Triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn: Hiệu quả cao, thách thức lớn
Thứ hai - 23/07/2012 22:00
Mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được triển khai sôi động trong cả nước, nhiều vùng lúa hàng hóa chất lượng cao được hình thành. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề tiêu thụ và chính sách hỗ trợ, khuyến khích để mở rộng thực hiện đại trà. Nhiều chuyên gia nhận định, mối liên kết "bốn nhà" còn lỏng lẻo thì mô hình khó có thể phát triển bền vững.
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn sẽ tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp bằng cơ giới hóa. Ảnh: Bá Hoạt
Hướng đi đúng
Nước ta có lợi thế lớn về sản suất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa, hằng năm xuất khẩu khoảng 6-7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD. Để tăng năng suất bình quân và tăng giá trị hạt gạo, canh tác lúa theo hướng thâm canh cao bền vững, tiêu thụ hết lúa hàng hóa và gia tăng lợi nhuận cho nông dân thì việc triển khai mô hình CĐML là hướng đi đúng. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tổng diện tích trong 2 vụ hè thu 2011 và đông xuân 2011-2012 triển khai CĐML tại các tỉnh phía nam là 27.527 ha. Đối với phía Bắc, việc triển khai mô hình CĐML còn nhỏ lẻ. Dự kiến, vụ mùa 2012, các tỉnh phía Bắc có trên 18 nghìn hécta. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, mô hình CĐML có nhiều tác động tích cực đến sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo. Tại nhiều địa phương bước đầu đã hình thành các mô hình khép kín từ sản xuất đến thu mua hoặc có liên kết của nhiều đơn vị tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo hình thức khép kín. Tuy nhiên, còn nhiều mô hình chưa đồng bộ từ hình thức liên kết đến các hoạt động triển khai, quy trình canh tác lúa chưa hoàn thiện. Nông dân chưa hiểu đầy đủ lợi ích của việc tham gia CĐML, vẫn còn quan niệm đây là mô hình nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ và phải thu mua lúa với giá cao.
Mô hình CĐML đã cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Xây dựng CĐML cũng là giải pháp quan trọng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong thời gian tới, phong trào xây dựng CĐML sẽ được triển khai rộng trên tất cả các loại cây trồng. Thực tế cho thấy, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn đã có đổi mới, tương đối hoàn chỉnh tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất. Đây chính là nền tảng cho việc hình thành phương thức sản xuất lúa theo hướng hiện đại hóa đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho CĐML. Dự kiến, trong thời gian tới mô hình CĐML tiến tới vùng nguyên liệu lúa hàng hóa đạt 1.000.000ha là có thể thực hiện được. Tuy vậy, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể, tạo mối liên kết tốt với nông dân và doanh nghiệp (DN) khi triển khai mô hình.
Liên kết giữ vai trò quyết định
Bên cạnh những khó khăn do ruộng đất manh mún, tập quán sản xuất lúa chưa cao, trong khi yêu cầu CĐML phải đạt từ 100ha trở lên. Đặc biệt, nông dân sản xuất lúa không có kế hoạch cụ thể, sản xuất theo tập quán, khó đáp ứng được thị trường xuất khẩu gạo lớn. Tuy nhiên, mối quan tâm nhất hiện nay vẫn là khâu liên kết "bốn nhà" để mô hình phát triển bền vững. Nếu địa phương nào cũng hô hào thực hiện mô hình trong khi vấn đề tiêu thụ chưa được giải quyết rất dễ dẫn đến sự sụp đổ mô hình. Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng "Sản xuất lúa gạo của ta đang trong tình trạng "mạnh ai nấy làm". Nghị quyết 26 TƯ về "tam nông" ai muốn triển khai thế nào thì tùy; các địa phương chỉ đạo cho các ban ngành cấp mình mạnh ai nấy lập kế hoạch riêng; các DN tự lo kết hợp với thương lái để mua hàng chục mặt hàng nguyên liệu từ nông dân; và nông dân cũng tự lo cho mình là chính. Tất cả chưa liên kết với nhau được. Người chịu thiệt thòi là nông dân".
Khó khăn nhất đối với mô hình CĐML là DN thu mua lúa. Cần nhìn lại khả năng DN xuất khẩu gạo hiện nay. Với khoảng 210 DN, nếu mỗi DN xây dựng một vùng nguyên liệu 10 ngàn héc ta thì sẽ có ít nhất 123 ngàn - 210 ngàn héc ta, chiếm khoảng 7,4%-12,7% diện tích canh tác. Đến lúc đó năng lực thu mua của các DN cần được nâng cao. Ngoài DN, sự tham gia của Nhà nước giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, bộ, ngành cần dự báo thị trường cho nông dân và DN. Nếu không điệp khúc được mùa rớt giá sẽ mãi lặp lại. Hiện đã có một số DN thu mua lúa trong mô hình CĐML nhưng với quy mô nhỏ từ vài trăm đến vài nghìn hécta và không có năng lực mở rộng diện tích thu mua do thiếu nguồn nhân lực, phương tiện (máy sấy, kho chứa, xay xát…), nguồn vốn và hệ thống thu mua.
Tại Hà Nội, mô hình CĐML hình thành qua chương trình lúa hàng hóa chất lượng cao năm 2012 khoảng 7.000ha. Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng cho biết, vùng sản xuất hàng hóa tập trung được hỗ trợ đào tạo, tập huấn, tham quan hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu, xúc tiến thương mại, hợp tác "bốn nhà". Tuy nhiên, hiện hầu hết lúa hàng hóa tại Thủ đô vẫn do nông dân tiêu thụ. TS. Võ Văn Quyền, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhấn mạnh, thời gian qua tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom hàng nông sản Việt Nam là do thiếu liên kết "bốn nhà", nếu cứ mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy mua thì tình trạng gom hàng của thương lái nước ngoài sẽ xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Triển khai mô hình CĐML hay bất cứ mô hình nào thì vấn đề liên kết phải được khâu nối từ đầu.