Quang cảnh hội nghị Ước tính đến hết năm 2014 trong tổng số 7.524 xã của cả nước, có 785 xã đạt chuẩn cả 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM); số xã dưới 5 tiêu chí trở xuống còn 945 xã (11%) và không còn xã trắng tiêu chí. Năm 2014, Trung ương đầu tư trực tiếp cho chương trình xây dựng NTM 5.255 tỷ đồng, cùng với đó các địa phương trong cả nước đã huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện các nội dung của chương trình với số vốn đạt tới 157.814,170 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động cộng đồng dân cư đóng góp 18.074,678 tỷ đồng. Theo đại diện MTTQ huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, nhờ sự vào cuộc với quyết tâm cao của MTTQ các cấp và chính quyền địa phương nên chương trình đã huy động được 1.560,02 tỷ đồng và đối với các tiêu chí có từng cách vận động riêng. Như về giao thông nông thôn MTTQ các cấp đã tuyên truyền giải thích ích lợi của vấn đề này nên người dân hưởng ứng nhiệt tình, qua đó đã vận động nhân dân đóng góp trên 22,552 tỷ đồng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước sửa chữa và bê tông hoá 5.865,46km đường. Đối với phát triển thủy lợi, cán bộ Mặt trận cũng tuyên truyền để người dân hiểu về ích lợi của các công trình này đối với sản xuất nông nghiệp, qua đó vận động nhân dân đóng góp 10,456 tỷ đồng và gần 241.000 ngày công… Tại hội nghị, rất nhiều cách làm hay đã được các địa phương trình bày cụ thể, từ cách thức vận động người dân di dời chuồng trại chăn nuôi đến nơi hợp vệ sinh, cho đến việc huy động hiến đất, góp tiền, hiến ngày công xây dựng NTM. Với cách làm minh bạch, rõ ràng, người dân hiểu được rõ lợi ích của mình và cộng đồng nên đồng tình hưởng ứng và đạt kết quả cao. Tuy nhiên nhiều địa phương nhận định, trong quá trình thực hiện chương trình NTM cũng còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể như sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo triển khai, chưa đồng bộ. Thậm chí một số Ban chỉ đạo huyện hoạt động kém hiệu quả. Việc huy động vốn cho thực hiện chương trình trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, mức huy động từ các nguồn khác còn thấp. Nhiều cán bộ làm công tác NTM chưa được đào tạo, tập huấn nên còn lúng túng, bị động;… Từ đó các ý kiến cho rằng, công tác chỉ đạo chương trình xây dựng NTM phải có sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị; nội dung tuyên truyền phải hết sức sinh động; đặc biệt phải cân nhắc, thận trọng, xem xét mức sống, thu nhập hiện tại của người dân, không nên nôn nóng chạy theo thành tích, cán đích trước thời gian mà ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Phát biểu tại hội nghị, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, hội nghị đã tập trung trao đổi về tình hình chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng NTM của các địa phương; đánh giá về những hoạt động nổi bật của Mặt trận các cấp và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân đối với chương trình này. Đồng thời hội nghị cũng đã nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những đề xuất, giải pháp, cách làm hay trong công tác phối hợp, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới. * Cùng ngày, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm vận động toàn dân tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao các ý kiến tham gia tại hội nghị và cho rằng, đó là những ý kiến rất sát thực tế với nhiều giải pháp, cách làm hay góp phần nâng cao ý thức đối với người tham gia giao thông. Tuy nhiên, cần đổi mới hơn nữa cách thức tuyên truyền; Chú trọng mở các lớp tập huấn kỹ năng An toàn giao thông cho cán bộ Mặt trận; nâng cao chất lượng việc tác động đăng ký, công nhận gia đình, khu dân cư văn hóa gắn với bảo đảm trật tự an toàn giao thông. T. Thành - Chí Đại |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn