Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe ý kiến và trao đổi với người dân xã Nam Giang - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nam Giang là một xã trọng điểm du lịch của huyện Nam Đàn. Xã có 2 cụm công nghiệp với 3 doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động. Song song với việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì xã tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, như sản xuất sản phẩm mây tre đan, tranh đá. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Nam Giang đã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới từ năm 2014 và cho đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới được duy trì thường xuyên, thực chất. Thu nhập bình quân đầu người của xã tăng từ 25 triệu đồng lên 34 triệu đồng vào năm 2015. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh chỉ còn 3,5%. Tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch tăng từ 70% lên 100%.
Lắng nghe ý kiến và trao đổi với người dân xã Nam Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Nam Giang là xã có truyền thống cách mạng nên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã cần tiếp nối truyền thống quý báu đó, xây dựng Nam Giang ngày càng phát triển. Thủ tướng biểu dương xã có tiến bộ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, người dân đã thấu hiểu, ủng hộ chủ trương này, tự nguyện hiến đất, góp ngày công, góp phần xây dựng cơ sở vật chất trên địa bàn. Thủ tướng ấn tượng về đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Trong đó, 100% người dân được sử dụng nước sạch. Bộ mặt nông thôn của xã có sự đổi thay lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm xã nông thôn mới Nam Giang - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Góp ý vào việc xây dựng nông thôn mới của xã, bên cạnh các yếu tố về cơ sở hạ tầng điện, đường, trường trạm, Thủ tướng nêu rõ: “Cái gốc của nông thôn mới là thu nhập, đời sống của người nông dân phải tốt hơn”. Do đó, cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã cần bám sát mục tiêu này.
Đi liền với đó là chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới, nhất là nông nghiệp, để tạo giá trị sản xuất cao hơn. Nam Đàn có một số khu, cụm công nghiệp, vì vậy, chính quyền địa phương cần tận dụng để chuyển đổi nghề nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.
Thủ tướng cũng lưu ý bộ máy chính quyền và tổ chức chính trị trên địa bàn về tinh thần phục vụ nhân dân, chứ không chỉ đơn thuần là quản lý.
“Khi mỗi gia đình có việc này việc kia thì cần có hệ thống chính trị đến động viên, thăm hỏi người dân về vật chất, tinh thần để họ cảm thấy ấm áp khi có Đảng, có Nhà nước, hệ thống chính trị bên cạnh”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh trong quá trình phát triển, từng hộ dân trong xã cần làm gương trong việc bảo vệ môi trường sống.
“Trong quá trình phát triển, chúng ta giữ gìn môi trường sống ở xã nhà, đặc biệt vấn đề rác thải nông thôn hiện nay. Tôi mong xã Nam Giang làm gương trong vấn đề này. Từng gia đình gương mẫu trong việc gìn giữ nông thôn sạch sẽ, ngăn nắp. Đến Nam Giang là thấy được môi trường sống của người dân rất tốt đẹp. Xã Nam Giang giữ được tấm gương đó cũng rất quý. Mà hiện nay xã có những cụm công nghiệp và những làng nghề tập trung, vấn đề rác thải cũng rất lớn. Xã nhà nên có một kế hoạch giữ gìn môi trường sống cho bà con, để ai tới Nam Giang đều khen, tuy xã có khó khăn về vật chất nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, người dân thân thiện lắm, môi trường sống tốt lắm”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình trang trại của ông Nguyễn Tuấn Anh ở xóm 8, xã Nam Giang - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng cũng nêu vấn đề về công tác bảo vệ an ninh trật tự. Chính quyền địa phương cần quan tâm công tác này để giữ gìn sự yên bình cho người dân. Bên cạnh đó, cũng cần giữ gìn truyền thống văn hóa, gia đình hòa thuận, hiếu thảo, tình làng nghĩa xóm, đây cũng là một nét của nông thôn mới, chứ không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất mà cần chú ý cả đời sống tinh thần.
Thủ tướng đã đến thăm mô hình trang trại của ông Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1964, ở xóm 8, xã Nam Giang. Với diện tích khoảng 6 ha ở vùng đồi khô cằn, trang trại trồng chủ yếu là chanh, với sản lượng 60 tấn chanh/năm, cho doanh thu cao nhất khoảng 1,2 tỷ đồng/năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây lưu niệm tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và khảo sát tiến độ triển khai Dự án Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Đây là khu công nghiệp thứ 7 của VSIP tại Việt Nam, khởi công từ tháng 9 năm ngoái. Khu công nghiệp này có diện tích 750 ha, trong đó dành 370 ha cho khu công nghiệp và 380 ha cho khu đô thị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát Dự án Cảng Cửa Lò - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Sau khảo sát và nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo, Thủ tướng yêu cầu tỉnh đẩy nhanh tiến độ dự án, quảng bá tích cực đến các nhà đầu tư về những lợi thế, ưu đãi của khu công nghiệp khi đầu tư vào VSIP Nghệ An. Thủ tướng nêu rõ, VSIP là mô hình mà Việt Nam và Singapore hợp tác triển khai. Do đó, phải triển khai đúng tiến độ và hiệu quả, trở thành dấu ấn trong kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Singapore và tiến tới kỷ niệm 20 năm thành lập khu VSIP đầu tiên tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên công nhân làm việc tại Cảng Vissai Nghi Thiết - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo: Đức Tuân/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn