Cựu chiến binh không ngại khó
Trước khi đến với nghề nông, ông Lê Văn Đấu (sinh năm 1947) ở ấp Long An A, xã Phú Thành A (Tam Nông, Đồng Tháp) từng có thời gian trong quân ngũ. Là một người lính Cụ Hồ, ông luôn tâm niệm, ở trên mặt trận nào cũng phải quyết liệt. Chính vì vậy, ông đã khởi nghiệp với cây lúa huyết rồng ở cái tuổi không còn trẻ.
Ông Năm Đấu với các sản phẩm chế biến từ gạo huyết rồng. Ảnh: Trọng Trung
Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, với các sản phẩm “gạo lứt huyết rồng Năm Đấu” và “bột gạo huyết rồng Năm Đấu”, cơ sở của ông đã đạt doanh thu từ 100 - 150 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm làm ra không kịp cung ứng cho người tiêu dùng. |
Cơ duyên gắn bó với giống lúa quý đến với ông cũng thật tình cờ. Trong một vụ cấy thử nghiệm 700m2 giống lúa huyết rồng, khi đem lúa huyết rồng xay thành gạo, nấu cơm ăn, ông Đấu thực sự ấn tượng với chất lượng của loại gạo này, khi ăn thấy hương thơm, vị ngọt vô cùng tự nhiên… Nhận thấy đây là cơ hội có thể làm giàu, ông Đấu quyết định dành 13.000m2 đất canh tác chuyên trồng giống lúa huyết rồng, với hy vọng sẽ làm nên chuyện.
Chia sẻ về hành trình canh tác lúa huyết rồng, ông Đấu cho biết: “Tình cờ trong một lần xem chương trình về y học trên tivi, tôi thấy thông tin gạo lứt huyết rồng có thể hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường nên rất tâm đắc. May mắn sau đó, tôi được người bạn cho mấy ký giống lúa huyết rồng, mang về trồng thử, thấy chất lượng gạo ngon nên tôi quyết định nhân giống. Sau khi trồng được giống lúa này, tôi lại nghĩ, phải làm sao nâng cao hơn nữa lợi nhuận trên hạt gạo nên đầu tư cơ sở chế biến bột gạo lứt huyết rồng. Rất may, sản phẩm đưa ra thị trường đều được người tiêu dùng đón nhận”.
Lúa huyết rồng sau thu hoạch được kiểm tra chất lượng, đảm bảo an toàn, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới được cựu chiến binh Lê Văn Đấu đưa vào nhà máy xay xát và chế biến ra gạo lứt huyết rồng và bột gạo huyết rồng thành phẩm.
Lúc đầu, ông Năm Đấu chỉ làm để ăn trong gia đình và bán lẻ cho bà con chòm xóm. Được nhiều người tiêu dùng khen ngon nên cuối năm 2017, ông Đấu mạnh dạn mở rộng sản xuất và đăng ký thương hiệu độc quyền mang tên “Gạo lứt huyết rồng Năm Đấu” và “Bột gạo huyết rồng Năm Đấu”. Sản phẩm làm ra được đóng gói mỗi loại 500gr, dán nhãn đẹp mắt, giá bán cũng phù hợp nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bà Phạm Thị Ngọc ở xã Phú Thành A - người thường xuyên mua gạo lứt huyết rồng và bột gạo huyết rồng Năm Đấu sử dụng hàng ngày cho biết: “Từ ngày sử dụng các sản phẩm từ gạo huyết rồng, tôi thấy khỏe ra. Giá bán cũng hợp lý, bột gạo huyết rồng có mùi vị thơm ngon, dễ uống lắm”.
Mở rộng sản xuất
Theo nghiên cứu, gạo huyết rồng rất tốt cho những sản phụ và trẻ em vì giàu sắt, canxi, magiê... giúp bổ xương, giữ răng người mẹ không bị hư hao trong lúc có thai và trong thời kỳ cho con bú. Còn đối với trẻ em, gạo lứt đỏ làm cho việc hóa cốt nhanh chóng nhờ vào sự hấp thụ chất canxi được giúp xương cứng cáp. Gạo huyết rồng nấu thành cơm mùi thơm đặc trưng, vị ngọt bùi pha lẫn vị béo. Càng nhai kĩ càng cảm nhận được vị ngon thấm vào giác quan rất rõ. |
Sau nhiều vất vả, đến thời điểm này, gạo huyết rồng đã mang lại cho ông Năm Đấu những thành quả ngọt ngào. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, với các sản phẩm “gạo lứt huyết rồng Năm Đấu” và “bột gạo huyết rồng Năm Đấu”, cơ sở của ông đã đạt doanh thu từ 100 - 150 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm làm ra không kịp cung ứng cho người tiêu dùng.
Hiện, cựu chiến binh Năm Đấu đang tiếp tục đầu tư vốn mở thêm nhà xưởng, trang bị thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng đủ sản phẩm cho người tiêu dùng.
Ông Trịnh Văn Lớn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tam Nông hồ hởi cho biết: “Cơ sở sản xuất của đồng chí Lê Văn Đấu là doanh nghiệp đầu tiên của Hội Cựu chiến binh huyện. Các sản phẩm từ lúa huyết rồng của cơ sở đạt chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hội Cựu chiến binh huyện đang khuyến khích các hội viên học hỏi kinh nghiệm trồng lúa huyết rồng, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”.
Không chỉ sản xuất thành công sản phẩm gạo lứt huyết rồng và bột gạo huyết rồng, cựu chiến binh Lê Văn Đấu còn tự canh tác các loại đậu trên diện tích cả chục hecta để chế biến và bán các sản phẩm mang thương hiệu Năm Đấu, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Với những thành quả trong sản xuất, ông Năm Đấu vinh dự được Chủ tịch UBND huyện Tam Nông trao tặng Giấy khen danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở tại Hội nghị vinh danh các nông dân tiêu biểu năm 2018 đầu tiên của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Trước đó, ông Đấu đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen về thành tích Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Theo Trần Trọng Trung/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn