TS. Nguyễn Văn Hảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho biết: Qua nghiên cứu đề tài Các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng nuôi ở ĐBSCL cho thấy, thuốc diệt giáp xác thuộc nhóm pyrethroid là một trong những nguyên nhân chính gây ra hội chứng hoại tử gan tuỵ.
Trong đó, hoạt chất Cypermethrin có thể là tác nhân vi sinh hoặc tác nhân độc làm cho tôm chết. Bởi qua điều tra và phân tích tại các ao nuôi không sử dụng sản phẩm chứa hoạt chất Cypermethrin cũng có hiện tượng tôm chết hàng loạt.
Trong 11/20 mẫu thu tại các ao này vẫn phát hiện ra Cypermethrin. Theo TS Hảo, điều này chứng tỏ, người dân không biết hoặc vô tình trong quá trình thay nước cho ao nuôi đã lấy nước từ các ao có sử dụng hoạt chất Cypermethrin hoặc sử dụng mà không biết.
Ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: “Kể từ tháng 3.2012, các sản phẩm có chứa Cypermethrin (cùng với Deltamethrin) đã bị cấm sử dụng và đưa ra khỏi ra khỏi Danh mục các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, Cypermethrin hiện vẫn được sử dụng ở trong nhiều lĩnh vực thú y, động vật trên cạn, trong y tế, và bảo vệ thực vật (BVTV), khiến việc kiểm soát tồn dư của Cypermethrin tại các vùng nuôi thủy sản hết sức khó khăn. Cũng theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, Cypermethrin là loại thuốc trừ sâu thông dụng được dùng phổ biến trên thế giới vì độc tính bình thường, khả năng phân hủy trong môi trường khá nhanh.
Để quản lý tốt hơn hoạt chất Cypermethrin, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng đề nghị Cục BVTV cần có nghiên cứu cụ thể để Hội đồng khoa học của Bộ sẽ đưa ra quyết định có cấm sử dụng này không. Trước mắt, đề nghị không cho đăng ký thương phẩm mới có hoạt chất này và trên các sản phẩm phải ghi rõ cấm không sử dụng nuôi trồng thủy sản.
Thanh Xuân
danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn