Trong văn bản số số 01-03/20VIDA-VP do Tổng Thư ký Nguyễn Đức Tùng gửi Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), VIDA cho biết đơn vị tiến hành khảo sát từ ngày 23 - 24/3/2020 đối với 50 doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội.
Kết quả khảo sát của VIDA cho thấy, thiệt hại lớn nhất thuộc nhóm gỗ nguyên liệu và thương phẩm với giá trị ước lượng khoảng 260 tỷ đồng, nguyên nhân do hoãn hợp đồng, tồn kho.
Nhóm thứ hai là cà phê, tiêu, điều tồn kho 43.000 tấn, ước tính thiệt hại 50 tỷ đồng. Sản phẩm hải sản (tôm) tồn kho 1.000 tấn, thiệt hại 35 tỷ đồng. Các sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm rau củ quả tươi tồn kho trên 100 tấn, thiệt hại 50 tỷ đồng. Ngoài ra, các nguyên liệu thực phẩm, phân bón tồn kho trên 3.000 tấn + 10.000 lít, thiệt hại 15 tỷ đồng.
Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp, VIDA cho biết, có tới 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định có thiệt hại kinh tế do tác động của dịch bệnh. Tỷ lệ sụt giảm doanh thu quý I/2020 trung bình giảm 30-50%, cá biệt một số doanh nghiệp giảm tới 70% doanh thu so với giai đoạn trước dịch.
Theo VIDA, hiện áp lực tài chính, lãi vay đang là gánh nặng với doanh nghiệp trong bối cảnh vẫn phải duy trì các chi phí cố định nhưng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Lượng hàng tồn lớn dẫn tới tăng chi phí lưu kho bãi, chi phí bảo quản cao. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đa phần chỉ có thể chủ động được vấn đề nguyên liệu phục vụ sản xuất trong 6 tháng tới.
Đặc biệt, do Trung Quốc là thị trường lớn đối với nông sản Việt Nam nhưng đã bị đình trệ suốt quý I/2020 do dịch bệnh Covid-19, dù đã có dấu hiệu hồi phục nhẹ vào nửa cuối tháng 3/2020 đối với hàng xuất khẩu đường bộ qua một số cửa khẩu khu vực phía Bắc.
Đối tác yêu cầu hủy hoặc hoãn đơn hàng xuất khẩu vì nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm mạnh, một số nước hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19, trong khi đó nguyên liệu thực phẩm là các mặt hàng nhanh hết hạn, cận date, có nguy cơ phải hủy bỏ nếu hết date và chậm tiêu thụ.
Ngành hàng thực phẩm phân phối qua các kênh trường học, nhà hàng, khách sạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do học sinh nghỉ học hơn 2 tháng, lượng khách du lịch quốc tế tính đến thời điểm nửa cuối tháng 3/2020 không phát sinh.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu không được đơn vị logistics cung cấp đủ container để đóng hàng xuất khẩu do một lượng lớn container bị tắc tại Trung Quốc chưa giải phóng.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ chỉ tiêu thụ được 30% nông sản thu hoạch hàng ngày nhưng chưa được trang bị tủ bảo ôn và tủ đông để cấp đông sản phẩm, số lượng hàng thối hỏng chiếm đến 50-60% sản lượng. Bản thân các doanh nghiệp đang buộc phải chủ động bán lỗ, bán giảm giá thay vì phải hủy bỏ hàng hóa với đặc thù là sản phẩm tươi sống, hạn chế thời gian bảo quản.
Hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm nhập khẩu với tỷ lệ cao, hàng bị chậm trong khâu vận chuyển, hàng tồn kho nhiều, hàng về chậm không đúng tiến độ phân phối.
Hàng nhập từ Trung Quốc không về được, hàng từ châu Âu và các khối nước, nếu quá cảnh qua Trung Quốc có thể bị hủy chuyến hoặc hoãn chuyến vì lý do y tế. Hơn nữa, tỷ giá không ổn định gây bất lợi cho nhà nhập khẩu Việt Nam.
Trước những khó khăn chưa từng đối diện trong lịch sử này, VIDA kiến nghị và đề xuất các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới, giảm rủi ro khi phụ thuộc vào một số ít thị trường truyền thống.
Các đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu… cần hỗ trợ việc bảo quản hàng hóa, giảm chi phí bảo quản, đặc biệt là các nông sản thực phẩm cần có chế độ bảo quản đặc biệt.
VIDA kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, khuyến cáo về tình hình thương mại, cung cấp thông tin thị trường chính xác, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh.
Doanh nghiệp nhập khẩu chủ động điều tiết giảm lượng hàng nhập, đặc biệt là những mặt hàng nông sản mà trong nước đang sản xuất được nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa theo các chuỗi siêu thị, bán lẻ, ưu tiên tiêu thụ nông sản thực phẩm trong nước.
VIDA đề nghị Cục Thú y và Chi cục Thú y vùng, các Chi cục Hải quan cần giải quyết nhanh nhất việc cấp phép, thông quan hàng hóa, tránh tắc nghẽn tồn đọng lâu ngày tại cảng gây ra tốn kém chi phí lưu cont, lưu bãi và chi phí cắm điện bảo quản lạnh tại cảng.
Kết nối các nhà mua nước ngoài để tiêu thụ đối tác tiêu thụ sản phẩm để giảm bớt tồn kho trong sản xuất. Kích thích các gói cho vay đầu tư chậm trả cho bà con nông dân để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
VIDA hiện đang đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị thành viên tăng cường kết nối với nhà mua trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà mua lớn (Central Group, AEON, Vincommerce) thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi khắp cả nước.
Hợp tác với một số sàn thương mại điện tử (Sendo) cung cấp giải pháp tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng offline. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò kết nối, cung cấp thông tin thị trường trong nước và quốc tế đầy đủ, nhanh, chính xác để thành viên chủ động khai thác thị trường tiềm năng.
Theo: Nguyên Huân/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn