Cần chăn nuôi an toàn sinh học khi tái đàn để đảm bảo trong chăn nuôi lợn. Ảnh: Thiện Tâm |
Theo Sở NN&PTNT, từ cuối tháng 1/2020 đến nay không phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn Thành phố. Hiện Hà Nội có đàn lợn gần 1,2 triệu con, giảm 41,9% so với cùng kỳ, trong đó lợn nái là 82 nghìn con, đực giống 830 con. Đồng thời có 283 công ty, xí nghiệp, HTX, Trung tâm, doanh nghiệp có chăn nuôi lợn như: Công ty CP, Dabaco, Việt Hưng, JaFa, HTX chăn nuôi Đan Phượng..., với tổng đàn nuôi 450 nghìn con, chiếm 22% tổng đàn lợn toàn Thành phố.
Về nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, hiện Hà Nội có khoảng trên 10 triệu dân sinh sống, học tập và làm việc, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn. Trung bình một ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 800 đến 900 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại, trong đó Thành phố chỉ đáp ứng được trên 60%, số còn lại là từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Nguồn cung thực phẩm ước tính năm 2020 khoảng 228 nghìn tấn.
Về việc tái đàn lợn, tính đến thời điểm tháng 1/2020, trên địa bàn Thành phố có tổng số đàn lợn tái đàn tăng 231.948 con, trong đó nuôi trong dân là 10.052 con/745 hộ; trang trại 221.896 con/170 hộ.
Để tái đàn các hộ, cơ sở chăn nuôi đã áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng VietGap, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học; chăn nuôi sinh thái tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời ứng dụng công nghệ cao như chuồng sàn, máng ăn, máng uống tự động...
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống, các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn Thành phố thực hiện chăn nuôi theo quy chuẩn quốc gia; quy trình thực hành chăn nuôi tốt theo Quyết định số 4653/QĐ-BNN-CN của Bộ NN&PTNT.
Hiện nay dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được khống chế, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã qua 30 ngày không phát dịch trở lại, 20/24 quận có dịch đã qua 30 ngày. Việc tái đàn phát triển sản xuất bù lại lượng thịt lợn thiếu hụt đáp ứng cân đối cung cầu là cần thiết song phải tuân thủ nguyên tắc quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo chuỗi khép kín có kiểm soát.
Theo Sở NN&PTNT, để tái đàn an toàn, các hộ và doanh nghiệp chăn nuôi chỉ tái đàn ở các khu chăn nuôi xa dân cư nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi của địa phương; ở những cơ sở chưa bị mắc dịch tả lợn châu Phi, những vùng dịch đã qua 30 ngày và được sự nhất trí của cơ quan thú y, chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, giống nhập về phải được nuôi cách ly, nhập ở những cơ sở an toàn dịch bệnh, có chứng nhận của cơ quan quản lý. Xử phạt hành chính các trường hợp tự động tái đàn không khai báo với chính quyền địa phương và chưa được sự nhất trí của cơ quan chuyên môn, không hỗ trợ tiêu hủy mà buộc tiêu hủy khi cần thiết. Trong năm 2019, Hà Nội đã xử lý 105 hộ chăn nuôi do tái đàn không đúng quy định, lập biên bản xử phạt 53,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy theo quy định và không hỗ trợ 551 con.
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn