được đó là, làm thế nào để mọi cán bộ đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ quan điểm, nội dung, mục tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới, những công việc phải làm, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân. Tuyên truyền để cổ vũ, động viên nhân dân, để mọi người tin tưởng, phấn khởi, đồng thuận, tự giác góp công, góp sức, góp trí tuệ, xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền để tránh nhận thức lệch lạc cho rằng xây dựng nông thôn mới là xây dựng kết cấu hạ tầng, coi nhẹ các nội dung khác, tránh tư tưởng trông chờ ỉ lại vào sự đầu tư của nhà nước.
Các phương pháp, biện pháp tuyên truyền phải đa dạng phong phú, sáng tạo, phù hợp. Ngoài những hình thức vẫn làm như truyên truyền qua hội nghị, bằng pa nô, biển tường, còn có nhiều hình thức truyên truyền khác như: Khôi phục các câu lạc bộ chèo, thơ ca, thể dục thể thao, sáng tác ca khúc ca ngợi quê hương… khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người dân. Các khẩu hiệu tuyên truyền có nội dung thiết thực, gần gũi, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ cảm nhận. Trong quá trình triển khai tổ chức thục hiện gắn công tác thi đua với từng chủ đề công việc như: phong trào xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp; phong trào gia đình ăn ở vệ sinh ngăn nắp... tạo ra không khí sôi động ở địa phương.
Ba là: Phải có đội ngũ cán bộ thực sự say sưa tâm huyết, chủ động và sáng tạo: từ chủ động nghiên cứu tài liệu, làm quy hoạch, rà soát 19 tiêu chí đến kế hoạch phát động toàn dân tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới. Chủ động chọn khâu đột phá, chuyên đề như "Phát động toàn dân hiến đất mở đường, xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp", chủ động xây dựng các mô hình điểm, xây dựng các tiêu chí kèm theo mô hình. Trong quá trình tổ chức thực hiện luôn sáng tạo, linh hoạt trong công việc cụ thể.
Bốn là: Vận dụng tốt quan điểm của chính phủ về huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới bao gồm: Nguồn lực tài nguyên, nguồn lực con người, nguồn lực tài chính...
Năm là: Quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới là một nội dung rất quan trọng. Quy hoạch phải có sự tham gia của người dân thông qua quy chế dân chủ, đồng thời tiếp thu ý kiến của các sở, nghành, cơ quan cấp trên, để mỗi lĩnh vực quy hoạch mang tính khoa học cao. Khi hoàn thành quy hoạch, công tác quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch phải được thực hiện nghiêm túc.
Sáu là: Làm tốt công tác dân vận trong suốt quá trình tổ chức thực hiện. Để làm tốt công tác dân vận có 3 vấn đề đặt ra là : Mọi chủ trương của Đảng, chính quyền phải xuất phát từ tâm tư, tình cảm nguyện vọng, lợi ích của người dân. Quy trình dân chủ phải hết sức bài bản "Dân chủ càng rộng thì tập trung càng cao", phương pháp phải phù hợp.
Bề dày thành tích trong nhiều năm qua đã chứng minh phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Thanh Tân phát triển rất bền vững. Không thoả mãn với những thành tích đã có, xã Thanh Tân sẽ tiếp tục nâng cấp chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và xây dựng Thanh Tân trở thành xã đô thị loại V giai đoạn 2014-2020.