Tại các tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi cao nhất đứng ở mốc 88.000 đồng/kg, tuy nhiên, mức phổ biến vẫn khoảng 80.000-84.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), giá thịt lợn đã giảm hơn nhiều so với trước và lượng hàng đủ đáp ứng cho nhu cầu người mua.
Theo đó, giá bán lẻ tại chợ từ 120.000 đến 180.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, giá thịt vai và thăn khoảng 140.000 đồng/kg; thịt ba rọi cao hơn với từ 150.000 đến 160.000 đồng/kg, sườn non 170.000 đồng/kg. Mức giá này được các tiểu thương cho biết cao hơn nhiều so với thời điểm Tết năm ngoái.
Trong khi đó, tại chợ Nhổn (quận Nam Từ Liêm), giá các mặt hàng thịt lợn thấp hơn ở chợ Nghĩa Tân từ 5.000-10.000 đồng/kg. Theo lý giải của các tiểu thương tại đây, chợ Nhổn gần với một số chợ đầu mối nên mức giá thịt lợn "mềm" hơn so với các chợ ở nội đô.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhìn nhận trong dịp Tết Canh Tý 2020, TP cần hơn 22.000 tấn, trong khi nguồn cung trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 14.000 tấn (60%). Số thiếu hụt đã được các địa phương lân cận cam kết hỗ trợ cho Hà Nội, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng sẵn sàng cùng TP cung ứng đủ thịt heo. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra các kho và đơn vị chăn nuôi lớn để tránh tình trạng găm hàng.
Theo bà Lan, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường ở Hà Nội đều khẳng định giảm giá thịt lợn thấp nhất 5% so với giá thị trường.
Cũng trong cao điểm Tết, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, cho biết đã chỉ đạo lực lượng QLTT các địa phương, trong đó có TP Hà Nội, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc vào Việt Nam. Đồng thời, ngăn chặn việc xuất lợn lậu sang Trung Quốc làm ảnh hưởng đến giá cả trong nước.
Thông tin từ các thương lái cho biết từ cuối tuần qua, lợn hơi xuất bán tại các thị trường trên cả nước đã giảm thêm vài ngàn đồng/kg. Theo đó, miền Bắc hiện còn 82.000 đồng/kg, miền Trung và miền Nam từ 78.000-80.000 đồng/kg.
Sở dĩ giá lợn hơi giảm trên cả ba miền là nhờ nguồn cung đang khá dồi dào. Nhiều trại nuôi lợn trước đây găm hàng, chờ đến Tết, giá tăng mới bán. Tuy nhiên, giá lợn của các công ty lớn có vốn đầu tư nước ngoài cả tháng qua vẫn ổn định nên các trại lợn phải bung hàng ra bán. Từ đó, lượng lợn vượt trọng lượng (quá lứa), từ 120 kg/con trở lên đang được các trại bán ra khá nhiều.
Hiện giá bán lợn hơi của các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CP) ổn định mức 83.000 đồng/kg, Japfa 77.500-80.000 đồng/kg, Emivest 80.000 đồng/kg, CJ 79.000-80.000 đồng/kg.
Giá lợn tại các chợ đầu mối tại TP HCM đã ổn định cả tháng qua. Giá lợn mảnh tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn đang từ 93.000-103.000 đồng/kg. Theo chợ đầu mối này, lượng heo về chợ đang tăng khá cao so với trước đây một tháng, từ 280 tấn lên 419 tấn/ngày.
Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP, cho biết từ ngày 20 đến 24-1, CP giảm 10% giá lợn mảnh tại hệ thống 765 cửa hàng bán lẻ của CP Pork Shop trên cả nước. Từ mức giảm này, cửa hàng sẽ giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng.
Ngày 20-1, tại chợ Cồn, TP Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Tí (kinh doanh mặt hàng nem chả) cho biết giá thịt lợn đã ổn định. "Do giá thịt lợn đang cao, nhiều người chuyển sang các mặt hàng thay thế khác nên sức mua không bằng năm ngoái" - bà Tí nói.
Dự kiến, từ sau 25 tháng chạp, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dịp Tết nguyên đán của Đà Nẵng lên 1.800-2.000 con/ngày. Để giải quyết nhu cầu thịt lợn tăng đột biến trong dịp Tết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã yêu cầu Sở Công Thương có kế hoạch tăng điểm bán hàng bình ổn giá thịt lợn trong 5 ngày sát Tết nguyên đán.
Đà Nẵng có gần 20 điểm bán thịt lợn bình ổn giá, có thể cung ứng 10%-15% tổng sản lượng tiêu thụ mặt hàng này mỗi ngày, đặt tại các chợ lớn, khu vực đông người dân có thu nhập thấp, giá bán thấp hơn 5.000 đồng/kg so với thị trường.
Brazil muốn đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn đông lạnh sang Việt Nam
Các doanh nghiệp xuất khẩu tại Brazil tiếp tục xuất khẩu mạnh hơn sang thị trường Việt Nam với mong muốn giữ vững thị trường rất quan trọng ở khu vực châu Á.
Bộ Công Thương cho biết, mới đây, tại trụ sở Hiệp hội thịt (lợn, gà), Brazil, Thương vụ Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, đã đang và mong muốn tiếp tục xuất khẩu các sản phẩm thịt lợn, gà sang Việt Nam.
Ông Ricardo Joao chủ tịch Hiệp hội cho biết, hiện Trung Quốc đang tăng cường đẩy mạnh nhập khẩu tất cả các loại thịt từ Brazil, làm nguồn cung xuất khẩu thịt của Brazil giảm mạnh. Đồng thời kéo theo giá cả các mặt hàng thịt tại Brazil tăng tới trên 20%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Brazil vẫn tiếp tục xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường Việt Nam với mong muốn tiếp tục giữ vững các mối khách hàng và giữ thị trường rất quan trọng ở khu vực châu Á.
Theo số liệu của Bộ Kinh tế Brazil, năm 2019, trị giá xuất khẩu thịt lợn của Brazil sang Việt Nam đạt 24,2 triệu USD, tăng 87%, xuất khẩu thịt gà đạt 24.5 triệu USD, tăng 16% so với năm 2018.
Hiện tại, Brazil có 66 nhà máy chế biến thịt các loại nằm đã được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật vào Việt Nam nhưng chỉ có 18 nhà máy chế biến thịt lợn.
Vì thế, Brazil mong muốn tiếp tục mở rộng thị trường tại Việt Nam. Ngoài việc đề nghị Thương vụ tiếp tục giới thiệu doanh nghiệp nhập khẩu tiềm năng từ Việt Nam, một số doanh nghiệp cũng đề nghị hỗ trợ theo dõi, thúc đẩy tiến trình phê duyệt đăng ký các nhà máy sản xuất được phép xuất khẩu sản phẩm thịt vào Việt Nam.
Hàn Quốc dành cho Việt Nam hạn ngạch hơn 55.000 tấn gạo
Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và 5 đối tác WTO (gồm Úc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, và Việt Nam), về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan và Thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan.
Như vậy, kể từ ngày 1/1/ 2020, bên cạnh việc phân bổ 20.000 tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu. Hàn Quốc bảo đảm áp dụng cơ chế phân bổ hạn ngạch phù hợp với quy định của WTO và không gây ra tác động hạn chế nhập khẩu.
Hàn Quốc bảo đảm việc đấu thầu gạo theo cơ chế hạn ngạch thuế quan được tiến hành phù hợp với thông lệ quốc tế. Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA) là cơ quan đầu mối tiến hành đấu thầu hàng năm theo hình thức cạnh tranh để nhập khẩu lượng hạn ngạch riêng của Việt Nam cũng như của các nước khác được phân bổ.
Để tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường Hàn Quốc từ cam kết này, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam để kịp thời thông tin cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về kết quả này.
Cùng với đó, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có thể tìm hiểu, tham khảo thêm thông tin về thị trường Hàn Quốc, cơ chế hạn ngạch thuế quan, cơ chế đấu thầu tại trang thông tin điện tử của MAFRA để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và chủ động theo dõi, tham gia các đợt đấu thầu do MAFRA tổ chức.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong quá trình thực hiện hạn ngạch thuế quan, tham gia các đợt đấu thầu, nếu gặp phải các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh, các tổ chức, cá nhân, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có thể gửi thông tin về Bộ Công Thương để Bộ kịp thời tham vấn với Hàn Quốc./.
Theo Thanh Tâm( tổng hợp)/kinhtenongthon.vn