Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp
Sóc Sơn là huyện ngoại thành nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 35 km về phía bắc; 70% số dân của huyện có thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp nhưng nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân, đến hết năm 2017, huyện Sóc Sơn đã có 18 trong số 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); còn lại bảy xã chưa hoàn thành. Trong đó ba xã: Bắc Phú, Việt Long, Minh Phú phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM năm 2018. Bốn xã còn lại, bao gồm Kim Lũ, Xuân Thu, Tân Minh, Bắc Sơn phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2019.
Mục tiêu đã rõ, nhưng việc về đích đúng hạn của các xã nêu trên đang gặp phải khó khăn về tiêu chí thủy lợi. Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi huyện Sóc Sơn Nguyễn Mạnh Quân cho biết, hầu hết các công trình ở bảy xã chưa về đích NTM hiện nay được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, đến nay đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Mặc dù hằng năm vẫn có kinh phí duy tu, bảo dưỡng nhưng nguồn hỗ trợ hạn hẹp không đủ để cải tạo, nâng cấp các công trình này.
Toàn huyện Sóc Sơn hiện có hơn 225 công trình thủy lợi tưới tiêu vừa và nhỏ, 472 km kênh mương chính, 66,18 km đê các loại. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Tạ Thị Thu Trang cho biết: “Do nhiều công trình được xây dựng cách đây mấy chục năm cho nên nhiều khi chúng tôi không nắm được hồ sơ, thông số… của các công trình, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như vận hành”. Trên địa bàn huyện hiện có 164 Hợp tác xã (HTX), trong đó có 125 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, còn lại là HTX phi nông nghiệp. Do vậy, những bất cập trong công tác thủy lợi ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân, nhất là trong mùa mưa bão.
Trước sự xuống cấp của các công trình thủy lợi, từ năm 2016 đến nay, huyện Sóc Sơn đã chủ động bố trí vốn, đầu tư cải tạo, nâng cấp 37 công trình thủy lợi và kiên cố hóa gần 70 km kênh mương, thủy lợi nội đồng. Trong năm 2018, huyện cũng đã bố trí 2,9 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng của địa phương để nâng cấp một số công trình trọng điểm. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách hạn hẹp cho nên nhiều công trình thủy lợi chậm được đầu tư, tổng số công trình đầu tư còn ít, chưa thể khắc phục được những yếu kém, bất cập trong hệ thống thủy lợi.
Tìm giải pháp tháo gỡ
Huyện Sóc Sơn đang nỗ lực phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2019. Theo đó, bảy xã chưa hoàn thành các tiêu chí, trong đó có tiêu chí thủy lợi sẽ phải khẩn trương thực hiện để về đích đúng hạn. Tuy nhiên, theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, mới đây huyện Sóc Sơn đã bàn giao các công trình thủy lợi về thành phố quản lý, đầu tư. Do vậy, để hoàn thành tiêu chí này, nhiệm vụ và trách nhiệm không còn là của riêng huyện Sóc Sơn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho rằng, đối với các hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp thuộc bảy xã, trên cơ sở kiểm tra thực tế, huyện đề nghị các ngành chức năng đề xuất phương án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp nhằm bảo đảm an toàn công trình, cũng như phục vụ sản xuất nông nghiệp, an sinh xã hội, công tác phòng, chống thiên tai và góp phần xây dựng NTM trên địa bàn. Để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2019, huyện Sóc Sơn kiến nghị TP Hà Nội sớm bố trí nguồn vốn để huyện có điều kiện đồng bộ hóa hệ thống thủy lợi. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị thành phố đầu tư xây dựng thêm các dự án về thủy lợi để duy trì cũng như nâng cao tiêu chí thủy lợi tại 18 xã đã về đích NTM. Cùng với đó, phải có phương án quy hoạch đồng bộ các trục tiêu chính (tiêu nông nghiệp và tiêu sinh hoạt) trên địa bàn huyện. Nhất là các hệ thống tiêu chính vùng giữa, vùng trũng của huyện thuộc địa bàn các xã: Mai Đình, Đông Xuân, Kim Lũ, Xuân Thu, Quang Tiến, Phú Minh, Phú Cường, Phù Lỗ, Xuân Giang, Việt Long, Bắc Phú, Tân Hưng… nhằm bảo đảm công tác vệ sinh môi trường cũng như phòng, chống thiên tai.
Cùng với việc hoàn thành tiêu chí thủy lợi, thời gian tới, huyện Sóc Sơn sẽ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, từ đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm những vấn đề nảy sinh ngay tại cơ sở nhằm thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân tích cực tham gia xây dựng NTM, tập trung nhân rộng những cá nhân, hộ gia đình, tập thể điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM trên địa bàn. Bên cạnh đó, khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên thực hiện đối với các xã hoàn thành trong năm 2018 và các công trình dân sinh bức thiết. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân phải được bàn bạc lựa chọn nội dung thực hiện và mức đóng góp, nhằm phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tránh tình trạng huy động quá sức dân, đầu tư quá khả năng thanh toán của địa phương.
Theo: Hoàng Anh Thư/nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn