Đây là hoạt động nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
BTV: Mở đầu chương trình xin được gửi tới Bộ trưởng câu hỏi của ông Lê Văn Tuyên, Bí thư Đảng ủy xã Tuấn Hưng, Huyện Kim Thành, Tỉnh Hải Dương: Thưa Bộ trưởng, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Nông nghiệp, nông thôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và Chính phủ sẽ có những giải pháp đầu tư xứng đáng cho lĩnh vực này. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp đó đã được xác định như thế nào và lộ trình triển khai các giải pháp?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thưa nhân dân, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có giải pháp quan trọng là thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cứ sau 5 năm, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tăng gấp đôi. Giai đoạn 2006 2010, Chính phủ bố trí 47% nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ để dành cho nông nghiệp, nông thôn, riêng vốn đầu tư qua Bộ giai đoạn 2006 - 2011 đã tăng 2,2 lần.
Đồng thời với việc tăng vốn đầu tư, Chính phủ đã chỉ đạo hàng loạt cơ chế chính sách triển khai trên diện rộng, nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng to lớn. Có thể nói, những kết quả phát triển nông nghiệp, nông thôn những năm gần đây có tác động trực tiếp từ Nghị quyết Trung ương 7 của Đảng.
Độc giả Lê Anh Thư ở Vĩnh Phúc: An ninh lương thực là vấn đề hệ trọng của quốc gia, tuy nhiên hiện nay đất sản xuất của nông dân đang ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các khu đô thị, khu công nghiệp, dự án, sân gôn. Như vậy liệu có thể thực hiện được các mục tiêu về đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao đời sống nông dân như các nghị quyết của Đảng đã đề ra hay không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đây là vấn đề rất quan trọng, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng nhận thấy vấn đề này và có những nghị quyết về kiểm soát chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp.
Đặc biệt trong phiên họp Chính phủ vừa qua, Chính phủ đã thông qua một Nghị định về tăng cường quản lý đất lúa, nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội là tới năm 2020, nước ta có tối thiểu 3,8 triệu ha đất lúa.
Mặt khác, nhà nước cũng có nhiều chính sách nhằm tăng cường phát triển sản xuất lương thực các loại.
Bà Nguyễn Thị Bé ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang: Chính phủ đã có kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long để giúp nông dân không bị rơi vào tình trạng được mùa, rớt giá như những năm trước đây, nhưng với cách tổ chức thu mua như hiện nay thì chỉ có doanh nghiệp là hưởng lợi vì vừa mua gạo với giá thấp vừa được hưởng lãi suất ưu đãi. Còn đối với nông dân, tuy bán lúa lãi được 30% vẫn không đủ để cải thiện cuộc sống do diện tích nông hộ quá ít. Bộ trưởng đã có sự quan tâm như thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện tăng mua và tạo ra nhu cầu trên thị trường, góp phần duy trì giá, thậm chí tăng giá thu mua lúa cho nông dân. Thực tế, dù mới triển khai, nhưng giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã nhích lên.
Để giúp bà con nông dân tăng thu nhập, thu nhập ổn định, Chính phủ đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác.
Đối với những người trồng lúa, Chính phủ đang tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình thủy lợi, đảm bảo sản xuất ổn định, tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao cho nông dân những giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn, có giá bán tốt hơn, đầu tư cho khâu sau thu hoạch như kho tàng và các máy móc, giúp cho bà con nông dân sản xuất hiệu quả hơn, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Chính sách thu mua lúa không hỗ trợ trực tiếp cho nông dân nhưng Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp hỗ trợ nông dân.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Độc giả Huỳnh Văn Út ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp: Hiện nay, nông dân đồng bằng Sông Cửu long đang bị thiệt hại sau thu hoạch lúa lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm mà nguyên nhân là do các địa phương còn rất thiếu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất sau thu hoạch. Thưa Bộ trưởng, ngay từ năm 2004, Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị để phục vụ sản xuất nông nghiệp, vậy chủ trương này đã được thực hiện ra sao và Bộ sẽ làm gì để để giúp các địa phương khắc phục tình trạng trên?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đúng là tổn thất sau thu hoạch của nông nghiệp nước ta, trong đó có lúa và rau màu, vẫn đang ở mức cao. Theo nghiên cứu, 12% sản lượng lúa bị tổn thất qua nhiều khâu. Do đó, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách dành riêng để hỗ trợ bà con giảm tốn thất sau thu hoạch.
Thực hiện chủ trương này của Chính phủ, từ 2004-2008 đã có hơn 30 tỉnh thành hỗ trợ tín dụng cho bà con nông dân để mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp với mức hỗ trợ từ 70-80% giá trị máy, hỗ trợ lãi suất từ 50 đến 100%. Năm 2009-2010, trong gói kích cầu, Nhà nước cũng dành hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nông dân.
Từ năm 2010 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 63 về chính sách giảm tốn thất sau thu hoạch, hỗ trợ nông dân mua các máy móc, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho tàng để tạm trữ lúa.
BTV: Thưa Bộ trưởng, ngay từ đầu chương trình, chúng tôi đã chuyển tới Bộ trưởng câu hỏi của ông Lê Văn Tuyên, Bí thư Đảng ủy xã Tuấn Hưng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Và bây giờ chúng tôi lại tiếp tục nhận được thư của ông Tuyên, ông cho biết, bà con nông dân hiện đang có mặt ở trụ sở xã để theo dõi cuộc đối thoại trực tuyến của Bộ trưởng và bà con gửi đến Bộ trưởng một số vấn đề nổi cộm ở địa phương như sau:
- Hiện nay chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp như đường giao thông nội đồng, mương máng phục vụ tưới tiêu còn rất ít, ngân sách cấp chỉ đáp ứng được từ 20% đến 50% nhu cầu, còn lại địa phương phải huy động nhân dân đóng góp, trong khi dân còn rất nghèo .
- Chính sách hỗ trợ bao tiêu sản phẩm không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, vì vậy thu nhập của nông dân bấp bênh, thu nhập thấp.
- Hiện nay ngành nông nghiệp địa phương cung ứng giống cây trồng vật nuôi thường là qua những công ty nhỏ lẻ, khi về đến cơ sở có nhiều loại giống không đảm bảo ?
- Nhiều tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Trung ương đề ra chưa phù hợp với thực tế ở địa phương. Nhất là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm…Nếu làm theo tiêu chí mới thì địa phương phải phá bỏ phần lớn cơ sở hạ tầng hiện đang sử dụng, rất lãng phí và việc xây mới sẽ rất tốn kém, sức dân không đủ để đóng góp.
Đề nghị Bộ trưởng quan tâm giải quyết những vấn đề nêu trên.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thưa ông Lê Văn Tuyên và bà con xã Tuấn Hưng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương và khán giả, việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở nông thôn là vấn đề lớn, yêu cầu nhiều công sức cũng như vốn đầu tư. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã huy động nhiều nguồn để hỗ trợ cho các vùng nông thôn, nhờ vậy bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi, nhưng so với nhu cầu của sản xuất, của đời sống vẫn còn nhiều việc phải làm. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, đặc biệt là trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đang tiếp tục huy động các nguồn để hỗ trợ trực tiếp cho các xã để tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là quá trình chúng ta muốn làm nhanh nhưng nguồn lực có hạn nên vẫn phải làm từng bước.
Về chính sách bao tiêu sản phẩm, theo cơ chế hiện nay, Nhà nước không trực tiếp bao tiêu các loại nông sản mà thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho nông dân, Nhà nước thực hiện nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân để bà con có đầu ra ổn định hơn. Gần đây nhất, Bộ đang phối hợp với các địa phương thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cũng là một trong những cách tạo đầu ra ổn định cho nông dân.
Mặt khác, chúng tôi đang tiếp tục triển khai việc tăng cường thông tin về thị trường để nông dân hiểu rõ hơn, từ đó sản xuất phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, có thu nhập ổn định hơn.
Về giống cây trồng vật nuôi, việc cung cấp giống được tiến hành theo cơ chế thị trường, Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống. Vấn đề đặt ra là phải quản lý chặt chẽ, đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, cung ứng giống có chất lượng tốt.
Về các tiêu chí nông thôn mới, hiện nay chúng ta mới đang bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Chỉnh phủ đã ban hành quy định về 19 tiêu chí nông thôn mới, với 39 tiêu chí phụ. Chúng tôi đề nghị các địa phương căn cứ vào tiêu chí đó, xác định những nội dung thiết thực nhất cho bà con, phù hợp với hoàn cảnh địa phương, từ đó huy động vốn để tổ chức triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, không nhất thiết phải phá bỏ những gì chúng ta đang có, ngược lại cần tận dụng những gì đang có. Tức là các địa phương phải rất linh hoạt, chúng ta hướng tới việc mang lại một cuộc sống tốt hơn cho bà con, chứ không phải chỉ hướng tới đạt những tiêu chí một cách máy móc.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Ông Nguyễn Văn Chi ở tỉnh Bình Dương hỏi Bộ trưởng 2 câu:Trong nhiệm kỳ công tác, Bộ trưởng đã làm được rất nhiều việc, nhưng trước tình trạng phá rừng đã đến mức đặc biệt nghiêm trọng như hiện nay thì Bộ trưởng vẫn chưa có giải pháp gì hiệu quả, các vụ phá rừng và vận chuyển gỗ lậu gần đây cho thấy không chỉ có sự tiếp tay của lực lượng kiểm lâm, mà còn có cả sự bao che của chính quyền địa phương. Điều này chắc là Bộ trưởng biết rất rõ, phải chăng căn bệnh này không còn thuốc chữa, thưa Bộ trưởng ?
Phá rừng tự nhiên để trồng các loại cây công nghiệp, điều đó thể hiện rằng chúng ta đã đổi một hệ sinh thái bảo vệ con người để lấy kinh tế nuôi con người. Tất nhiên cả hai giá trị đó đều cần thiết, nhưng dù là có lợi về kinh tế nhưng chưa chắc đã lợi về môi trường, Bộ trưởng nghĩ sao về điều này ?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Phá rừng trái pháp luật là vấn đề rất bức xúc trong xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đang khai thực hiện nhiều biện pháp để cùng các địa phương kiểm soát tình hình
Thực tế, nhiều năm qua, tình hinh phá rừng trên phạm vi cả nước nói chung đã giảm xuống. Tuy nhiên, tại một số địa phương, nhất là Tây Nguyên, tình hình phá rừng vẫn diễn ra khá gay gắt.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 1685 ngày 27/9/2011 và gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 07 ngày 8/2/2012 về các cơ chế chính sách để tăng cường bảo vệ rừng.
Chúng tôi thấy rằng, vấn đề lớn đặt ra là chúng ta cần triển khai tổ chức quyết liệt hơn, tức là cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng ở Trung ương và đặc biệt là các đồng chí ở địa phương.
Phải nói rằng, trách nhiệm trước hết của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước Đảng, trước Quốc hội, Chính phủ, trước nhân dân. Nhưng để thực hiện, chúng tôi cũng cần sự ủng hộ và hợ trợ của các bộ ngành, đặc biệt là của các đồng chí ở cấp cơ sở.
Về câu hỏi thứ hai, tôi xin trả lời như sau: Khi chúng ta triển khai thực hiện, cần rất cân nhắc, tùy điều kiện cụ thể từng nơi để có sự lựa chọn cho phù hợp, miễn là đem lại lợi ích cao nhất cho bà con nông dân và cho đất nước. Trên thực tế, nhiều loại cây nông nghiệp cũng có tác dụng giữ nước, giữ đất nhất định dù có thể không bằng rừng tự nhiên, đồng thời đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, tôi nhắc lại, chúng ta cần phải rất cân nhắc, lựa chọn kỹ tùy từng khu vực đất đai cụ thể.
Ông Phan Huy Ngọc – thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk gửi tới Bộ trưởng 2 câu hỏi:
- Nhà nước không thể giữ rừng nếu nỗ lực một cách đơn phương. Vì vậy Chính phủ đã có những chính sách thu hút người dân tham gia bảo vệ rừng, mặc dù vậy, một bộ phận không nhỏ người dân sống gần rừng nhưng vẫn rất nghèo khó, điều đó khiến họ làm ngơ trước những hành vi phá rừng diễn ra dường như công khai ở nhiều địa phương. Vấn đề này đã được quan tâm như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Vụ vận chuyển hơn 500 m3 gỗ của công ty Ngọc Hưng bị Hải quan giữ tại Đà Nẵng cho đến nay vẫn còn có nhiều ý kiến. Bộ Nông nghiệp đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao nhiệm vụ kiểm tra vụ việc này, vậy kết quả kiểm tra như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Về việc này, chúng ta đã có kinh nghiệm từ nhiều năm và đúng như ông Phan Huy Ngọc đã nêu, để bảo vệ được rừng, trước hết chúng ta phải có cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho bà con nông dân sống gần rừng tham gia bảo vệ rừng với Nhà nước.
Cách thứ nhất là chính sách giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất chính sách để nhân dân có thể hưởng lợi từ rừng, coi rừng cũng như là của mình để bảo vệ và hưởng lợi từ rừng.
Mặt khác, nhiều bà con nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống, Chính phủ có chính sách giúp bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, có thu nhập từ nguồn khác thay vì phải trông đợi nhiều vào rừng.
Về câu hỏi thứ hai, tôi xin trả lời độc giả như sau: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cử cán bộ cùng với các cơ quan chức năng để kiểm tra về vụ việc này. Đây là vụ việc liên quan đến luật pháp, xin phép độc giả là khi nào vụ việc được kiểm tra, làm rõ, có kết luận của cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ thông báo cụ thể.
Độc giả ở địa chỉ hòm thư kieudoandat@gmail.com: Kính thưa Bộ trưởng! Tôi đang công tác tại một Ban Quản lý rừng phòng hộ thuộc tỉnh Lâm Đồng xin gửi Bộ trưởng một câu hỏi ngắn như sau:
Đến nay chế độ chính sách đối với cán bộ, viên chức trong các Ban Quản lý rừng đang rất bất cập, ngoài những chính sách bình thường như các cơ quan hành chính vẫn chưa có gì thêm chính sách nào cả trong khi phải trực tiếp giữ rừng (Bảo vệ rừng tại gốc) (Xin trích thêm là đối với lực lượng kiểm lâm thì đã có nhiều chính sách khác nhau để hỗ trợ). Xin Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ có chính sách nào và thời gian đến bao lâu thì mới có chính sách mới?
Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!
Ảnh: Chinhphu.vn |
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thưa độc giả, về vấn đề này, chúng tôi đã nắm được tình hình. Đúng là có những bất cập trong cơ chế hiện hành và việc đầu tư thông qua các ban quản lý rừng để bảo vệ các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trong đó có bất cập trong chính sách cho cán bộ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đề xuất những chính sách phù hợp hơn để tạo điều kiện cho các ban quản lý đủ khả năng bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Trong năm 2012, chúng tôi sẽ trình chính sách này lên Chính phủ.
Độc giả Trần Văn Túc ở tỉnh Tuyên Quang: Thưa Bộ trưởng, bao giờ thì bảo hiểm nông nghiệp mới được triển khai trên phạm vi toàn quốc? Gia đình tôi có đàn trâu bò hơn 20 con muốn được mua bảo hiểm thì cần làm những thủ tục gì? Nếu có rủi ro thì phương thức và mức độ bồi thường như thế nào?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Chính phủ đã phân công cho Bộ Tài chính chủ trì, chỉ đạo việc triển khai thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp. Vì thế, ông Trần Văn Túc có thể liên hệ với Bảo Việt hoặc Bảo Minh, tùy theo địa phương, là 2 cơ quan được Bộ Tài chính lựa chọn thực hiện chính sách để có hướng dẫn cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Thu ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp: Nhà nước đưa ra chính sách Bảo hiểm nông nghiệp là để hạn chế rủi ro cho nông dân nhưng có một số bất hợp lý như:
- Phí bảo hiểm chiếm đến 4% giá trị mùa vụ. Mỗi công đất tính giá trị thì phải đóng đến 300.000 đồng.
- Phải đạt được quy trình sản xuất khá tốt mới được mua bảo hiểm. Do đó, đạt tiêu chuẩn trên thì hộ khá, hộ giàu mới làm được.
- Nhiều loại thiên tai thường xuyên không được bảo hiểm như: mưa to, ngập úng, giông tố, dịch bệnh mới...
Phải chăng hiện nay bảo hiểm nông nghiệp vẫn đang chỉ chọn mặt gửi vàng, chỉ tập chung vào nhóm đối tượng nông dân có điều kiện, vậy những hộ nông dân nghèo như tôi thì sẽ tiếp cận như thế nào, thưa Bộ trưởng ?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trong chính sách về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Chính phủ có chủ trương hỗ trợ bà con nông dân nghèo về phí bảo hiểm. Về những loại rủi ro và chính sách đối với rủi ro cụ thể, xin bà Nguyễn Thị Thu liên hệ trực tiếp với cơ quan bảo hiểm để được hướng dẫn cụ thể.
Cũng xin được báo cáo là hiện nay, Chính phủ đang triển khai chương trình thí điểm nên ở từng địa phương khác nhau, chỉ hạn chế đối với một số loại đối tượng và một số loại rủi ro cụ thể, chưa thực hiện bảo hiểm với tất cả các loại cây trồng vật nuôi cũng như với tất cả các loại rủi ro.
Một độc giả tại địa chỉ hòm thư: ngaymoibatdautu_doimat@yahoo.com hỏi: Thưa Bộ trưởng, hiện nay các tỉnh Tây bắc đang tiếp tục mô hình phát triển cây cao su, tuy nhiên trong qua trình phát triển cây cao su ở khu vực này cũng nảy sinh môt số vấn đề như: cây cao su bị chết, một số hộ nông dân muốn phát triển trồng cây cao su theo hình thức tiểu điền thay vì góp đất với Công ty cao su để sản xuất đại điền. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, đặc biệt với những hộ nông dân đã trồng cao su tiểu điền thì sẽ hỗ trợ họ về giống, vốn và kỹ thuật như thế nào?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đối với vùng Tây Bắc, Chính phủ chủ trương triển khai trồng cao su theo quy hoạch và trong những khu vực đáp ứng được những điều kiện nhất định. Bộ đã kiến nghị và hướng dẫn chỉ trồng ở những nơi có độ cao dưới 600m, không có sương muối phá hoại vườn cây. Mặt khác, phải trồng những giống chịu lạnh, được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, trồng đúng kỹ thuật.
Vì vậy, khi muốn phát triển cao su tiểu điền, tức là tự mình trồng, chăm sóc và thu hoạch, bà con cần liên hệ với cơ quan nông nghiệp ở địa phương để được hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là về giống và các quy trình kỹ thuật phù hợp.
Về việc một số hộ nông dân muốn phát triển trồng cây cao su theo hình thức tiểu điền thay vì góp đất với Công ty cao su để sản xuất đại điền, chúng tôi cho rằng người dân có thể thực hiện. Tuy nhiên, đề nghị bà con nên liên hệ với cơ quan nông nghiệp xem nơi mình trồng có đúng với quy hoạch và có đáp ứng những điều kiện về kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hay không.
Độc giả Vương Gia (dinhgiavuong@gmail.com): Xin hỏi Bộ trưởng 2 câu hỏi sau:
1/ Gia hạn đất nông nghiệp đến 2033 có phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp tập trung và bền vững đối với hộ gia đình khi vẫn còn thời hạn, vậy người dân sẽ không an tâm để đầu tư lâu dài? Sau 2033 thì đất đai của họ ra sao? xin bộ Trưởng cho ý kiến?
2/ Hiện nay đất nông nghiệp trong cả nước giảm do quy hoạch công nghiệp, đô thị hóa, nhưng các dự án đã đầu tư, các dự án chuẩn bị đầu tư, nhưng quy hoạch không sử dụng bỏ đất hoang có khi cả 5 -10 năm, hoặc quy hoạch treo làm người dân không an tâm sản xuất mà chỉ chờ quy hoạch dẫn đến lãng phí tài nguyên đất. Bộ trưởng có giải pháp nào cho những đối tượng sử dụng đất nông nghiệp gây lãng phí, trách nhiệm của Bộ trưởng thời gian tới về vấn đề này như thế nào?
Xin cám ơn Bộ trưởng, chúc Bộ trưởng mạnh khỏe.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thưa độc giả, hiện nay, Quốc hội đang chỉ đạo rà soát và sửa đổi Luật Đất đai 2003. Chúng ta đang chờ đợi những quy định mới của luật pháp, thể hiện nguyện vọng và ý chí của toàn dân.
Trong khi chờ luật mới được ban hành, Chính phủ trong phiên họp gần đây nhất đã kiến nghị với Đảng và Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện các quy định của Luật Đất đai 2003.
Về vấn đề hiện nay các địa phương quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị để đất bị lãng phí ở nhiều nơi, Quốc hội và Chính phủ đã có các nghị quyết, các văn bản chỉ đạo.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là việc thực hiện ở các địa phương. Các địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước, đặc biệt là làm tốt công tác quy hoạch cũng như quản lý, sử dụng những khu công nghiệp, khu đô thị đã triển khai.
Độc giả Lê Văn Hai: Xin chào Bộ trưởng Cao Đức Phát, cho tôi hỏi huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu khi xây dựng nông thôn mới thì trừ 1 tháng lương cán bộ công chức, giáo viên trong toàn huyện để xây dựng các công trình phục vụ nông thôn mới, vậy là đúng hay sai? Bộ trưởng sẽ làm gì khi thông tin đó là sai?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thưa độc giả, tôi phải tìm hiểu kỹ hơn xem chủ trương này là bắt buộc hay do địa phương vận động cán bộ công chức tự nguyện, sau đó sẽ trả lời bạn.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Bạn Dương Văn Hiền hỏi: Xây dựng nông thôn mới là rất tốt, đề nghị Bộ sớm ban hành chính sách hỗ trợ người dân để khuyến khích huy động nội lực của người dân, nên có cơ chế mở cho một số tiêu chí như nhà văn hóa xóm, tỷ lệ lao động nông nghiệp.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Xin cám ơn độc giả. Về vấn đề này, chúng tôi đã nhận được phản ánh của nhiều địa phương và chúng tôi nhất trí như hướng mà độc giả gợi ý.
Vấn đề là các địa phương phải lựa chọn để có bước đi phù hợp, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống của bà con nông dân, chứ không phải chỉ thực hiện một cách máy móc các tiêu chí. Các tiêu chí này là chung cho cả nước, nên khi áp dụng vào từng thôn xóm, từng xã cụ thể cần có lựa chọn và cân nhắc.
Bạn đọc từ địa chỉ hòm thư manhtran81@gmail.com: Ngành nông nghiệp không kiểm soát được chất lượng thực phẩm ra thị trường thời gian qua, có chăng là kiểm tra về dịch bệnh, còn không biết trong thịt heo, thịt gà mà người ta đưa ra thị trường có chất gì, dẫn đến việc người dân hoang mang, không biết ăn gì như vụ chất tạo nạc vừa qua. Vì sao lại dẫn đến tình trạng trên và Bộ sẽ làm gì để người dân yên tâm trong thời gian tới?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Vấn đề kiểm soát chất lượng các loại nông sản, thực phẩm là vấn đề lớn, đang được cả xã hội quan tâm. Ý thức được vấn đề này, Bộ đã nỗ lực từ nhiều năm nay để thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước giao, đặc biệt là thực hiện Luật An toàn vệ sinh thực phẩm mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ năm 2011.
Chúng tôi đang cố gắng xây dựng và ban hành nhiều văn bản luật pháp làm cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện. Mặt khác, chúng tôi tăng cường quản lý nhập khẩu nông sản từ nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ ba, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng bộ máy có hiệu lực, hiệu quả hơn để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trên phạm vi rất rộng. Trong khả năng của mình, chúng tôi đang cùng với địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, công việc vẫn còn rất nhiều và cần phải nỗ lực cao hơn nữa để đáp ứng mong đợi của nhân dân.
Độc giả hỏi tiếp: Vụ chất tạo nạc chỉ xảy ra ở một số cơ sở chăn nuôi làm ăn bất chính nhưng hậu quả là toàn ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng do người tiêu dùng quay lưng với thịt heo, Bộ làm gì để người nông dân không bị lỗ khi cũng vào năm ngoái Bộ kêu gọi giảm giá khi giá heo tăng lên quá cao?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Về vấn đề này chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt với các địa phương, làm rõ tình hình, công bố để nhân dân biết rõ việc vi phạm này xảy ra ở khu vực nào, tại trại chăn nuôi nào để nhân dân biết và tránh; tạo điều kiện cho những khu vực, những người chăn nuôi làm ăn đứng đắn, nghiêm túc có thể sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi.
Ông Trần Văn Doanh, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình: Tôi đọc trên báo và nghe đài được biết hiện nay tại một số xã thuộc Hà Nội và Hưng Yên, người nông dân khi hết tuổi lao động cũng nhận được lương hưu như mọi công chức viên chức đến tuổi nghỉ hưu.
Tôi năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi. Nếu như ở xã tôi có chương trình này thì tốt quá. Không biết bao giờ chương trình này mới được nhân rộng và đến được với hầu hết những người nông dân như chúng tôi.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thưa ông Trần Văn Doanh, hiện nay Nhà nước đã ban hành Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó có điều khoản quy định về bảo hiểm tự nguyện và tất cả mọi người (60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ) có đóng bảo hiểm trên 20 năm sẽ được nhận lương hưu như ông đã nêu. Việc đóng bảo hiểm đó có thể do cá nhân tự làm, có thể do hợp tác xã, hội nông dân làm như một số nơi đã thực hiện.
Tuy nhiên, những chi tiết về vấn đề này, xin ông liên hệ với cơ quan bảo hiểm ở địa phương để có hướng dẫn cụ thể.
Độc giả Nguyễn Văn Ba (vanba228@gmailcom): Kính chào bác Bộ trưởng! Bác nghĩ như thế nào về việc làm của sinh viên khối ngành nông nghiệp hiện nay. Nước ta là nước nông nghiệp, Nhà nước có chính sách phát triển ưu tiên cho ngành nghề này nhưng thực tế sinh viên ngành nông nghiệp hiện nay đang rất khó khăn trong vấn đề xin việc, mặc dù nguồn nhân lực trí thức cho nông nghiệp đang rất thiếu, đây là một nghịch lý. Hay như bản thân cháu là sinh viên tốt nghiệp ngành khuyến nông và phát triển nông thôn, được kết nạp Đảng trong trường Đại học nhưng cho đến nay chưa được làm việc cho một cơ quan nào, đến nộp hồ sơ thì các cơ quan đều trả lời đã đủ chỉ tiêu và phải chờ chỉ tiêu tiếp. Số sinh viên đã tốt nghiệp trong lớp cháu hiện đã có việc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi chúng cháu được đào tạo chỉ mong ước lớn nhất là được làm việc theo đúng chuyên môn, đem sức trẻ và kiến thức đã học được để phục vụ cho đất nước, phục vụ nông dân.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Chúng tôi rất chia sẻ với những suy nghĩ của bạn. Chúng tôi rất mong đợi và đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi thu hút các trí thức, trong đó có những trí thức trẻ về làm việc trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về vấn đề này, trong đó có quy định cấp xã có cán bộ khuyến nông, thú y, cán bộ phụ trách về nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, số lượng những cán bộ trong biên chế Nhà nước là có hạn, vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước thực hiện các chính sách thu hút doanh nghiệp về đầu tư ở khu vực nông thôn, tạo việc làm cho bà con nông dân, trong đó có cán bộ kỹ thuật ở nông thôn.
Mặt khác, tôi cũng rất mong các bạn mạnh dạn tự mình mở ra cơ sở sản xuất, ứng dụng các kiến thức mình đã học được, thu hút thêm bà con nông dân làm việc. Tôi biết nhiều bạn trẻ đã rất thành công với mô hình này mặc dù còn gặp nhiều khó khăn khi bắt tay vào công việc.
Độc giả Nguyễn Văn Dũng tại Thanh xuân, Hà Nội: Tôi được biết Thủ tướng vừa giao Bộ chủ trì soạn thảo đề án kiểm ngư. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết nội dung của đề án như thế nào, lực lượng kiểm ngư là gì, được bố trí trang bị ra sao, mục đích hoạt động? Trong tình hình vùng biển nước ta đang có nhiều diễn biến phức tạp, ngư dân gặp nhiều khó khăn khi liên tục bị bắt bớ, đòi tiền chuộc, lực lượng kiểm ngư liệu có đủ năng lực để bảo vệ ngư dân hay không?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đúng là hiện nay chúng tôi đã soạn thảo và trình lên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề án thành lập lực lượng kiểm ngư.
Nước ta có vùng biển rộng tới 1 triệu km2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với nguồn lợi hải sản trên vùng biển đó. Vì vậy, cần có lực lượng để đảm bảo thực thi các quy định của luật pháp nước ta trên vùng biển đối với các loại hải sản và đó cũng là nhiệm vụ số 1 của lực lượng kiểm ngư mà chúng tôi đang đề xuất để thành lập.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có lực lượng để phối hợp với các các lực lượng khác trên biển khi hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân trong các hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong điều kiện thiên tai. Còn việc giải quyết các tình huống tranh chấp giữa các nước, lực lượng kiểm ngư cũng có trách nhiệm tham gia.
Ông Nguyễn Văn Thăng, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội: Gia đình tôi hiện đang nuôi hơn 2.000 con vịt, trước tình hình cúm gia cầm đang trở lại, tôi đã tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình nhưng nghe nói loại dịch mới có thể kháng các loại vaccine phòng dịch H5N1 hiện đang sử dụng. Tôi rất lo lắng xin hỏi Bộ trưởng thực tế có phải như vậy không và nếu đúng là như vậy, Bộ đã làm gì để giúp nông dân bảo vệ đàn gia cầm?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: TS Hoàng Văn Năm - Cục trưởng Cục Thú y sẽ trả lời ông về vấn đề này.
Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm. - Ảnh: Chinhphu.vn |
Hiện nay, tại khu vực phía Bắc, virus cúm gia cầm đã biến đổi, vaccine chúng ta dùng trước đây là RE5 nhập từ Trung Quốc, khả năng bảo hộ trong điều kiện thí nghiệm là 70%. Tình hình cũng tương tự với miền Trung và Tây Nguyên là giống nhau. Vaccine chỉ đạt khả năng bảo hộ 100% đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhánh virus 1.1.
Chúng tôi không rõ đàn vịt của ông đã được tiêm phòng với chế độ như thế nào, nhưng nếu theo đúng quy trình thì chắc chắn đàn vịt sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Tuy nhiên, tiêm phòng chỉ là một biện pháp chứ không phải tất cả, trong điều kiện vaccine có khả năng bảo hộ chưa cao thì các biện pháp khác như an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc, nuôi cách ly là rất quan trọng.
Cục Thú y có đường dây nóng và được công bố trên website của Cục, độc giả có thể liên hệ để được hỗ trợ. Xin chúc ông thành công trong chăn nuôi.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Như TS. Hoàng Văn Năm đã trả lời, đúng là virus gây ra dịch cúm H5N1 tại miền Bắc đã có sự thay đổi, làm giảm hiệu lực của vaccine mà chúng ta sử dụng mấy năm nay. Để bảo vệ đàn vịt của mình, ông cần phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, kết hợp với tiêm phòng.
Trong trường hợp cần thiết, ông có thể liên hệ với cơ quan thú y ở địa phương hoặc Cục Thú y để được hướng dẫn. Chúng tôi có đường dây nóng và thông tin chi tiết tại trang thông tin điện tử của Bộ và của Cục Thú y.
Độc giả Lê Quang Huy từ Biên Hòa, Đồng Nai: Tình hình sử dụng chất cấm nguy hại trong chăn nuôi đang diễn biến hết sức nguy hiểm. Bộ trưởng từng tuyên bố đây là một tội ác, tuy nhiên việc xử lý còn chậm và lúng túng, trong đó việc xử lý các hành vi sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi mới đây là một ví dụ.
Bộ đã phản ứng như thế nào và vì sao không đưa ra các biện pháp kiên quyết, triệt để để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm nguy hại trong chăn nuôi?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Việc một số người lén lút sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để kiếm lợi nhưng làm hại đến sức khỏe của rất nhiều người khác là một hành vi phải lên án.
Chúng tôi kêu gọi bà con chăn nuôi không sử dụng chất cấm, đồng thời đề nghị bà con giúp các cơ quan chức năng phát hiện và tẩy chay những người buôn bán, sử dụng chất cấm độc hại này.
Về phần Nhà nước, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt một số địa phương có nhiều người sử dụng chất cấm như Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu để tăng cường việc kiểm soát. Tôi yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý một cách nghiêm khắc nhất những người cố tình vi phạm theo đúng quy định của luật pháp.
Bà Ngô Thị Thủy ở huyện Gia viễn, tỉnh Ninh Bình: Xuất khẩu gạo có thể là kế sinh nhai bền vững nhưng khó có thể là nghề làm giàu cho nông dân. Việc phát triển hoa, rau màu được tính toán như thế nào trong quá trình tái cơ cấu ngành trồng trọt?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Lúa gạo là ngành có lợi thế của Việt Nam, nhiều nơi nếu không trồng lúa gạo khó có thể trồng loại cây gì khác. Hiện nay, sản xuất lúa gạo đang đem lại thu nhập tương đối khá cho nông dân ở nhiều vùng, đặc biệt là ở vùng đồng bằng. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện ở từng nơi, nông dân cần tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn cây trồng phù hợp hơn, có thể đem lại thu nhập cao hơn.
Nhưng lựa chọn loại cây trồng nào cũng phải bám sát yêu cầu thị trường, xuất phát từ đặc điểm của địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, mỗi địa phương nên tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi lợi thế, có khả năng cạnh tranh tốt, trong đó rau, hoa cũng là một hướng Bộ đang thúc đẩy để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, từng địa phương cụ thể cần phải lựa chọn và cân nhắc cụ thể để quyết định có làm hay không.
Ông Dương Văn Hùng từ thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hỏi: Trong hội nghị FAO 31 vừa qua, Việt Nam được khuyến khích tận dụng diện tích trồng trọt kết hợp nuôi trồng thủy sản , nhưng nếu việc xử lý các loại thuốc bảo vệ thực vật không tốt sẽ ảnh hướng đến chất lượng thủy sản. Bộ trưởng đáng giá gì về đề nghị này và Việt Nam sẽ thực hiện việc này như thế nào?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Việc kết hợp lúa và thủy sản là mô hình chúng ta đã và đang thực hiện có hiệu quả. Trong 650 nghìn ha nuôi tôm ở Việt Nam, 85% diện tích được thực hiện theo mô hình kết hợp.
Tuy nhiên, đúng như FAO đã nêu, chúng ta cũng đang phát triển các lại cây trồng khác và sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật. Chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát lại danh sách các loại thuốc sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc để không ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản.
Măt khác, chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp tăng cường quản lý các loại vật tư, trong đó có thuốc bảo vệ thực vật lưu hành trên thị trường, hướng dẫn bà con nông ngư dân sử dụng một cách có hiệu quả.
Như vừa qua, ở một số nơi tại đồng bằng sông Cửu Long, bà con đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác trong ao tôm, cuối cùng tôm cũng chết.
Qua việc này, chúng tôi mong bà con nông dân theo dõi sát những thông tin và khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của các cơ quan chức năng ở địa phương để sử dụng một cách hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Thụ ở Quảng Ngãi hỏi: Đánh bắt xa bờ mang lại nguồn lợi kinh tế khá lớn, nhưng trước thực trạng an ninh trên biển cũng như giá xăng dầu tăng hiện nay, việc bám biển đang là thách thức với ngư dân. Xin Bộ trưởng cho biết sắp tới Bộ có những biện pháp, chương trình gì để giúp ngư dân bám biển cũng như việc bảo quản sau thu hoạch tốt để nâng cao giá trị kinh tế từ hải sản thu về?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng chương trình hiện đại hóa tầu cá để giúp ngư dân có phương tiện đánh bắt đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời, phổ biến, hỗ trợ ngư dân áp dụng các phương tiện bảo quản hải sản, vì nếu không bảo quản tốt sau những chuyến đi biển dài ngày, giá hải sản có thể giảm rất nhiều, có lúc tới 30% như ông nói.
Trước mắt, chúng tôi đang triển khai thực hiện những chính sách mà Chính phủ đã ban hành, trong đó có chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ, hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân xây dựng các tổ đội đoàn kết, tiếp tục nỗ lực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ngư dân, tăng cường tính hiệu quả của công tác dự báo và phổ biến về ngư trường.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Độc giả tại hòm thư thanhdat@vinati.com.vn: Canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP sẽ là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp. Vậy tại sao trong thời gian vừa qua, một số nông dân ở Tiền Giang, rút khỏi VietGAP, GlobalGAP. Đây có phải chúng ta đang đi ngược lại xu hướng thế giới hay không, Bộ trưởng có hướng giải quyết vấn đề này như thế nào? Và Nhà nước có nên can thiệp vào khâu cấp giấy chứng nhận và chuỗi cung ứng hay không?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Việc hướng dẫn và hỗ trợ nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến để có năng suất, chất lượng hiệu quả cao hơn, có khả năng cạnh tranh cao hơn là một hướng đi đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách để hỗ trợ nông dân thực hiện các quy trình này.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, chúng ta cần có các biện pháp phù hợp. Trước hết, nên tìm hiểu và nắm bắt kỹ về thị trường trước khi tổ chức sản xuất, tốt nhất là có cam kết, hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm để có đầu ra ổn định.
Mặt khác, cần có sự liên kết để tổ chức sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu làm việc hiệu quả.
Về việc Nhà nước có nên can thiệp vào khâu cấp giấy chứng nhận hay không, tôi xin trả lời như sau: việc cấp giấy chứng nhận hiện nay chủ yếu do các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội làm là chính. Tuy nhiên, Nhà nước cần thực hiện các biện pháp quản lý để đảm bảo việc chứng nhận này là xác đáng, việc thu phí cũng theo đúng quy định.
Độc giả tại địa chỉ hòm thư nguyenhoang24tg@yahoo.com.vn : Qua một thời gian dài, tôi nhận thấy có một khâu rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nó ảnh hưởng đến quá trình vệ sinh thực phẩm, chất lượng nông sản, sự bùng nổ của dịch bệnh trong sản xuất ảnh hưởng đến môi trường sống của người nông dân, chi phí trong sản xuất tăng hoặc giảm năng suất trong sản xuất đó là người bán thuốc bảo vệ thực vật.
Vai trò của người bán thuốc bảo vệ thực vật rất quan trọng như thế nhưng trong thực tế hiện nay tiêu chuẩn người bán thuốc bảo vệ thực vật rất dễ, không cần biết họ học tới lớp mấy thậm chí có người chưa đọc thông, viết thạo cứ đi học lớp bảo vệ thực vật 1 tháng là ra bán thuốc.
Tôi nhận thấy nếu người bán thuốc bảo vệ thực vật có học từ trung cấp đến đại học là giúp cho người nông dân chúng tôi rất nhiều. Đề nghị trong thời gian tới, mong Bộ trưởng nên quy định người bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ từ trung cấp chính quy trở lên để giúp người nông dân (xin đừng hợp thức hóa người đang đứng bán không có bằng cấp bằng cách tổ chức một lớp học để cấp bằng).
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tôi tâm đắc với những ý kiến mà độc giả nêu và sẽ tiếp thu. Để trao đổi sát hơn, xin mời TS Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có trao đổi với bạn.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng. |
Chúng tôi xin tiếp thu những ý kiến của bạn nêu ra vì đây là thực tế. Hiện Bộ đang giao cho Cục chuẩn bị dự thảo sửa đổi về Thông tư quản lý thuốc bảo vệ thực vật và dự thảo này đã được lấy ý kiến rất rộng rãi. Trong thời gian tới, điều kiện đối với những người buôn bán thuốc bảo vệ thực vật sẽ cao hơn và chúng tôi tin rằng sẽ đáp ứng được mong muốn mà độc giả nêu ra.
Theo hướng dự thảo sắp trình Bộ ban hành, những người buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đã thông qua lớp tập huấn 3 tháng do Chi cục Bảo vệ thực vật của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng ra tổ chức. Những chứng chỉ đó được cấp, kiểm tra định kỳ, đảm bảo những người buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có hiểu biết và phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ thực vật.
Độc giả tại hòm thư dautu.duan@bacchuongduong.com: Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang có chủ trương khai thác các dự án nằm ngoài chỉ giới thoát lũ đê sông Hồng đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 959/QĐ-UBND ngày 28/2/2011 về Chi tiết chỉ giới thoát lũ trên các tuyến sông. Chúng tôi xin hỏi:
1. Nếu khu đất nằm ngoài chỉ giới như nói trên thì doanh nghiệp có được đầu tư xây dựng hay không?
2.Nếu doanh nghiệp đầu tư xây dựng thì có phải xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay không? Đề nghị Bộ có văn bản hướng dẫn cụ thể đẻ doanh nghiệp triển khai.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Về vấn đề này, Quốc hội đã ban hành Luật Đê điều và việc sử dụng đất khu vực ngoài đê phải tuân thủ theo các quy định của Luật này. Về chi tiết, mời ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi trả lời rõ hơn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Xuân Diệu: Theo quy định tại Điều 26 Luật Đê điều về việc sử dụng bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng, nhà ở được xây dựng trên khu đất bãi sông ngoài chỉ giới thoát lũ và ngoài chỉ giới bảo vệ đê điều. Dự án đầu tư phải do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Ngoài phạm vi bảo vệ đê điều;
b) Tuân theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
c) Việc xây dựng công trình không được làm giảm quá giới hạn cho phép của lưu lượng lũ thiết kế; không làm tăng quá giới hạn cho phép của mực nước lũ thiết kế; không ảnh hưởng đến dòng chảy của khu vực lân cận, thượng lưu, hạ lưu;
d) Bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về đê điều.
Khi xây dựng, phải được UBND cấp tỉnh cấp phép. Với đê cấp 3 trở lên, phải có ý kiến đồng thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đó là những điều kiện để tiến hành việc xây dựng khu dân cư, nhà máy hoặc công trình ở khu vực nằm ngoài hành lang thoát lũ.
Độc giả Hồ Khánh Tân ở xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành, Quảng Nam: Hiện nay, nhiều vùng nông thôn đã có điện, trường, trạm... mà chưa có đường giao thông, việc phát triển bị kìm hãm. Điển hình như con đường từ UBND xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đi về thôn 2, thôn 3 dài 12 km đã 37 năm qua vẫn là đường đất với bùn, lầy, đá, dốc... mà chỉ cách thành phố Tam Kỳ chừng 10 km đường chim bay. Dân kêu xin hoài mà chưa được bê tông hóa. Bộ trưởng sẽ làm gì để giúp cho người dân chúng tôi ở đây?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý Nhà nước, chủ yếu xây dựng các chủ trương, chính sách, việc tổ chức triển khai thực hiện được phân cấp cho chính quyền địa phương, ở đây là UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Núi Thành. Tôi hy vọng các đồng chí ở Quảng Nam, đặc biệt là ở huyện Núi Thành có thể tiếp cận kiến nghị này của bạn để có hỗ trợ cụ thể.
Độc giả Phạm Đình Thái tại Hà Nội: Khu vực đất của Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ du lịch Chèm (thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam) nằm trong hành lang thoát lũ sông Hồng, cấm xây dựng, trong những năm gần đây đã cố tình xây dựng không phép trên 30 ngàn m2 các công trình, trong đó có tới gần 10 ngàn m2 nhà xưởng công nghiệp cản trở dòng thoát lũ, đe dọa nghiêm trọng an ninh, cuộc sống của người dân thủ đô.
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/2010, đại biểu Nguyễn Đình Xuân đã nêu vấn đề này và Bộ trưởng đã lĩnh hội, chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý. Nhưng cho tới nay, gần 2 năm trôi qua, Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ du lịch Chèm không những không khắc phục mà tiếp tục xây dụng mới nhiều công trình, có dấu hiệu tham nhũng.
Vậy Bộ trưởng đã chỉ đạo như thế nào và còn vướng mức gì, liệu có xử lý được hay không?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trước hết, tôi xin khẳng định với độc giả và nhân dân rằng, đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, pháp luật là thượng tôn. Chúng tôi luôn chỉ đạo để thực hiện nghiêm túc các quy định của luật pháp và không có ai ngoài vòng pháp luật.
Sau khi đại biểu Nguyễn Đình Xuân nêu vấn đề tại kỳ họp Quốc hội, tôi đã thành lập đoàn công tác gồm đại diện các cơ quan chức năng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, một số cơ quan có thẩm quyền của Hà Nội. Sau khi kiểm tra, đoàn đã có kết luận, văn bản kiến nghị đối với Hà Nội để xử lý.
Đối với Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ du lịch Chèm, tôi đã có chỉ đạo lãnh đạo của Tổng công ty kiểm tra.
Tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo thực hiện đúng quy định của luật pháp
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Xuân Diệu. - Ảnh: Chinhphu.vn |
Như Bộ trưởng đã chỉ đạo trực tiếp, nếu lãnh đạo Công ty có vi phạm thì sẽ có xử lý tiếp theo.
Độc giả Đỗ Thu Hương ở Hà Nội: Thường xuyên đi công tác ở nhiều địa phương, tôi nhận thấy hai vấn đề sau:
- Hiện nay có hiện tượng cơ sở vật chất ở các làng xã (trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, đường…) được xây dựng trước thời điểm phát động phong trào nông thôn mới, nhưng qua mỗi đợt tổng kết thí điểm, các danh mục này vẫn được liệt kê vào “thành tích” của xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng có ý kiến thế nào về hiện tượng này?
- Việc dạy nghề cho nông dân hiện nay có những địa phương đã dạy những nghề như bán hàng nhỏ lẻ, giúp việc… Theo Bộ trưởng các ngành nghề này có thiết thực không? Có nên là “sự nghiệp” của nông dân không?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Việc các xã vẫn tính những công trình xây dựng trước đây vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng phù hợp, để biết rằng xã đã có những gì và cần phải làm tiếp những công việc gì.
Nhưng nếu tính công trình đó vào thời gian thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, thì chắc là có sự nhầm lẫn.
Về câu hỏi thứ hai, việc dạy nghề trước hết phải sát theo nguyện vọng và điều kiện của bà con nông dân. Nếu bà con thấy rằng việc dạy nghề như bán hàng, giúp việc có thể giúp họ có được việc làm, thu nhập tốt hơn, tôi nghĩ rằng điều đó cũng có thể.
Tuy nhiên, đó không thể là một hướng lớn trong vấn đề tạo việc làm cho nông dân trong tương lai. Chúng tôi khuyến cáo các địa phương, các đơn vị có liên quan khi tổ chức dạy nghề cho nông dân, phải bám sát vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương để tổ chức các chương trình và lớp dạy có hiệu quả cao hơn.
Độc giả Trần Thị Lệ Thủy ở Thanh Hóa: Bộ trưởng có thể cho biết việc sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh được tiến hành như thế nào? Những sai phạm chủ yếu của các lâm trường trong việc quản lý rừng thời gian qua là gì và việc xử lý sai phạm đã được tiến hành ra sao?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các lâm trường quốc doanh là vấn đề lớn. Trước khi sắp xếp, đổi mới, các lâm trường quốc doanh quản lý hơn 4 triệu ha đất và rừng. Do nhiều nguyên nhân, tại nhiều lâm trường, rừng đã bị tàn phá trái pháp luật, đất đai sử dụng kém hiệu quả.
Trước tình hình đó, Đảng Nhà nước đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai việc rà soát, đổi mới lâm trường quốc doanh. Đến nay, đã có 136 lâm trường quốc doanh chuyển thành công ty lâm nghiệp, 96 lâm trường quốc doanh đổi thành ban quản lý rừng, 11 lâm trường quốc doanh giải thể.
Tuy nhiên, hiệu quả của việc chuyển đổi thời gian qua chưa được như mong đợi. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bên liên quan rà soát, tiếp tục đổi mới để khu vực này có đóng góp hiệu quả hơn đối với phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương cũng như cả nước.
Độc giả Đào Phương Loan tại Hà Nội: Tôi đi chợ thấy có hiện tượng nhân viên kiểm dịch đi đóng dấu chứng nhận cho gia cầm tại các quầy bán lẻ. Gia cầm đó đã được chế biến (gà, vịt đã giết mổ và làm sạch lông) bán trên sạp hàng. Vậy nhân viên kiểm dịch đóng dấu như vậy có đúng không? Cùng với đó, tôi thấy người bán phàn nàn là phiếu kiểm dịch trong ngày thu 2.000 đồng nhưng nhân viên kiểm dịch lại thu 3.000 đồng, người bán không muốn “vì 1.000 đồng mà bị gây khó dễ”. Việc làm này sẽ dẫn đến hậu quả lớn hơn là sự buông lỏng trong công tác kiểm dịch. Bộ trưởng có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Rõ ràng hành vi trên không đúng với quy định của Bộ. Chúng tôi đã chỉ đạo tất cả các địa phương rà soát, chấn chỉnh các hoạt động của cơ quan thú y có liên quan đến việc kiểm dịch giết mổ.
Mời Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm trả lời cụ thể hơn câu hỏi này.
Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm: Việc làm này hoàn toàn sai. Thực tế, mô hình giết mổ tập trung ở Hà Nội và các tỉnh nói chung chưa phổ biến, trong khi nếu đi kiểm dịch 3 con, 5 con thì rất mất thời gian. Việc kiểm dịch ở chợ đã tồn tại từ nhiều năm trước, nhưng đến bây giờ chúng ta khắc phục vẫn còn chậm và đây là thiếu sót.
Việc kiểm soát giết mổ có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời qua đó có thể phát hiện được dịch bệnh, trong đó có một số dịch bệnh nguy hiểm, từ đó biện pháp khống chế.
Còn vấn đề thu tiền như độc giả đương nhiên là sai và trách nhiệm xử lý thuộc về địa phương.
Độc giả Hoàng Nghĩa từ huyện Quảng Điền – tỉnh Thừa Thiên Huế: Bộ trưởng vừa trả lời về giải pháp xử lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tôi đồng tình rất cao. Huyện Quảng Điền là huyện thuần nông, luôn bị ảnh hưởng bởi thiên tai, những năm qua nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước, kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đang thực hiện huyện điểm nông thôn mới.
Tuy nhiên, giá cả thịt lợn đã giảm mạnh từ 50.000 đồng xuống còn 40.000 đồng/kg và bị thương lái ép giá, dù địa phương hoàn toàn không sử dụng thuốc cấm trong chăn nuôi, gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Xin Bộ trưởng cho biết những biện pháp về bình ổn giá và những chính sách hỗ trợ cho người nông dân trong thời gian tới, nhất là việc tiêu thụ hàng nông sản và sản phẩm từ chăn nuôi.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tôi rất chia sẻ với những khó khăn của những người chăn nuôi chân chính. Hiện chúng tôi đang cố gắng làm hết sức mình, nhanh chóng làm rõ tình hình để thông báo với người nông dân và người tiêu dùng.
Do giá thịt lợn giảm chủ yếu liên quan đến niềm tin của người tiêu dùng, nên biện pháp trước mắt là phải làm rõ tình hình, thông báo rõ địa phương nào, cơ sở nào có vấn đề, những nơi nào không sử dụng chất cấm, để nhân dân có thể yên tâm sử dụng. Tôi tin rằng những biện pháp đó sẽ giúp phục hồi lại thị trường và giá cả cho người chăn nuôi.
Về vấn đề giá vật tư các loại khác lên cao, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương triển khai các giải pháp, như theo dõi cung cầu, điều chỉnh chính sách, làm sao để nông dân có giá vật tư thấp nhất với chất lượng đảm bảo.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Độc giả Lê thị Hạnh tại huyện Việt Yên , tỉnh Bắc Giang: Tôi thấy trên thị trường nước ta hiện nay nhiều nông sản như gạo Thái Lan, hoa quả Trung Quốc nhập khẩu tràn lan, Bộ trưởng có giải pháp gì để bảo vệ nông sản của chúng ta?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Việc một số mặt hàng nông sản của nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam là có, vì chúng ta đã gia nhập WTO với cam kết mở cửa thị trường, đồng thời các nước cũng mở cửa thị trường cho nông sản nước ta.
Vì vậy, một số loại nông sản của nước ngoài đã nhập khẩu vào nước ta với số lượng gia tăng trong thời gian gần đây. Hàng nông sản Việt nam trong những năm gần đây xuất khẩu vào thị trường các nước cũng tăng rất mạnh. Riêng năm 2011, chúng ta đã xuất khẩu hơn 25 tỷ USD hàng nông lâm thủy sản.
Để bảo vệ sản xuất ở trong nước, về lâu dài, điều quan trọng là chúng ta phải có biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, giữ vững thị trường trong nước.
Mặt khác, chúng tôi đã ban hành và đang thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo nông sản nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của luật pháp Việt Nam, đặc biệt là những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Độc giả Lê Văn Thiết ở Sơn La: Chúng ta đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên, đa số doanh nghiệp lớn và cả doanh nghiệp FDI cũng không mặn mà khi đầu tư vào đây, nhất là đầu tư vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Thưa Bộ trưởng, có phải là chúng ta chưa có cơ chế, chính sách thỏa đáng để khuyến khích doanh nghiệp hay vì một nguyên nhân nào khác?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Nông nghiệp là khu vực có rủi ro cao, không chỉ liên quan đến những biến động trên thị trường mà còn liên quan đến dịch bệnh, thiên tai và nhiều yếu tố khác.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này như miễn giảm thuế, tiền thuê đất, giúp đỡ cơ sở hạ tầng.
Gần đây nhất, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61 về những chính sách khuyến khích đặc biệt đối với doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn. Hiện nay, các Bộ, ngành và địa phương đang triển khai thực hiện Nghị định này.
Tuy nhiên, thông tin ban đầu cũng cho thấy việc thực hiện còn chậm và chúng tôi đang tiếp tục theo dõi, từ đó những kiến nghị với Chính phủ những biện pháp mạnh hơn, khuyến khích doanh nghiệp về với nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
Bạn đọc Mã Đức Lợi tại Xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang: Hiện nước ta đã và đang đầu tư rất nhiều chương trình, dự án cho ngành nông nghiệp từ rất nhiều nguồn vốn và đa dạng về dự án. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ sản phẩm của dự án chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi. Thưa Bộ trưởng, cần phải giải quyết vấn đề này như thế nào?
Hiện nay đối với vùng nông thôn, đặc biệt là các tỉnh miền núi có rất nhiều lao động không có việc làm. Vậy có dự án nào đầu tư vào nông thôn để giải quyết việc làm hiện nay hay không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thưa độc giả Mã Đức Lợi, việc một số dự án được triển khai nhằm giúp đỡ bà con nông dân phát triển sản xuất nhưng chưa quan tâm đúng mức đến đầu ra là một khiếm khuyết lớn, cần phải điều chỉnh. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng ở Tuyên Quang và nếu có liên quan tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi sẽ xem xét và điều chỉnh.
Trong điều kiện hiện nay, tất cả các hoạt động sản xuất phải bắt đầu từ thị trường, chỉ có thể sản xuất khi làm rõ thị trường và chúng ta không thể làm ngược lại.
Việc bạn nêu về việc làm cho lao động ở nông thôn là vấn đề rất lớn. Chính phủ đã có nhiều chương trình quan tâm đến việc tạo việc làm cho bà con nông dân và cư dân ở nông thôn.
Chính phủ đang tiếp tục những nỗ lực để thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn bằng việc phát triển nông nghiệp, thu hút đầu tư phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, đồng thời triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề cho nông dân với mục tiêu mỗi năm đào tạo 1 triệu nông dân, trong đó 700.000 người chuyển sang làm phi nông nghiệp, 300.000 người làm nông nghiệp hiện đại.
Một giảng viên dạy ngành trồng trọt tại một trường cao đẳng tại Hà Nội: Hiện nay, các ngành đào tạo nông nghiệp, nhất là trồng trọt và bảo vệ thực vật rất khó tuyển sinh, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là cán bộ trong ngành phải làm việc rất vất vả mà thu nhập thấp.
Nếu để tình trạng này kéo dài, trong thời gian tới, đất nước sẽ thiếu nghiêm trọng cán bộ ngành nông nghiệp mà ngành này là ngành sản xuất quan trọng của nước ta. Bộ trưởng có giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Một độc giả đã hỏi câu này và tôi đã trả lời. Tôi xin nói thêm như sau.
Liên quan đến nhu cầu lao động, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, giải pháp để phát triển kinh tế, thông qua đó tạo nhu cầu việc làm, trong đó có việc làm kỹ thuật ở khu vực nông nghiệp. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rất nỗ lực triển khai thực hiện Luật công nghệ cao, thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất công nghệ cao mà sử dụng chủ yếu các lao động có kỹ thuật.
Mặt khác, chúng tôi thấy cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn, sát hơn các yêu cầu của sản xuất theo hướng hiện đại hóa.
BTV: Trước khi kết thúc cuộc đối thoại, Bộ trưởng muốn nói điều gì với nông dân cả nước và những người làm công tác nông nghiệp?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thưa các độc giả, bà con nông dân, thưa các đồng nghiệp; nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có tính chiến lược trong sự nghiệp phát triển đất nước chúng ta theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, theo con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn.
Sự nghiệp này luôn được Đảng và nhà nước hết sức quan tâm, cũng là sự nghiệp và mong đợi của toàn dân chúng ta.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn cố gắng làm hết sức để triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như đáp ứng mong đợi của nhân dân.
Dù vậy, vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết, chúng tôi mong các đồng chí ở cơ sở cùng nỗ lực để đáp ứng mong đợi của người dân, giải quyết các vấn đề đặt ra ở từng địa phương. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ để giải quyết các vấn đề liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Kính chúc bà con nông dân dồi dào sức khỏe và thành công hơn nữa trong nỗ lực cải thiện cuộc sống của mình, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước
BTV: Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng và lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn