Tại nhiều tỉnh như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Lạng Sơn, Nghệ An... đang xuất hiện một thực tế là nhiều người dân muốn có GPLX nhưng không muốn đến các cơ sở đào tạo để học lấy bằng mà chấp nhận mua “bằng” giá rẻ. Các trường hợp này chỉ bị “lật tẩy” khi lực lượng CSGT địa phương phát hiện, bắt giữ nếu vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Cục CSGT Đường bộ, đường sắt cũng cho biết đang lưu giữ hàng ngàn GPLX giả các loại của các địa phương từ các chiến dịch bóc gỡ, phanh phui và điều tra sau các vụ TNGT. Tuy nhiên, đến nay, vấn nạn này chưa được nhìn nhận như một hiểm họa dẫn đến TNGT, khiến công tác tuyên truyền, xử lý hạn chế. Bên cạnh đó, do lực lượng CSGT các địa phương trong quá trình kiểm soát chỉ dùng mắt thường để phân biệt GPLX thật, giả và chỉ đến khi thấy nghi ngờ, điều tra sau tai nạn mới chuyển cơ quan điều tra làm rõ, khiến tình tiết nhiều vụ TNGT bị giảm nhẹ.
Mẫu giấy phép lái xe mới. |
Theo Phòng Cảnh sát kinh tế và ma túy (Công an Hà Nội), để tìm ra nguồn gốc của các tổ chức làm GPLX giả không hề đơn giản, vì chỉ khi bị phát hiện, bắt giữ, các lái xe vi phạm hoặc gây tai nạn mới biết họ sử dụng GPLX thật hay giả. Việc đấu tranh đối với các trường hợp điều khiển phương tiện sử dụng GPLX giả gây TNGT cũng không dễ, vì thiếu chứng cứ, nên lái xe tìm mọi cách chống đối, thách đố lực lượng làm nhiệm vụ, cộng thêm tâm lý hành khách thường cho rằng lực lượng CSGT sách nhiễu...
Theo Tổng cục ĐBVN, cả nước hiện có khoảng 2,5 triệu GPLX ô tô và 28 triệu GPLX mô tô các loại. Trong khi đó, yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng, yêu cầu cải cách hành chính, đảm bảo ATGT và hiện trạng quản lý GPLX còn đang đứng trước nhiều khó khăn, bất cập. Do đó, việc thay đổi mẫu GPLX theo hướng hiện đại, quản lý GPLX theo công nghệ thông tin hoàn thiện sớm ngày nào, thì GPLX giả hết thời “lộng hành” ngày đó.
GPLX mới: Ưu việt
Nhiều cảnh sát giao thông (CSGT) các địa phương trong quá trình tuần tra, chốt trực làm nhiệm vụ cho biết: Hiện nay, trên các tuyến quốc lộ thường xuyên xảy ra các vụ lái xe vi phạm khi bị CSGT lập biên bản xử lý thường bỏ lại GPLX để tránh nộp phạt. Trong khi đó, chưa biết đến bao giờ các cơ quan chức năng mới kiểm soát được các vi phạm của lái xe. Lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, về tính thiếu bảo mật thông tin trên GPLX cũ, cũng như tình trạng làm giả dễ dàng, tràn lan, nên việc nhiều lái xe “bỏ của chạy lấy người” đã diễn ra từ Bắc chí Nam trong thời gian dài, khiến hai ngành giao thông và công an “đau đầu”.
Quản lý được lái xe Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục ĐBVN) Võ Minh Tuấn cho biết: Bắt đầu từ tháng 3/2012, việc cấp theo mẫu mới sẽ chính thức được thực hiện; hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất trên toàn quốc cũng sẽ chính thức đi vào hoạt động. Với công nghệ này cùng sự phối hợp chặt chẽ với Cục CSGT Đường bộ, đường sắt, đội ngũ lái xe, nhất là vận tải hành khách chắc chắn sẽ được quản chặt. Tổng cục ĐBVN đang tích cực phối hợp với nhà thầu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về người lái xe phục vụ công tác quản lý, tra cứu, theo dõi vi phạm của người lái xe, trên cơ sở tổng hợp dữ liệu từ ngành công an, Sở GTVT các địa phương, doanh nghiệp vận tải và các cơ sở đào tạo tuyển dụng lái xe. |
“Lý lịch” lái xe sẽ được cập nhật Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết: Thực hiện Đề án đổi GPLX theo mẫu mới, Tổng cục đã hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tra cứu và theo dõi các lỗi vi phạm của đội ngũ lái xe. Theo đó, các thông tin về lái xe như bằng lái được cấp ở đâu, trong thời gian nào, vi phạm lỗi gì, bao nhiêu lần vi phạm… sẽ được cập nhật đầy đủ trên hệ thống. |
Thay đổi GPLX là cần thiết Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải Việt Nam cho biết: Việc thay đổi mẫu mã GPLX là cần thiết. Vì mẫu GPLX hiện nay có nhiều khiếm khuyết như: Khả năng chịu nước, chịu nhiệt kém, dễ làm giả và chưa có phần tiếng Anh, khiến lái xe gặp nhiều phiền toái khi đi ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhất là tại các nước tham gia Hiệp định GMS. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn