Đại Minh có gần 2.000 hộ dân thì cứ cuối tháng 4, đầu tháng 5 hàng năm có hơn 1.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng này đã kéo dài hàng chục năm nay, mà huyện, xã chưa có giải pháp giải quyết hiệu quả.
Nguồn nước ở thôn Tây Gia nhiễm phèn nặng |
Theo ông Lê Quang Thu, Phó Chủ tịch UBND xã, 3 thôn Quảng Huệ, Tây Gia và Phú Mỹ thiếu nước trầm trọng nhất. Riêng thôn Quảng Huệ, trước không có nước, phải xin nước từ công trình nước sạch được tổ chức Đông Tây Hội Ngộ xây dựng ở xã Đại Thắng, nhưng cũng chỉ được 6 - 7 tháng thì hết nước nên đã bị cắt 2 năm nay.
Chị Lương Thị Thùy Trang, thôn Quảng Huệ cho biết: “Cứ mùa hè là chúng tôi lại khốn khổ vì thiếu nước. Cả làng chắt chiu từng giọt mà không đủ. Một số hộ thử khoan giếng sâu hàng chục mét mà không tìm thấy nước. Chỉ cần tìm được chỗ nào có nước thì chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền ra khoan giếng nhưng bất lực”.
Hiện đang là đầu tháng 5, bắt đầu chu kỳ thiếu nước. Trong thôn chỉ có duy nhất 1 giếng đào nhưng nước không đáng kể, đến khoảng 3 giờ sáng là giếng khô cạn. Còn tại các thôn Phú Mỹ, Tây Gia tuy người dân có khoan giếng nhưng chất lượng nước rất kém, bị nhiễm phèn nặng, bốc mùi hôi. Dù dùng bể lọc nhưng nước cũng chỉ để tắm giặt chứ không ăn uống được.
“Nước bơm lên lúc đầu trong nhưng để khoảng tầm 30 phút là đã chuyển sang màu vàng vì nhiễm phèn. Tôi đã tìm mọi cách để xử lý nhưng cũng không thể nấu ăn hay uống được. Ngay cả bể lọc cũng phải thay cát liên tục, 1 tuần là thay 1 lần chứ không thì các lớp phèn đọng lại, tắc đường ống”, ông Phan Văn Thịnh ở thôn Tây Gia nói.
Theo đại diện xã Đại Minh, vào năm 2003, nhằm cung cấp nước sạch cho người dân, một công trình nước được xây dựng ngay sát UBND xã này nhưng sau khi hoàn thành và khảo sát lại nguồn nước thì chất lượng không đảm bảo nên bỏ không, chưa sử dụng ngày nào.
Công trình nước sạch được xây dựng từ năm 2003 nhưng bỏ không đến nay |
"Đề nghị Sở NN-PTNT có văn bản gửi Tổng cục Thủy lợi về tình hình cấp nước sinh hoạt hiện nay, đồng thời báo cáo UBND tỉnh. Thời gian tới, xã phải tận dụng các giếng mà tổ chức Đông Tây Hội Ngộ đã hỗ trợ khoan để cung cấp nước tại chỗ cho dân. Còn lâu dài thì chỉ có thể lấy nước từ hồ Khe Tân”, ông Lê Hùng Nam, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Nguồn nước và Nước sạch Nông thôn, Tổng cục Thủy lợi. |
Đến năm 2013, tổ chức Đông Tây Hội Ngộ có về khảo sát và đào thêm 6 giếng nước, đồng thời yêu cầu người dân tự đào đường ống dẫn vào nhà, đóng 300.000 đồng tiền lắp đặt đồng hồ để cung cấp nước nhưng do các bên không thể thống nhất được phương án nên dự án cũng ngừng lại.
“Nguồn nước không đáp ứng được nên rất khó thu hút nhà đầu tư về xây dựng công trình. Nhiều năm qua, các tổ chức, cá nhân về khảo sát rồi lại bỏ đi dù địa phương đã rải thảm đỏ. Huyện cũng đề xuất Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi tìm một nhà đầu tư có đủ khả năng thực hiện dự án nhưng rất khó”, ông Thu trình bày.
Ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho rằng, quan điểm của tỉnh là bằng mọi cách phải cấp nước cho dân. Trước hết tuyên truyền người dân dùng nước tiết kiệm. Một giải pháp nữa là sửa chữa lại các công trình đã có sẵn, tận dụng tối đa nguồn nước có thể khai thác được trên địa bàn.
“Đối với những địa phương thực sự khó khăn về nguồn nước, không đủ điều kiện tối thiểu về nước sinh hoạt thì huyện phải lập kế hoạch cấp nước. Giải pháp công trình không được, tìm không có nguồn nước thì chỉ còn cách chở nước về cấp cho dân. Trước mắt Chi cục sẽ tham mưu cho tỉnh, kết hợp lồng ghép trong phương án chống hạn”, ông Tý nói.
Về lâu dài, điều này đã được Quảng Nam phản ánh trong dịp làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đầu năm 2016. Cụ thể, tỉnh đề xuất được tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 dự án ADB về tổng hợp nước sạch miền Trung, bổ sung vào danh sách ưu tiên đầu tư chống hạn năm 2016 của Bộ. Trong đề xuất này, tỉnh có 5 hạng mục tiếp tục thực hiện, trong đó có công trình hồ Khe Tân.
Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi làm việc tại xã Đại Minh |
“Chỉ có lấy nước ở hồ Khe Tân mới có thể cung cấp được nước cho các vùng thiếu nước. Do đặc điểm dân cư sống không tập trung, sức đầu tư công trình rất lớn nên tỉnh đã trình HĐND ban hành nghị quyết về cơ chế thu hút đầu tư. Tuy nhiên, đánh giá lại hiệu quả về cấp nước sạch nông thôn thì nhà đầu tư ngại vì sức đầu tư lớn, đường ống dài, nhánh nhiều”, ông Tý nói thêm.
“Trước mắt để giải quyết nước sinh hoạt cho bà con, cần xử lý những giếng khoan có sẵn và cấp nước tập trung ở bồn chứa cho dân. Về lâu dài, thực hiện phương án lấy nước từ hồ Khe Tân là rất tốt, do nguồn nước nhiều, chất lượng đảm bảo. Hồ Khe Tân có thể dẫn tự chảy nên thuận lợi. Một điều nữa, cần phải chú ý công tác quản lý và chi phí vận hành cho hệ thống cấp nước, vốn là điều mà nhà đầu tư rất quan tâm”, ông Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện KHTL miền Trung - Tây Nguyên. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn