Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc gia nhập Công ước số 98
Thảo luận về nội dung này, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tất cả các Bộ, ngành được Chính phủ lấy ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98.
ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phát biểu (Ảnh: Quang Khánh)
Đồng tình với việc cần thiết gia nhập công ước, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhấn mạnh, trước hết, việc Việt Nam tham gia công ước phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta phù hợp với Hiến pháp Việt Nam, nhằm hướng tới xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và hướng tới chuẩn mực cao nhất của thế giới, trong thị trường hiện đại đó có thị trường rất quan trọng, rất đặc biệt đó là lao động. Vì là đặc biệt nên thị trường lao động không phải được điều chỉnh bởi một cá nhân mà còn bởi cơ chế thương lượng tập thể giữa 2 bên tổ chức công đoàn và tổ chức người sử dụng lao động. Do đó, tham gia vào công ước này chính là chúng ta xây dựng khung khổ pháp luật, để bảo đảm cho thỏa ước thương lượng tập thể cho quá trình thương lượng tập thể được công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ cho các tổ chức cá nhân không bị đối xử bất bình đẳng. Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng, Hiến pháp của chúng ta, ĐB Vũ Tiến Lộc nói.
Ngoài ra, việc tham gia công ước phù hợp với lộ trình chủ động Nhà nước về việc tham gia các hiệp định quốc tế, các Điều ước quốc tế. Năm 2015, Chính phủ đã có chương trình hành động để tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến xã hội và lao động, trong đó nêu rõ Việt Nam sẽ tham gia điều ước này. Việc tham gia đáp ứng vào yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam. Thời gian qua tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động có nhiều cố gắng, tuy nhiên thương lượng tập thể vẫn chưa thực sự hiệu quả, điều này chưa thực sự bảo đảm được quyền lợi của người lao động cũng như quyền lợi của giới chủ. Thực tế cũng đòi hỏi chúng ta cần nâng cấp hệ thống pháp luật liên quan đến thương lượng tập thể. Việc tham gia đáp ứng với yêu cầu hội nhập của chúng ta. Bởi chúng ta tham gia ILO thì phải chấp nhận các điều ước mà họ thông qua. Việc tham gia công ước nhằm bảo đảm cạnh tranh lao động.
Đồng tình với tờ trình của Chủ tịch Nước về việc gia nhập công ước, song ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đề nghị: cần làm rõ hơn một số vấn đề. Theo đại biểu, Tổ chức Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là người đại diện cho người lao động, tới đây chúng ta sẽ thành lập các tổ chức đại diện người lao động thì cần làm rõ, cơ sở pháp lý là gì? ĐB Vũ Trọng Kim đề nghị, đại diện của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam nói rõ chương trình hành động của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam khi tham gia công ước này và các công ước có liên quan? Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam đã sẵn sàng để tham gia vào quá trình hợp tác với các tổ chức xã hội chưa, hoặc có sẵn sàng mời các tổ chức tham gia tổ chức của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam hay không? ĐB Vũ Trọng Kim đặt câu hỏi.
ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) phát biểu (Ảnh: Quang Khánh)
Trong khi đó, ĐBQH Vũ Tiến Lộc đề nghị, cần luật hóa trong các quy định pháp luật của chúng ta để bảo đảm bình đẳng giữa hai chủ thể trong thương lượng tập thể giữa tổ chức của người lao động và tổ chức của người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tái cơ cấu lại Quỹ công đoàn, hiện Quỹ này là 2%. Cơ chế quản lý và vận hành quỹ này trong tương lại như thế nào, bởi theo đại biểu, khi có nhiều tổ chức của người lao động thì không thể là lập quỹ công đoàn được. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị không thể là quỹ công đoàn mà phải là Quỹ lao động. Để quản lý Quỹ này thì cần có vai trò của nhà nước, công đoàn và tổ chức của giới sử dụng lao động, ĐB Vũ Tiến Lộc đề nghị.
Trong khi đó, để chuẩn bị lộ trình thực hiện, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề nghị, cần tiếp tục quan tâm đầu tư cụ thể hóa, luật hóa trong Bộ Luật lao động về vấn đề thương lượng. Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra giám sát cả về thực hiện pháp luật lao động cả về thực hiện pháp luật về đầu tư. Ngoài ra, cần phải quan tâm tới việc phối hợp giữa ba bên Tổng Liên đoàn, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc phối hợp rất tốt trong việc chăm lo, bảo vệ người lao động.
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) phát biểu (Ảnh: Quang Khánh)
Cũng theo ĐB Ngọ Duy Hiểu, Công đoàn cũng phải tiếp tục đổi mới. Hiện nay Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam đang trình cơ quan có thẩm quyền đề án đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn, xây dựng rất nhiều các chương trình bám sát yêu cầu của Hiệp định CPTPP cũng như đổi mới công đoàn Việt Nam trước yêu cầu mới cũng như đổi mới hệ thống chính trị. Trước bối cảnh mới của công đoàn, các cấp uỷ, chính quyền, các bộ ngành sẽ cùng quan tâm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết các vấn đề về tổ chức công đoàn, nhất là địa phương có đông công nhân lao động, tình hình quan hệ lao động phức tạp, ĐB Ngọ Duy Hiểu đề nghị.
Theo PV/http://www.molisa.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn