Xuất thô và gia công
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển Việt Nam đóng góp hơn 50% GDP và 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Sở dĩ có những mục tiêu lớn dành cho ngành thủy sản là do tốc độ tăng trưởng rất nhanh của ngành. Sản lượng thủy sản đạt hơn 6 triệu tấn, xuất khẩu tới hơn 170 thị trường với kim ngạch hơn 6,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, ước tính gần 90% sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất dưới dạng thô hoặc gia công. Do đó, việc gắn nhãn mác lên sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào đối tác nước ngoài. Việt Nam đang là nhà xuất khẩu lớn hay là nhà gia công theo đơn đặt hàng lớn nhất? Liệu người Việt Nam có thể tự mình sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế? Một số ý kiến từng cho rằng không ít doanh nghiệp quan tâm lợi nhuận nhiều hơn thương hiệu của mình. Sản phẩm thủy sản được tiêu thụ khắp nơi mà tên tuổi của các công ty Việt Nam thì bị chìm lấp đã trở thành chuyện thường ngày.
Các hội chợ, triển lãm giúp quảng bá thương hiệu thủy sản Việt - Ảnh: Hoàng Ngọc Châu
Chúng ta có thể vui mừng khi cá tra, tôm được bán nhiều ở các châu lục, song có mấy công ty để lại dấu ấn trong lòng người tiêu dùng? Thương hiệu thường được tính ở ba cấp độ: quốc gia, ngành, nghiệp. Cả ba thương hiệu này gắn liền với nhau, trong đó thương hiệu của các nhà máy và sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm hơn cả. Vậy thương hiệu nào của Việt Nam cần được quan tâm và đầu tư? Liệu cộng đồng thủy sản có đồng lòng dồn tâm sức cho một số thương hiệu lớn đủ sức chinh phục thế giới hay chấp nhận phân tán nhỏ lẻ, yếu ớt?
Câu chuyện dài
Việt Nam đã và đang xây dựng thương hiệu với cá tra. Công việc tưởng dễ, song vấn đề không chỉ là thương hiệu cá tra Việt Nam chung chung, mà cần phải có những thương hiệu thương phẩm để dễ dàng cho người lựa chọn.
Với con tôm, cũng không khả quan hơn. Bộ NN&PTNT rất quan tâm việc xây dựng thương hiệu chung cho tôm sú Việt Nam, giúp nâng cao chất lượng, giá trị cũng như hình ảnh tôm sú. Nhưng điều đó không thể thay thế việc xây dựng các thương hiệu cụ thể của nhà máy, nhà xuất khẩu.
Không thể có một thương hiệu “Tôm sú Việt Nam” chung chung dán lên mọi sản phẩm. Bởi trong cơ chế thị trường, tự các thương hiệu trong nước cũng phải cạnh tranh với nhau. Cùng là tôm sú Việt Nam, nhưng rất có thể khách hàng chỉ lựa chọn mua của một số thương hiệu đã được thẩm định và có uy tín.
Có ý kiến khá tiêu cực cho rằng nhiều doanh nghiệp thờ ơ với thương hiệu tôm quốc gia, vì họ thấy làm điều này khó khả thi. Bằng chứng là không ít doanh nghiệp vi phạm tiêu chí xuất khẩu, bị phạt, bị hạn chế nhập khẩu. Số này như “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác. Những nỗ lực xây dựng thương hiệu chung chung như vậy không hiệu quả bằng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Vậy nên tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia hay ưu tiên cho một số thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính?
Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án khung sản phẩm quốc gia “Cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn”; trong đó, nhấn mạnh việc ứng dụng VietGAP, truy xuất nguồn gốc, tạo ra 3 - 5 sản phẩm chế biến có chất lượng, giá trị cao có thương hiệu và được công nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đây là một cách tiếp cận mới, cần được đẩy mạnh.
Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng “Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu rất cao của các tiêu chuẩn quốc tế hiện nay trong nuôi trồng và chế biến, vậy tại sao không phát triển VietGAP như một tiêu chuẩn quốc tế?”. Do đó, việc áp dụng VietGAP và xây dựng các tên tuổi lớn trong lĩnh vực thủy sản sẽ là vấn đề mà Việt Nam phải đối diện để nâng tầm của mình trên thị trường thế giới.
>> Xây dựng thương hiệu phải đi từ gốc. Nghĩa là phải bắt đầu từ nguyên liệu, dây chuyền sản xuất, đời sống công nhân, trách nhiệm đối với người tiêu dùng và trách nhiệm với chính ngành thủy sản. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn