Tại khu trồng hoa hồng ở tổ 11, phường Bình Minh, thành phố Lào Cai, những ngày đầu năm mới nhộn nhịp không khí lao động sản xuất. Bà Vũ Thị Tiên có nhiều năm gắn bó với nghề trồng hoa hồng, cho biết: Không khí Tết chỉ thực sự đến vỏn vẹn trong đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết. Đó là lúc gia đình bà đoàn tụ các thành viên ở nhà để cùng làm mâm cơm tất niên cuối năm và cúng thần linh, gia tiên sáng mùng một Tết, còn lại cả gia đình dành thời gian để chăm sóc, thú hái hoa. Năm nay cũng vậy, sau thời gian tất bật với mâm lễ cúng đầu năm và sum vầy vui vẻ bên con cháu, trưa ngày mùng 1 Tết cả hai ông bà đã có mặt trên khu trồng hoa với hơn 1 vạn gốc hồng các loại.
Gác lại chuyện Tết, bà Tiên sớm ra đồng chăm sóc, thu hoạch hoa hồng. Ảnh: Báo Lào Cai
“Nhiều cành hoa hồng bắt đầu cho thu hái, trong khi nhu cầu hoa đi lễ đầu năm lớn, nên đành phải gác lại công việc việc nhà mà tranh thủ ra đồng ruộng thu hoạch. Giá bán hoa đầu năm dù không tăng so với ngày cuối năm, nhưng đây toàn khách hàng quen trên địa bàn thành phố, nên không thể bỏ mối dù đang là ngày Tết”, bà Tiên chia sẻ.
Đối với vợ chồng anh Đào Văn Lực và chị Phạm Thị Tình thì đây là năm thứ hai cả gia đình phải ở lại “ăn Tết cùng hoa”. Vốn quê ở huyện Mê Linh (thành phố Hà Nội) có kỹ thuật và kinh nghiệm trồng hoa, nên cả hai vợ chồng lên xã Cam đường (thành phố Lào Cai) thuê hơn 2 mẫu ruộng cấy lúa của người dân sang trồng các loại hoa hồng, hoa cúc. Anh Đào Văn Lực chia sẻ, do phải thuê đất trồng hoa, vả lại giá thuê nhân công lao động ở đây khá cao, vì vậy, tất cả công việc từ chăm sóc, thu hái đến vận chuyển cho khách trên địa bàn thành phố Lào Cai đều do hai vợ chồng anh đảm nhận. Những ngày nghỉ Tết của phần lớn người dân lại là thời gian thật sự bận rộn của những người trồng hoa như anh.
Còn anh Đặng Văn Tịch, thôn Tòng Chú 2, xã Cốc San (Bát Xát) đang tất bật với vườn hoa hồng, hoa cúc rộng hơn 2 mẫu. Anh Tịch chia sẻ: Ngay trưa mùng 1 Tết, tất cả các thành viên gia đình đã phải tranh thủ ra vườn tập trung thu hoạch những cành hồng, cành cúc để kịp cho khách đặt trước tết để họ bán cho khách đi lễ đầu xuân. Theo anh Tịch, thời tiết năm nay khá thuận lợi, nên những cây hoa hồng ít sâu bệnh hại, còn các luống hoa cúc phát triển tốt, nở mạnh đúng vào dịp trước Tết và ngày đầu xuân.
Tại cánh đồng trồng rau ở các xã như: Gia Phú, Sơn Hải, Sơn Hà (Bảo Thắng); Cốc San, Quang Kim (Bát Xát); Vạn Hòa, Cam Đường (thành phố Lào Cai), từ ngày mùng 1 Tết, nông dân đã sớm ra đồng thu hoạch các loại rau phục vụ thị trường dịp đầu năm. Chị Hoàng Thị Lan, xã Cốc San cho biết: Công việc nhà nông không cho phép chúng tôi vui xuân, đón Tết kéo dài, bởi các loại rau, màu đã trồng không thu hoạch sẽ quá lứa và ảnh hưởng đến khung thời vụ của vụ gieo trồng tiếp theo. Gia đình tôi tranh thủ sáng sớm ngày mùng 2 Tết tập trung thu hoạch rau xà lách, su hào, hành hoa, rau mùi để kịp phiên chợ sớm ở đầu năm và cũng là giải phóng đất chuẩn bị cấy lúa xuân. Giá rau bán dịp đầu năm mới luôn cao hơn so với ngày thường, giúp gia đình có thêm một khoản tiền từ thu hoạch rau đầu năm.
Nông dân xã Cốc San (Bát Xát) thu hoạt rau phục vụ thị trường đầu năm. Ảnh: Báo Lào Cai
Theo chị Trần Thị Minh ở xã Gia Phú (Bảo Thắng), nông dân trồng rau như chăm con mọn, nên chỉ nghỉ được ngày mùng 1 Tết, chiều mùng 2 chị đã phải ra vườn tưới nước, nhổ cỏ và thu hái rau bán cho các thương lái đưa đi các chợ vào sáng mùng 3 Tết. Bởi theo kinh nghiệm của chị, nhiều gia đình sẽ làm lễ hóa vàng, cúng tổ tiên vào ngày này, nên năm nào thương lái cũng về sớm thu mua.
Quế xuân tươi nắng mới
Đến nay, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) có 274 hộ dân đăng ký trồng quế hữu cơ với diện tích hơn 200 ha, chủ yếu ở Khe Mạng, Làng Than, Làng Chạng, Thượng Sơn.
Đồi quế hữu cơ để dành làm của hồi môn cho cô cháu nội của ông Lò Văn Khẹo. Ảnh: Báo Yên Bái.
"Thì cũng có thể ngồi được chục mâm phòng khách…” - ông Lò Văn Khẹo ở thôn Làng Than, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên đáp lời khen về ngôi nhà của gia đình. Tựa lưng vào đồi quế, ngôi nhà ba tầng khang trang hoàn thành cách đây hai năm, chỉ riêng tiền công ông trả thợ đã gần 400 triệu đồng. Người thanh niên lúc 28 tuổi là ông những năm 80 thế kỷ trước đã cần mẫn khai phá, lặng thầm gieo hạt "mỗi mảnh một tý rồi nhân rộng ra đôi chục héc - ta” mới có cuộc sống hôm nay.
Ông Khẹo khoe hồi tháng Bảy, hai vợ chồng vừa đi du lịch Thái Lan: "Tiêu vèo bốn chục triệu đồng nhưng vui, thích! Hộ chiếu mười năm, bà Ương vợ tôi cứ bảo chỉ lo không có đủ sức mà vi vu”. Chạy đi đôi phút, ông trở lại với quyển sổ chép hai bài thơ tự sáng tác sau lần đầu tiên đi du lịch nước ngoài có tựa đề "10 thấy” và "10 mong”. Sang sảng giọng ông: "Một mong trong túi có tiền, đi chơi du lịch khắp ba miền nước ta, kiếm được quyển hộ chiếu ra thăm nước ngoài”.
Cười khà khà, ông bảo có quế sẽ có tiền. Vụ ba, vụ tám năm 2019, bán 5 tấn quế vỏ khô, nhà ông được hơn 300 triệu đồng và nhận thưởng 5 triệu đồng. Thưởng này doanh nghiệp thu mua dành cho hộ bán sản phẩm quế hữu cơ đạt tiêu chuẩn.
Vị thế của cây quế ngày càng nâng cao bởi giá trị kinh tế và văn hóa mang lại, đóng góp cho sự thay đổi, phát triển của Phong Dụ Thượng. Đồng chí Lò Văn Mạnh - Chủ tịch UBND xã vui mừng thông tin, năm 2019 giá quế trên thị trường tăng cao nên nguồn thu từ quế đạt hơn 20 tỷ đồng, năm 2018 là 18 tỷ đồng.
So sánh các năm, chưa bao giờ giá quế cao và nhiều biến động như năm 2019, vụ ba dao động từ 45.000 - 59.000 đồng/kg quế vỏ khô, vụ tám là 55.000 - 62.000 đồng. Đặc biệt là chính sách ưu đãi của Công ty cổ phần Visimex đối với sản phẩm quế hữu cơ của các hộ dân: thu mua theo giá thị trường, thưởng thêm 500.000 đồng/ tấn quế vỏ tươi và 1 triệu đồng/ tấn quế vỏ khô. Theo con số thống kê từ cơ sở thu mua của Visimex, chị Nguyễn Thị Phượng cho biết, vụ ba năm 2019 đã thu mua hơn 68 tấn quế vỏ khô đạt tiêu chuẩn hữu cơ và đã trả thưởng cho các hộ hơn 68 triệu đồng.
Chính sách thưởng nhằm khuyến khích người trồng quế canh tác, sản xuất, thu hoạch sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Tổ chức Helvetas Việt Nam đã triển khai hỗ trợ người dân trên địa bàn xã Phong Dụ Thượng là vùng nguyên liệu của đối tác Visimex về công tác tập huấn, hướng dẫn.
Đến nay, có 274 hộ dân đăng ký trồng quế hữu cơ với diện tích hơn 200 ha, chủ yếu ở Khe Mạng, Làng Than, Làng Chạng, Thượng Sơn. Chủ tịch Lò Văn Mạnh chia sẻ về kế hoạch mỗi năm trồng mới 200 ha quế thì một nửa số đó sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ: "Xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, an toàn trở thành tất yếu để mở rộng thị trường tiêu thụ, giá trị sản phẩm nâng cao, bảo vệ môi trường bền vững. Chủ trương của địa phương sẽ tạo điều kiện, phối hợp, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả”.
"Chín thấy ngày xưa nương ót rừng vầu, ngày nay rừng quế xanh xanh khắp nơi” - lời ông Khẹo vang ngân cùng tiếng suối Ngòi Hút róc rách trước cửa nhà. Quế sạch của nhà ông Khẹo, nhà Pú, nhà nhà thêm cơ hội thông mở đường tới nhiều thị trường quốc tế. Họ tự hào có mình, có nhau, có cộng đồng cùng hun đúc khát vọng đẹp đẽ. Và chắc chắn, những chuyến bay du lịch nước ngoài sẽ rộng dài hơn không riêng chỉ với vợ chồng ông Khẹo...
Màu xanh cây trái trên đất Quỳnh Nhai
Quỳnh Nhai - Mảnh đất huyền thoại bên dòng sông Đà, với nhiều lễ hội truyền thống giàu bản sắc văn hóa, nơi có mặt hồ thủy điện rộng mênh mông, là điều kiện để người dân phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và du lịch. Bây giờ, về Quỳnh Nhai trên những nương đồi đang được phủ một màu xanh của các loại cây ăn quả. Những chùm hoa đơm bông, kết trái tỏa hương thơm hứa hẹn một mùa bội thu, tạo đà cho cuộc sống người dân thêm khởi sắc.
Nông dân xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) trồng cây ăn quả trên đất dốc. Ảnh: Báo Sơn La
Trao đổi với ông Ngô Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện được biết, huyện đã tập trung rà soát diện tích cây nông nghiệp kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây ăn quả tập trung gắn với trồng cây dược liệu dưới tán tại các xã dọc lòng hồ thủy điện Sơn La. Đồng thời, xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân trồng cây ăn quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. T
hực hiện lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ cải tạo vườn tạp, cũng như định hướng cây trồng, dự báo thị trường để xác định hướng đi trong tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc “được giá, mất mùa”. Đến nay, toàn huyện có hơn 1.250 ha cây ăn quả các loại, trong đó 611 ha đã cho thu hoạch, chủ yếu xoài, nhãn, chuối, bưởi, mận... Sản lượng năm 2019 đạt 2.720 tấn. Đặc biệt, thu hút 6 doanh nghiệp, HTX tham gia trồng cây ăn quả, với tổng mức đầu tư là 180 tỷ đồng, đây sẽ là “bà đỡ” cho các hộ gia đình trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Ông Lò Văn Toản, Chủ tịch UBND xã phấn khởi: Chiềng Khay đã có nhiều đổi thay, trong đó tuyến đường nối từ quốc lộ 279 về trung tâm xã đã được rải nhựa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển hàng nông sản. Từ lợi thế về khí hậu, đất đai, một số doanh nghiệp đã về xã đầu tư mô hình trồng cây chanh leo và cây mắc ca, với quy mô hơn 100 ha. Nhiều hộ trong xã đã chuyển diện tích đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đến nay, toàn xã có hơn 150 ha cây ăn quả các loại, gồm: chanh leo, chuối, xoài, nhãn...
Đặc biệt, sản phẩm chanh leo của xã đã được trưng bày, giới thiệu tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Quỳnh Nhai. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của Chiềng Khay giảm 4,7%; xã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Điển hình trong phong trào phát triển là mô hình trồng chanh leo của gia đình anh Giàng A Lử, bản Co Que, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm; mô hình trồng chanh leo, xoài, bơ, kết hợp trồng cây xả của gia đình ông Lò Xuân Hồ, bản Phiêng Bay, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm; mô hình trồng su su, nhãn của gia đình ông Lò Văn Yêu, bản Có Nàng, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm...
Đến thăm gia đình chị Lò Thị Liên, bản Ngáy, xã Chiềng Bằng, chị Liên phấn khởi: Năm 2016, gia đình tôi được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 300 cây nhãn giống Miền Thiết. Trong quá trình trồng, chăm sóc, cán bộ khuyến nông huyện đã về hướng dẫn quy trình kỹ thuật. Vụ vừa rồi, thu hoạch trên 1,4 tấn quả, bán được hơn 40 triệu đồng. Tận dụng cây chưa khép tán, gia đình tôi trồng thêm rau màu, dưa hấu, ớt, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Gia đình tôi đã đăng ký trồng thêm 13.000 m² cây xoài, cây táo.
Những nương đồi phủ màu xanh của cây ăn quả đã làm thay đổi diện mạo bức tranh nông nghiệp, nông thôn của huyện Quỳnh Nhai, tạo đà để nông dân trong huyện tiếp tục mở rộng diện tích tại các xã vùng lòng hồ với trên 500 ha. Trong quá trình đó, huyện sẽ có nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp về đầu tư trồng cây ăn quả trên các đảo nổi vùng lòng hồ, gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp trồng cây ăn quả xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tem truy xuất đối với sản phẩm quả an toàn, gắn với hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm quả tại các hội chợ nông sản an toàn, Tuần lễ nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh.
Mùa mật ngọt ở Lạc Sỹ
Sau những ngày "ngủ đông”, trong tiết xuân ấm áp, cây cối đâm chồi, nảy lộc, kết nụ, đơm bông, cũng là thời điểm mùa ong ở Lạc Sỹ (Yên Thủy, Hòa Bình) sinh sôi, cho nhiều mật ngọt và chất lượng mật thơm ngon nhất. Nghề nuôi ong đã giúp nhiều hộ dân ở đây thoát nghèo bền vững và mang đến cho khách hàng gần, xa những giọt mật thơm ngọt, quý giá.
Từ trung tâm huyện Yên Thủy, vượt qua hơn 20 km đường dốc ngoằn ngoèo, chúng tôi đến xã Lạc Sỹ, vùng đất có 530 hộ, hơn 2.300 nhân khẩu, đa số là đồng bào dân tộc Mường cùng gắn kết, chung sống ở 5 xóm. Chỉ tay về những cánh rừng bạt ngàn, Bí thư Đảng ủy xã Lạc Sỹ Bùi Văn Quynh chia sẻ: "Cả xã có 2.500 ha rừng, thu nhập chính của người dân từ trồng rừng, nuôi ong và nuôi lợn bản địa. Toàn xã hiện có 808 đàn ong. Thức ăn của ong là các loại hoa rừng, hoa keo nên chất lượng mật ong ở Lạc Sỹ rất thơm ngon và được khách hàng gần xa ưa chuộng.
Cấp ủy, chính quyền xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) thăm hỏi, động viên các hộ trên địa bàn duy trì và phát triển nghề nuôi ong. Ảnh: Báo Hòa Bình
Ở Lạc Sỹ, người nuôi ong biết tính mùa hoa để "gây” ong giống sao cho vòng đời ong nở ra đúng thời điểm lấy mật. Vào đúng vụ hoa keo, theo chu kỳ 10 ngày mỗi cầu ong sẽ quay mật 1 lần. Những năm được mùa, mỗi đàn ong có thể cho từ 10 - 14 lít mật. Ông Bùi Văn Dựng ở xóm Nghìa cho biết: Gia đình tôi có 15 đàn ong, bình quân mỗi năm thu hoạch được 150 lít, giá bán khoảng 200.000 đồng/lít. Đến thời điểm này cả xã đã "cháy hàng”, mỗi nhà chỉ để lại số lượng mật nhất định để duy trì đàn ong trong thời tiết lạnh giá”.
Nhẹ nhàng nhấc một cầu ong lên kiểm tra, ông Dựng chia sẻ: "Nghề nuôi ong đòi hỏi sự cầu kỳ nếu không cẩn thận, tỷ mỷ ong rất dễ bỏ tổ. Nghề nuôi ong cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu mưa nắng thất thường thì sản lượng mật giảm, thậm chí có những năm còn bị mất mùa. Vì thế năm nào rét quá thì phải ủ ấm, mùa hè nóng bức thì phải tạo cho không gian thoáng mát”. Tuy nhiên, vốn đầu tư để nuôi ong mật không quá cao, lại không mất nhiều diện tích đất, nguồn thức ăn chủ yếu sẵn có trong rừng, nên nuôi ong trong điều kiện "mưa thuận, gió hòa” là hướng phát triển kinh tế thiết thực và hiệu quả.
Với tổng số 50 đàn, gia đình ông Bùi Minh Sàn ở xóm Sào Hót là hộ nuôi ong nhiều nhất ở Lạc Sỹ, ông Sàn cho biết: "Hằng ngày, phải chăm sóc đàn ong tỉ mỉ và khoa học với nhiều công đoạn như tạo ong chúa, tách đàn, quản lý đàn ong theo mùa… Sản lượng mật khai thác được nhiều hay ít phụ thuộc vào hai yếu tố: thời tiết thuận lợi, trời nắng đẹp, mật hoa đặc thì ong sẽ lấy mật nhanh; đàn ong phải khỏe, trong thùng phải bảo đảm có từ 8 - 10 cầu ong thì khai thác mật mới nhanh. Nuôi ong muốn mật nhiều và chất lượng thì không thể ngồi yên một chỗ. Khi hết mùa hoa phải biết dưỡng ong, cho ăn thêm thức ăn để nuôi ong và tạo mật.”
Dù chưa thành lập hội hay câu lạc bộ, nhưng khi phong trào nuôi ong phát triển đã tạo nên sự gắn kết giữa những người có cùng sở thích ở Lạc Sỹ. Từ đó, những hộ nuôi ong mới vào nghề được những người có kinh nghiệm trao đổi, hỗ trợ về kỹ thuật. Những hộ hoàn cảnh khó khăn được các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp để vay vốn đầu tư sản xuất. Đặc biệt các hộ nuôi ong ở Lạc Sỹ luôn bảo ban nhau giữ vững "thương hiệu”, để mật ong Lạc Sỹ là sản phẩm đặc sản có giá trị cao trong lòng khách hàng. Hơn nữa được sự hỗ trợ của tổ chức "Tầm nhìn thế giới”, mấy năm gần đây mật ong Lạc Sỹ đã có vỏ chai, nhãn mác riêng cho đặc sản quê mình.