Được ưu đãi về thuế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện vượt khó để phát triển. Ảnh: Cao Thăng
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, quy mô của gói hỗ trợ tiền thuế được Chính phủ đề nghị lần này (khoảng 2.647 tỷ đồng) chưa tương xứng với mục tiêu đề ra khi ban hành chính sách là “hỗ trợ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho lớn trong toàn nền kinh tế”. Trong số các nội dung cụ thể, cơ quan thẩm tra không đồng tình với việc miễn, giảm thuế cho phần thu nhập tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động có đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất.
Cho ý kiến về các đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn về việc đã 3 năm liên tục QH phải ban hành nghị quyết về thuế để tháo gỡ khó khăn. “Như vậy không bảo đảm tính ổn định của chính sách thuế”, ông nói. Mặt khác, cần rà soát, đối chiếu các ưu đãi được đề xuất với các luật thuế sắp được thông qua để đảm bảo tính thống nhất. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sau đó đã đưa ra giải pháp đẩy sớm thời hạn áp dụng nhiều nội dung trong các dự luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng. Tương tự, việc đo đếm diện tích căn hộ để tính thuế giá trị gia tăng cũng là một việc làm khó khăn, thậm chí nếu thiếu các giải pháp quản lý thì có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc... Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan soạn thảo, thẩm tra, rà soát kỹ, tránh bỏ sót các doanh nghiệp thực sự cần được ưu đãi, nhất là các doanh nghiệp hoạt động tại các địa bàn khó khăn; doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra trình các dự luật về sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng theo trình tự thủ tục rút gọn tại kỳ họp tháng 5 của Quốc hội. “Cần tính toán thời điểm, quy định rõ lộ trình giảm thuế vào luật. Những nội dung chưa thống nhất, các cơ quan soạn thảo - thẩm tra phải tiếp tục cân nhắc theo nguyên tắc giữ nguyên hoặc tăng thêm những ưu đãi đã có trong luật hiện hành chứ không giảm bớt. Có thể đưa ra các phương án khác nhau để Quốc hội cho quyết định cuối cùng”.
Buổi sáng cùng ngày, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) (sửa đổi). So với luật hiện hành, dự thảo luật sửa đổi đã tăng thêm 1 chương, 16 điều, sửa đổi 17/18 điều. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung quy định chức năng “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” của MTTQVN nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò của MTTQVN, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Một đề nghị sửa đổi quan trọng nữa liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, đây là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cần xem xét thận trọng. Cơ quan thẩm tra cũng đặc biệt lưu ý phải rà soát, làm rõ và quy định cụ thể hơn các nội dung về giám sát, phản biện xã hội cho phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQVN. Đơn cử, cần xác định rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để quy định phạm vi giám sát và phản biện xã hội chỉ bao gồm hẹp trong phạm vi những vấn đề “có liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân” hay mở rộng ra mọi vấn đề (như cách giải thích từ ngữ tại dự thảo luật). Đồng thời, cần xác định rõ hơn về giá trị pháp lý của hoạt động giám sát và phản biện xã hội; trách nhiệm của đối tượng bị giám sát, phản biện trong việc thi hành kết luận giám sát, phản biện; mối quan hệ giữa giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận với các quy trình, thủ tục xử lý, giải quyết công việc của Nhà nước...
ANH THƯ |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn