Ông Phi chia sẻ, lúc đầu ông có 7 ha cà phê trồng thuần. Theo thời gian, cây cà phê già cỗi, năng suất giảm dần, ông đã có suy nghĩ phải làm sao để tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác.
Năm 2010, cây mắc ca bắt đầu bén rễ đất Lâm Đồng. Qua tìm hiểu, ông mạnh dạn phá bỏ xen kẽ khoảng 3 ha/7 ha cà phê trong vườn để trồng xen mắc ca.
Giống mắc ca được ông mua của Công ty Đức Anh ở Buôn Ma Thuột và Công ty Him Lam Mắc ca, gồm các giống: QN, 246, 800, 842, 816, 849, 741, A4.
Ông Ngô Văn Phi bên vườn cà phê trồng xen các loại cây trồng khác. |
Sở dĩ ông trồng nhiều giống trên cùng 1 diện tích là để theo dõi sự sinh trưởng, phát triển và thích nghi của từng loại giống, đặc biệt cây mắc ca có đặc điểm thụ phấn chéo. Cà phê được trồng với khoảng cách 3 x 3m, mắc ca được trồng xen trong vườn cà phê với khoảng cách 6 x 9m.
Sau 1 năm trồng và chăm sóc, cây mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt, ông lại tiếp tục trồng xen mắc ca trên diện tích cà phê thuần còn lại. Với 7 ha, ông trồng xen được 1.600 cây mắc ca. Sau 9 năm trồng và chăm sóc, số cây mắc ca còn lại là 1.400 cây.
Trong năm 2018, khoảng 700 cây mắc ca cho thu hoạch được 3 tấn quả, bán với giá 85.000 đồng/kg. Năm 2019, khoảng 80% số cây mắc ca cho thu hoạch, ông dự kiến thu được 6 - 7 tấn quả, giá bán hiện nay 95.000 đồng/kg, sẽ có nguồn thu trên 60 triệu đồng/năm từ mắc ca.
Ông Phi cho biết: “Điều kiện khí hậu ở xã Ninh Gia rất thích hợp cho cây mắc ca phát triển. Thời gian cây mắc ca ra hoa kết trái và thu hoạch kéo dài từ tháng 2 đến tháng 10 hàng năm, nên bà con có thu nhập rải đều trong năm”.
Ngoài trồng xen mắc ca, ông Phi còn trồng xen tiêu, với khoảng cách 2,5 x 2,5m. Hiện vườn của ông có hơn 5.000 trụ tiêu đã cho thu hoạch năm thứ 3, thứ 4, còn lại khoảng 800 trụ đang cho thu bói. Năm 2018, vườn tiêu cho thu hơn 10 tấn tiêu khô.
Bên cạnh việc trồng xen mắc ca, hồ tiêu trong vườn cà phê, ông còn trồng xen 100 cây bơ giống Booth và giống 034, 150 cây bưởi da xanh, 500 cây sầu riêng ghép giống Monthong Thái Lan.
Tuy mới trồng thử nghiệm hơn 2 năm nhưng cây bơ và bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, có cây đã cho thu trái bói. 500 cây sầu riêng, trong đó có 20 cây trồng được 10 năm đã cho thu hoạch năm 2018 được 150 triệu đồng; các cây còn lại đang cho thu bói và có loại mới trồng được 1 năm tuổi.
Do nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên mặc dù giống cà phê của gia đình ông là giống cũ nhưng vẫn cho năng suất 3 - 3,5 tấn nhân/ha, mỗi năm cho thu hoạch từ 21 - 24 tấn nhân, trừ tất cả chi phí đầu tư phân bón, công chăm sóc khoảng 30 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng. |
Để có được năng suất và hiệu quả như trên, đòi hỏi người trồng phải nắm vững đặc tính sinh trưởng, phát triển của từng loại cây trồng. Trong 1 năm, ông Phi bón đồng loạt cho cà phê và các cây trồng xen 4 - 5 đợt phân. Sử dụng phân hữu cơ hoai mục được ủ từ phân chuồng (bò, dê, gà) + phân vô cơ (đạm, lân) + chế phẩm Trichoderma + vôi bột, trộn đều với vỏ cà phê, ủ trong thời gian 2 - 3 tháng, bón 5 - 7 kg/cây/năm, bón vào tháng 7, tháng 8.
Phân hóa học là các loại phân đơn hoặc phân NPK cao cấp, được bón làm 4 đợt: đầu mùa khô bón 300 - 400 kg/ha/lần bón, đầu, giữa và cuối mùa mưa, mỗi đợt bón 500 - 700 kg/ha/lần bón.
Ông Phi cho rằng, để canh tác các loại cây trồng xen trong vườn cà phê có hiệu quả, năng suất ổn định thì hàng năm nên sử dụng phân bón hữu cơ sẽ giúp cho cây trồng phát triển bền vững, không ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật có lợi trong đất, làm cho đất luôn tơi xốp.
Trong quá trình chăm sóc các loại cây trồng xen, cần đặc biệt chú ý đặc tính của từng loại cây. Đối với cây sầu riêng, khi làm cỏ, bón phân, phải đặc biệt chú ý đến bộ rễ, không làm đứt rễ, nếu bộ rễ bị ảnh hưởng, cây sinh trưởng, phát triển kém, có thể chết. Đối với cây mắc ca, thời điểm ra hoa dễ bị nhiễm bệnh, do hoa rất thơm, vi sinh vật gây bệnh tấn công làm thối hoa; có thể dùng thuốc có hoạt chất Benomyl.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn