Hiện Quảng Ninh có hơn 100 DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Các DN này đã và đang đi tiên phong trong việc thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ lạc hậu, góp phần không nhỏ trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Tuy nhiên, hiện các DN cũng đối mặt với không ít những khó khăn, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Vai trò hết sức quan trọng
Ông Hoàng Đình Sáu, Phó trưởng Ban Xây dựng NTM Quảng Ninh cho biết, DN đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự thành công trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bằng những hành động thiết thực, thời gian qua các DN trong tỉnh đã tập trung giúp đỡ và hỗ trợ các địa phương triển khai Chương trình xây dựng NTM dưới nhiều hình thức như ủng hộ về tinh thần và vật chất; đầu tư trực tiếp về nông thôn; cam kết sử dụng lao động; tiêu thụ nông sản…
Có thể nói, việc thu hút DN tham gia vào Chương trình xây dựng NTM có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội.
Hoạt động của các DN ở khu vực nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ thuần nông sang một cơ cấu kinh tế đa dạng hơn, tạo ra việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn, giúp người dân tăng thu nhập.
Nhiều khó khăn
Tuy nhiên cũng theo ông Sáu, việc thu hút DN vào đầu tư vào “tam nông” còn gặp rất nhiều khó khăn do đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro. Ngoài ra cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
“Cơ chế quản lý về đất đai còn nhiều bất cập, đất phục vụ SXNN còn manh mún, nhỏ lẻ, gây cản trở cho việc phát triển SX quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Bên cạnh đó, lực lượng lao động ở nông thôn chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng đòi hỏi ở trình độ cao đối với cả đội ngũ quản lý và lao động trực tiếp…”, ông Sáu nói.
Một vấn đề cũng hết sức quan trọng đang đặt ra đối với các DN, đó là thiếu vốn cho SX. “UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng nhằm khuyến khích DN tiếp cận nguồn vốn phục vụ SX. Song thực tế cho thấy, tỷ lệ các DN được tiếp cận nguồn vốn chưa nhiều. Nguyên nhân cơ bản là chưa có các dự án đầu tư kỹ lưỡng, thủ tục chưa hoàn chỉnh, hoặc thiếu tài sản thế chấp…
Để “mạnh tay” thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, tỉnh Quảng Ninh đã giao cho các ngành chức năng dự thảo chính sách. Ngoài các nội dung đã quy định trong Nghị định 210 của Chính phủ, một số nội dung phù hợp với tình hình thực tế sẽ được tỉnh Quảng Ninh bổ sung.
Đó là các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp dù ở thành thị hay nông thôn đều được hỗ trợ như nhau. Các chính sách hỗ trợ san lấp mặt bằng, thuê đất, thuê mặt nước; nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ tối đa 50% chi phí san lấp mặt bằng và không quá 10 tỷ đồng/dự án; nhà đầu tư được áp dụng đơn giá thuê đất bằng 0,5% giá đất theo mục đích sử dụng (Nghị định 210 quy định là 1%).
Lãi suất ngân hàng cũng sẽ được ưu đãi với mức hỗ trợ là 6%/năm theo số dư nợ thực tế; một số dự án đặc biệt ưu đãi, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng.
Ngoài ra, dự thảo còn có một số điểm khác biệt so với Nghị định 210 trong hỗ trợ nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu và chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ; phát triển vùng trồng trọt tập trung, cây dược liệu; hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm; hỗ trợ cơ sở chế biến thông nhựa, dược phẩm, thực phẩm chức năng; thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thức ăn nuôi trồng thủy sản; đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu khai thác hải sản xa bờ... VĂN NGUYỄN
Theo: nongnghiep.vn