Ngày 25-8 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với Bộ NN-PTNT và các bộ có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ Công thương, Bộ KH-CN, Bộ TN-MT để sơ kết rút kinh nghiệm sau 3 năm triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp và chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, 3 hạn chế cũng như khó khăn rất lớn của ngành nông nghiệp hiện nay là thị trường xuất khẩu của nông sản đang sụt giảm, ngay cả các loại nông sản chủ lực cũng bấp bênh về thị trường tiêu thụ. Trong khi an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông sản đang còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tổ chức sản xuất nông nghiệp khi tái cơ cấu còn chưa tốt, mặc dù đã mời gọi được doanh nghiệp vào đầu tư nhưng số lượng còn rất ít, chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra (chỉ chiếm có 1%, trong đó 90% lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp một cách mạnh mẽ, trong thời gian tới phải xây dựng 3 trục phát triển. Ở cấp quốc gia sẽ chọn ra 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên để đầu tư xúc tiến chiếm lĩnh một phần thị trường xuất khẩu. Giải pháp đột phá cho tái cơ cấu là tổ chức lại sản xuất trong đó doanh nghiệp được chọn là trụ cột của 3 trục sản phẩm.
Nhà nước sẽ hoàn thiện khung chính sách từ quy hoạch đến ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó sẽ xây dựng các chế tài quản lý cụ thể. Hiện Bộ NN-PTNT đang bàn với Bộ TN-MT xây dựng và đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về chính sách đất đai. “Phải giải quyết cho bằng được chính sách tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhảy vào nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất.
Để đạt mục tiêu cho những năm tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ngành nông nghiệp cần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng như triển khai tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn liền với phát triển thị trường, tạo ra các sản phẩm mà thị trường có nhu cầu; xây dựng các sản phẩm nông sản chủ lực; quá trình tái cơ cấu phải tính đến yếu tố thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh thiên tai ngày càng khốc liệt; phát triển các ngành nghề ở nông thôn để tạo công ăn việc làm, qua đó từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động; tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nông dân, các nhà khoa học; đầu tư cơ sở chế biến, nâng cao chất lượng nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch...
theo NDH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn