Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến cuối tháng 7/2016, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của các TCTD (không bao gồm dư nợ của NHCSXH và NH Phát triển Việt Nam) đạt khoảng 900.000 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm. Có thể thấy nguồn vốn cho lĩnh vực tam nông vẫn đang được các NHTM quan tâm ưu tiên, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Ảnh minh họa |
Vốn tín dụng đã, đang giúp kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đổi mới theo hướng liên kết, hợp tác. Những mô hình liên kết, hợp tác hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thu nhập của nông dân.
Song những người làm chính sách vẫn đang suy ngẫm khi tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp, nông thôn 5 năm (2011-2015) chỉ đạt 3,1%/năm, thấp hơn so với thời kỳ 2006 - 2010 là 3,39%/năm. Nguồn vốn đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm 5,2%. Thực tế cho thấy, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách được phân bổ chưa đồng đều, tập trung chủ yếu vào phát triển các công trình thủy lợi.
Nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp chủ yếu là nguồn vốn tín dụng của các TCTD, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực này luôn đạt mức cao trong những năm qua, nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu vay vốn của nhà nông.
Giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu đặt ra là phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, vững bền, phát huy lợi thế so sánh, tăng năng suất, chất lượng, tăng giá trị gia tăng… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Những câu chuyện xung quanh các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ về chương trình cho vay thí điểm phục vụ sản xuất nông nghiệp mang lại thành công.
GS. Võ Tòng Xuân đã gửi tâm thư tới tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Trong đó, GS. Võ Tòng Xuân bày tỏ mong muốn có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp. Và ông cho rằng các DN đầu ra đóng vai trò rất quyết định trong quá trình này. Nhà DN đầu ra và ngành nông nghiệp sẽ phụ trách việc đào tạo nông dân đổi mới có tay nghề sản xuất theo chuẩn VietGAP và theo dõi đôn đốc nông dân suốt quá trình sản xuất.
Đề xuất của vị giáo sư hàng đầu về nông nghiệp có điểm trùng với những mô hình liên kết, sản xuất theo chuỗi trong nông nghiệp mà NHNN, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT triển khai trong hơn 2 năm qua với 22 dự án, số tiền các NHTM giải ngân hơn 7.333 tỷ đồng.
Cũng chưa thể khẳng định mọi dự án đều mang lại thành công, nhưng nếu như có sự thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp thì về tín dụng cho tam nông trong tương lai cũng phải khác. Trong đó đặc biệt quan tâm cho vay các dự án sản xuất nông nghiệp theo chuỗi để đảm bảo hiệu quả và bền vững.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng trong phát triển và hội nhập kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ông Tiết Văn Thành – Tổng giám đốc Agribank – đơn vị chủ lực cho vay lĩnh vực tam nông cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp về nguồn vốn, tài chính và các chính sách ưu đãi khác để thu hút vốn, khuyến khích các TCTD tăng cường đầu tư vốn tín dụng cho tam nông, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm tăng cường quy mô tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đi đôi phối hợp nguồn vốn tín dụng với các nguồn lực tài chính đa dạng khác, tạo bước đột phá trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện ưu đãi cho các TCTD có tỷ trọng lớn về đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như cho phép họ mở rộng mạng lưới ở địa bàn vùng sâu, vùng xa để tăng cường tiếp cận, phục vụ khách hàng…
Như vậy, cho vay lĩnh vực tam nông trong thời gian tới không chỉ là hướng vào kinh tế hộ mà sẽ đầu tư vào các dự án lớn, ứng dụng khoa học công nghệ để có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập.
Chí Kiên
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn