Dám nghĩ dám làm, cùng với việc chăm chỉ làm ăn, tích lũy vốn đầu tư, mở rộng diện tích canh tác, chỉ sau 10 năm lập nghiệp, nông dân Huỳnh Việt Trung, ở Xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đã có cơ ngơi bề thế và vườn trồng ổi, xoài, chanh rộng hơn 3ha cùng thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.
Vào năm 2009, trong một lần về xã Tân Long chơi, nhờ có người quen giới thiệu miếng đất khá rẻ và ưng ý nên anh Huỳnh Việt Trung quyết tâm dồn toàn bộ số vốn tích lũy được và vay thêm người thân để mua mảnh ruộng 3,7 ha tại ấp Long Hòa để lập nghiệp.
Lúc mới mua, phần lớn diện tích đất là cây tràm, dừa nước, cỏ lác, cây tạp và hoang hóa vì nhiễm phèn và khá trũng nên rất khó có cây nào chịu nổi. Từ ý tưởng lập trang trại cây trái, nhất là mô hình trồng ổi nên anh Trung bắt tay vào cải tạo vùng đất mới này.
Anh Trung thực hiện theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Ban đầu, anh để một phần diện tích tiếp tục trồng lúa, đồng thời ra công đào mương, lên liếp các diện tích còn lại để rửa phèn trồng một số cây rau màu. Ngay vụ đầu lúa của anh đã trúng, phần lên liếp anh trồng ớt sừng châu Phi cũng vượt sự mong đợi, cho thu nhập tới 45 triệu đồng.
Có vốn, nông dân Huỳnh Việt Trung bắt đầu mua vài trăm nhánh ổi giống Đài Loan để trồng, ban đầu trồng thử 4 công đất lên liếp, với kỹ thuật canh tác học được và nhờ cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp hướng dẫn thêm, sau 8 tháng những cây ổi ban đầu trong theo hướng sạch đã cho thu hoạch, được người tiêu dùng ưa thích, thu hoạch không đủ tiêu thụ dù giá cao hơn các loại ổi khác vài ngàn đồng/kg.
Anh Huỳnh Việt Trung cho biết: "Khi cải tạo đất để đưa cây màu xuống ruộng, lập vườn cây ăn trái, cuộc sống của tôi có kinh tế mới tốt hơn. Các cậu tôi thấy mình làm cái gì mới lạ, cũng khuyên không nên mạo hiểm. Mà trong lòng tôi nghĩ chỉ có cách đó thôi, đất mình mới có giá trị, chỉ có thay đổi thế độc canh cây lúa, mới có thể tăng thu nhập lên".
Sự cần cù chịu khó đã giúp vợ chồng anh Trung ngày càng phát triển mạnh, diện tích ổi Đài Loan anh trồng cứ tăng dần, đến nay đã được 3 ha chuyên trồng ổi với hơn 4.000 gốc ổi. Kỹ thuật trồng ổi của anh Trung khác với những nhà vườn khác là sau khi thu hoạch trái ổi ở cành nào, anh cắt tỉa cành đó luôn để cây tập trung nuôi trái khác và đâm nhánh mới cho ra trái mới do đó dù có cây ổi đã trồng cả chục năm nay nhưng cành tán cây vẫn thông thoáng và năng suất cho trái vẫn rất cao.
Mô hình trồng ổi giúp anh Trung kiếm thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài ra, để trái ổi ngon, ngọt, giòn và mẫu mã đẹp thì anh Trung không để trái ra đồng loạt mà để ổi ra trái thu hoạch quanh năm. Để giảm công sức chăm sóc, anh Trung đã đầu tư hệ thống tưới phun tự động trị giá trên 170 triệu đồng. Nước tưới được anh bơm vào ao lọc lắng trước khi tưới cho cây và chỉ dùng phân vi sinh bón cho ổi nên sản phẩm thu về đều là ổi sạch.
"Khi thu hoạch, ngày thu thấp nhất là 150 kg, có khi là 200 - 300kg. Cá biệt có thời điểm 500kg. Hồi trước tôi cân bán 9.000 đồng/kg, về sau ổi rẻ còn 1000-2000 đồng/kg, thì vườn nhà tôi cân vẫn còn 7000 đồng/kg. 7-8 tháng nay, tôi bán tại vườn là 8.000 đồng/kg. Nếu gửi bán ở Cần Thơ, thì 10.000 đồng/kg. Nếu lựa trái chuẩn rồi gửi về TPHCM là 15.000 đồng/kg", anh Trung cho biết.
Cũng nhờ tiếng lành đồn xa mà bây giờ sản phẩm của anh Trung không còn phải mất công tiếp thị, giao xa nữa, sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộn. Khi khách hàng ăn thấy ổi ngon sẽ tiếp tục ủng hộ, gọi điện đặt mua. Anh đi giao hoặc gửi tận nơi chứ ít khi thông qua thương lái nên có những thời điểm ổi thị trường rớt giá nhưng vườn ổi của anh Trung vẫn bán được giá 10.000 - 15.000 đồng/kg.
Anh Trung tính toán, trung bình mỗi ngày khoảng 450kg trái, giá dao động 8.000-9.000 đồng/kg, vốn chi phí chừng 10%; Nhẩm tính mỗi tháng gia đình anh có lợi nhuận trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, cho biết, Tân Long là vùng đất trũng, phèn, một số diện tích trồng lúa không mang lại hiệu quả. Vì vậy, trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, xã cũng chọn một số mô hình chuyển đổi sản xuất để cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; trong đó có mô hình trồng ổi của anh Huỳnh Việt Trung.
"Hiện nay, mỗi ngày anh Trung thu hoạch vài trăm kg, bán với giá 10.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với việc trồng lúa. Đầu ra cho trái ổi cũng ổn định. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhân rộng ra một số nông dân khác, để làm sao từng bước nâng cao thêm thu nhập, nâng cao đời sống của người dân", ông Nam cho hay.
Để nâng cao giá trị sản phẩm ổi sạch, được sự hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương, mới đây, anh Trung đã đăng ký tem nhãn hiệu, có Logo thương hiệu và anh đang hoàn thành thủ tục chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu ổi mang tên Trung Liễu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Đây cũng là một trong những sản phẩm trong chương trình OCOP mà tỉnh Sóc Trăng phát động theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm, hướng tới thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn, cho giá trị cao hơn.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Huỳnh Việt Trung cũng không “giấu nghề” và sẵn sàng giúp đỡ những người dân lân cận khi bán giống ổi và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân tại địa phương, theo anh, sản phẩm mình làm tốt, không sợ cạnh tranh, giúp mọi người cùng có thu nhập, cùng vươn lên là việc nên làm…/.
Theo: Thạch Hồng/vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn