Tuy nhiên, hiện tỉnh vẫn còn 22 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK); trong đó có 4 xã mới đạt từ 10-13 tiêu chí, 13 xã đạt từ 7-9 tiêu chí, 4 xã đạt từ 5-6 tiêu chí, riêng xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) mới đạt 4 tiêu chí nông thôn mới. Để giúp các xã này tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, vừa qua tại huyện Bình Liêu, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã phối hợp tổ chức toạ đàm “Bàn giải pháp thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại các xã ĐBKK”.
Tuyến đường thôn Nước Đừng (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) được hoàn thành có sự hỗ trợ rất lớn của Vinacomin. |
Theo báo cáo, từ năm 2011 đến nay, các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất triển khai tại các xã này có tổng giá trị 23.084 tỷ đồng. Tuy nhiên việc triển khai các mô hình sản xuất rất hạn chế; nhiều mô hình được triển khai nhưng hiệu quả thấp, một số mô hình chỉ hiệu quả khi có nguồn vốn hỗ trợ, nhưng không được nhân rộng khi không còn nguồn hỗ trợ. Nguyên nhân là do nhiều hộ nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước v.v.. Về vấn đề này, ông Bàn Ngọc Hương, Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Sơn (huyện Hoành Bồ), đánh giá: Bên cạnh đa phần các hộ nghèo thiếu hiểu biết về KHKT, thì khó nhất vẫn là thiếu kinh nghiệm tiếp thị bán hàng, nên thường không bán được sản phẩm do mình làm ra. Bởi vậy cần có sự hỗ trợ giữa hộ nghèo và hộ khá để họ giúp đỡ lẫn nhau. Ông Hương đưa ra mô hình trồng ba kích ở Đồng Sơn kết hợp giữa hộ nghèo và hộ khá ở xã, đã có kết quả tốt.
Ông Chíu Sáng Hiếng, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) đồng quan điểm: “Các mô hình trồng cây keo, cây quế thực hiện tốt ở Quảng Lâm do các hộ nghèo, hộ khá đều làm. Các hộ khá có điều kiện, đứng ra bao tiêu sản phẩm keo quế cho bà con, tạo đầu ra ổn định. Cũng trên địa bàn, nhiều mô hình khác, như nuôi gà đồi, ngan đen, trồng gừng chỉ hỗ trợ hộ nghèo, nên hiệu quả kém, do không tiêu thụ được. Bởi các hộ nghèo chỉ biết nuôi trồng, không biết tiếp thị, bán sản phẩm ở đâu…”.
Cũng từ năm 2011 đến nay, trong chương trình xây dựng nông thôn mới đã có 622 công trình được đầu tư ở các xã ĐBKK, tổng giá trị 1.091 tỷ đồng. Dù vậy, hiện ở các thôn vùng sâu, vùng xa, giao thông vẫn còn rất khó khăn. Nhiều thôn, bản ở các xã ĐBKK có rất ít hộ dân sinh sống, đều là hộ nghèo, cận nghèo, nên rất khó xã hội hoá làm đường giao thông. Ông Hoàng Trường Sơn, Bí thư Đảng uỷ xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) đưa ra ý kiến: Đối với một số thôn ít dân, nhiều hộ nghèo, thì cần vận động doanh nghiệp cùng vào cuộc, bởi họ có máy móc, có cán bộ kỹ thuật, những thứ mà người dân không có. Hầu hết các tuyến đường thôn, bản các xã ĐBKK cần đầu tư đều dài, qua sông suối phải bắc cầu, nên người dân dù cố gắng đến đâu cũng khó có thể làm được. Như con đường thôn Nước Đừng dài 3km ở xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) được bê tông hoá, tổng đầu tư 5,3 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Vinacomin hỗ trợ 4,8 tỷ đồng. với số tiền này, nếu chỉ dựa vào sức dân thì khó có thể hoàn thành.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi toạ đàm, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến người dân các xã ĐBKK, để họ tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho các xã khó khăn xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông. Đặc biệt tỉnh quan tâm xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung ở các địa phương, như vùng trồng dong riềng, vùng nuôi gà... Các địa phương lựa chọn cây giống, vật nuôi phù hợp, tỉnh hỗ trợ cây, con giống. Tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện khuyến khích người dân sống tập trung để dễ đầu tư cơ sở hạ tầng. Các địa phương cần cố gắng kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc; các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội CCB… cần xây dựng được phương án cụ thể giúp đỡ người dân xây dựng nông thôn mới.
Theo: baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn